Thị trường tiền tệ tại Bình Dương sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có nhiều sự xáo trộn tuy rằng có những NH lượng vốn huy động tăng lên, nhưng cũng có những điểm huy động lại sụt giảm đôi chút. Tín hiệu tốt, đến nay những phản ánh qua đường dây nóng đến NHNN Bình Dương, thực hiện các nghiệp vụ thẩm tra, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Bình Dương chấp hành khá nghiêm túc tinh thần chỉ thị với một mức lãi suất (LS) huy động trần 14%/năm.
Chưa biết dòng tiền chạy đi đâu?
Từ khi có Chỉ thị 02 của NHNN ban hành ngày 9-7 về việc chốt chặn LS huy động 14%, các TCTD rất nhiệt tình thực hiện do bản thân mỗi NH cũng không muốn mãi tìm cách “lách LS”, để rồi LS đầu ra cũng tăng lên tương ứng quá sức chịu đựng của các thành phần kinh tế, không có lợi cho NH. Tuy nhiên, người gửi đang có phản ứng ngược do đang gửi tiền với mức LS từ 18 - 19%/năm nhưng nay bị giảm xuống 14%/năm nên đang tìm cách tính toán lại phương án gửi tiết kiệm. Do đó, phản ứng tự nhiên là rút tiền để đầu tư vào một kênh khác hay chuyển tiền từ NH nhỏ sang NH lớn, hoặc tìm NH có nhiều sản phẩm, dịch vụ, uy tín để gửi tiền...
Tại Bình Dương các TCTD chấp hành khá tốt mức trần lãi suất huy động 14%/năm theo tinh thần của Chỉ thị 02
Thông tin chung từ một số NH TMCP trên địa bàn tỉnh Bình Dương như NH Sài Gòn Hà Nội (SHB), Sài Gòn (SCB), Đầu tư & Phát triển (BIDV), Vietcombank (VCB), Đông Á, Sacombank,... đều cho biết, trong tuần qua xu hướng rút vốn và chuyển dịch vốn ra khỏi NH là khá phổ biến. Theo các NH, lượng tiền chạy khỏi NH từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng là không đáng kể, nếu không muốn nói là chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng huy động vốn tại các chi nhánh. Tuy nhiên, dòng tiền đang đi đâu về đâu, vào kênh đầu tư nào thì các NH cũng đang tìm câu trả lời. Phó Giám đốc BIDV Bình Dương Trần Ngọc Linh cho biết, trong tuần qua, khoảng 30 tỷ đồng tiền gửi tại chi nhánh đã bị rút ra khỏi NH. Lượng tiền rút ra này không đáng ngại lắm, điều quan trọng là chúng tôi hiện chưa xác định được lượng tiền này được rút ra để làm gì, bởi đối tượng gửi tiết kiệm rất đa dạng, kinh doanh, sản xuất, tiền tạm thời nhàn rỗi... do đó không thể đánh giá chính xác tình hình dòng vốn này sẽ đầu tư vào lĩnh vực nào?
Cùng nhận xét trên, Giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Bình Dương Phạm Thanh Kỳ phân tích, trong bối cảnh hiện nay, giá vàng đang nhảy múa, việc đầu tư vào vàng đầy rủi ro, không thể kỳ vọng USD tăng giá, thị trường chứng khoán đang trồi sụt thất thường, bất động sản còn nhiều khó khăn... nếu so sánh với các kênh đầu tư khác thì gửi tiền đồng vào NH hiện nay với LS 14%/năm vẫn là kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn. Do đó, dòng tiền này có thể đầu tư vào từng kênh mỗi thứ một chút, nên không thể hiện xu hướng rõ ràng, vị giám đốc này nhận định. Còn theo ý kiến của một cán bộ VCB, hãy còn khá sớm để đưa ra nhận định xác thực về xu hướng thị trường, chí ít cũng phải đợi đến hết tháng 9 mới có thể thấy rõ xu hướng này.
Làm giá lãi suất?
Người trong ngành NH cho biết, khi thị trường có biến động về LS, lẽ thường nguồn vốn có nơi tăng thêm tất nhiên có nơi giảm xuống. Có thể nhiều người đã quen với LS tiền gửi cao, nay xuống thấp nên đang có hiện tượng khách hàng đòi rút tiền để làm giá LS và không được chấp nhận. Một số TCTD thừa nhận, qua dò hỏi và biết được khoản tiền đã bị rút sang gửi ở các NH bạn, nhưng nghi vấn đã được giải tỏa khi cho nhân viên khảo sát và báo ngay tin đến cơ quan quản lý để xác minh. Kết luận chính thức từ cơ quan thanh tra NHNN, là NH nọ không xé rào.
Cũng theo nhận xét từ các TCTD, các NH bạn trên địa bàn tỉnh chấp hành khá tốt mức LS thực tế 14% năm. Giám đốc một NH (đề nghị không nêu tên), cho biết, việc thanh tra, kiểm tra gắt gao và chế tài xử phạt nặng nề đối với các NH “vượt” trần LS huy động thực sự đang tạo sự lành mạnh cho thị trường tiền tệ, các NH có quy mô lớn sẽ có lợi thế hơn so với các NH nhỏ do có thương hiệu, uy tín, dịch vụ tốt. Trường hợp đầu tiên vi phạm quy định về trần LS 14% là đình chỉ công tác Giám đốc NH Đông Á chi nhánh Tây Ninh, không được giao chức vụ quan trọng trong NH Đông Á trong vòng 3 năm do hành vi vượt trần LS 14%, là bài học kinh nghiệm cho các NH về việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các NHTM với nhau. Vị giám đốc này nói, thực tế, không khó để NH có thể lách luật với rất nhiều phương cách vì NH có rất nhiều khoản chi phí trong kinh doanh, nhưng một khi ngành chức năng quyết tâm ngăn chặn không khoan nhượng, trong khi mức lãi huy động ở đâu cũng 14%/năm thì cũng không vị giám đốc nào dại dột gì tự đưa LS lên cao để chuốc lấy thiệt thòi về phía mình hay nói rõ hơn là vấn đề xử lý có liên quan thiết thực đến trách nhiệm và quyền lợi là “mất ghế”. Đây cũng là điều khiến cho nhiều NH làm đúng quy định trần LS và đang có một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thị trường tiền tệ Bình Dương chưa có những “vệt đen”.
THANH HỒNG