Lãi suất huy động dài hạn đồng loạt lên 13%/năm

Cập nhật: 21-09-2012 | 00:00:00

10 ngày sau khi mức lãi suất 13%/năm xuất hiện trên biểu niêm yết trong hệ thống với quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Á Châu (ACB), nhiều ngân hàng thương mại đã chính thức nhập cuộc. Đại diện ACB cho hay, tăng lãi suất nhằm cân đối nguồn vốn.

  Lãi suất huy động kỳ hạn dài lên 13%/năm (Ảnh minh họa).Ngày 11-9, ACB là ngân hàng đầu tiên áp mức 13%/năm trên biểu lãi suất huy động VND. Đây là mức cao nhất và lần đầu tiên xuất hiện kể từ tháng 6-2012 trở lại đây (trước đó là hiện tượng sản phẩm “kỳ hạn duy nhất, lãi suất cao nhất” có tại Western Bank với 14%/năm chỉ áp dụng vài ngày).

Ngay sau đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng nhập cuộc với các mức lãi suất cao nhất từ 12,8 % - 13%/năm.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng Bắc Á (BacABank), Ngân hàng Đại Á (DaiABank), Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank)… cũng đã điều chỉnh lãi suất niêm yết tại một số điểm giao dịch thực tế lên 12,9%/năm - 13%/năm.

Dù điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhưng những mức lãi suất cao 13%/năm chỉ tập trung ở hai kỳ hạn là 12 và 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Đây cũng là những kỳ hạn không bị khống chế trần lãi suất theo quy định hiện hành. Các kỳ hạn dài hơn vẫn ở dưới 12%/năm, các kỳ hạn dưới 12 tháng tối đa là 9%/năm.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu cho biết, việc ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên 13%/năm là nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài, từ đó cân đối giữa nguồn vốn đầu vào và đầu ra. Bởi đa số các khoản cho vay của ngân hàng thời gian qua đều là dài hạn, khiến nguồn tiền không cân đối giữa huy động và cho vay.

Theo đó, đại diện phát ngôn của ACB loại trừ nguyên do “mất thanh khoản” nên mới phải đẩy lãi suất lên cao. Sau những biến cố vừa xảy ra, cùng với sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước và niềm tin của người gửi tiền, thanh khoản của ngân hàng đã ổn định trở lại.

Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 7-9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 1,82%, trong khi đó tăng trưởng huy động vốn vẫn gấp hơn 10 lần tăng trưởng tín dụng. Điều này cho thấy, dòng vốn trong ngân hàng đang “dư thừa” nhưng các ngân hàng vẫn rất thận trọng khi cho vay vốn ra nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng, tình trạng huy động vốn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn “dậm chân tại chỗ”, chứng tỏ vốn vẫn dùng vào đảo nợ và chạy lòng vòng trong thị trường tài chính.

Để giải tỏa “vòng luẩn quẩn” thị trường vốn cho vay ứ đọng, trong khi năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã đến mức báo động, theo TS.Lai, Ngân hàng Nhà nước nên sớm dỡ bỏ mọi qui định trần lãi suất ở thị trường 1. Nếu buộc còn phải sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp lãi suất thì nên là ngắn hạn và chỉ áp “hành chính” ở lãi suất cho vay, nhưng là hành chính mềm.

TS.Lai gợi ý hướng tháo gỡ vướng mắc trên, Ngân hàng Nhà nước nên ra thông tư khống chế lãi suất cho vay cao nhất ở thị trường 1 đối với mọi tổ chức tín dụng không được vượt quá 125% (hoặc 130%) so với lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn tương ứng khoản vay 1 năm, 2 và 3 năm trong đợt phát hành gần nhất so với thời điểm phát sinh tín dụng so sánh. Mục đích của giới hạn này là làm sao cho lãi suất tín dụng đầu ra không vượt quá tỷ lệ lạm phát kỳ vọng cộng với chi phí hoạt động cung ứng tín dụng hợp lý của tổ chức tín dụng và lãi suất kỳ hạn ngắn phải thấp hơn lãi suất kỳ hạn dài.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=364
Quay lên trên