Lãi suất huy động điều chỉnh tăng để thu hút khách hàng

Thứ ba, ngày 09/07/2024

(BDO)  Trong những tháng đầu năm 2024, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất đầu vào để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đang điều chỉnh tăng lãi suất để thu hút dòng tiết kiệm đang tăng thấp hơn so với mức kỳ vọng.

 

Nhiều ngân hàng nâng lãi suất huy động để cải thiện năng lực nguồn vốn và đáp ứng nhu cầu vốn trong thời gian sắp tới. Trong ảnh: Tư vấn khách hàng tại Vietcombank - chi nhánh Bình Dương

 Huy động vốn tăng thấp

Trong những tháng đầu năm 2024, thị trường tiền tệ liên tục ghi nhận mặt bằng lãi suất huy động vốn theo chiều hướng giảm. Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ra quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành. Trước những biến động chung của thị trường tiền tệ, hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 6-2024, tổng huy động vốn tại BIDV - chi nhánh Bình Dương chỉ tăng khoảng 2% so với đầu năm 2024. “Đây là mức tăng trưởng thấp so với mục tiêu huy động đề ra tăng 10 - 14% trong năm nay”, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - chi nhánh Bình Dương, cho biết.

Tại Vietcombank - chi nhánh Bình Dương, con số huy động tiết kiệm cũng sụt giảm. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank - chi nhánh Bình Dương, cho biết thực tế trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, người dân có xu hướng rút vốn ra chuyển sang phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu đột xuất, hoặc nằm dưới các dạng tài sản khác như vàng, ngoại tệ hoặc đầu tư sang kênh khác. Đối với khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp, trước đây tình hình kinh tế ổn định, đơn hàng nhiều, doanh nghiệp vừa có số dư tiền gửi ở ngân hàng vừa có dư nợ tín dụng.

“Hiện nay tình hình khác hẳn, doanh nghiệp giảm quy mô vay vốn và ưu tiên sử dụng vốn tự có của doanh nghiệp để đưa vào sản xuất. Từ đó số dư tiền gửi doanh nghiệp cũng giảm đi. Hiện chỉ tiêu huy động vốn đang giảm nhiều, đặc biệt ở khối doanh nghiệp FDI. Từ thực tế này khiến tổng nguồn huy động của Vietcombank - chi nhánh Bình Dương giảm khoảng 2% so với đầu năm 2024”, ông Nguyễn Thái Minh Quang cho biết.

Không chỉ có 2 ngân hàng nêu trên, tại các ngân hàng thương mại khác tình hình huy động vốn cũng diễn biến tương tự, khiến tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh tăng thấp so với cùng kỳ năm trước.

Hút vốn để đáp ứng nhu cầu

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết tình hình tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2024 do lãi suất tiền gửi liên tục giảm ở mức sâu khiến nguồn tiền nhàn rỗi không mấy mặn mà đổ vào ngân hàng, chuyển hướng sang đầu tư vàng, bất động sản. Cùng lúc đó, trong lúc tín dụng tăng trưởng chậm, các ngân hàng cũng không có động lực phải huy động vốn bằng mọi giá như giai đoạn trước. Cũng chính vì nhu cầu huy động vốn thấp đã khiến các ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiền gửi về mức thấp kỷ lục trong 5 tháng đầu năm nay.

Cũng theo các lãnh đạo ngân hàng, diễn biến trên thị trường trong tháng 6 vừa qua cho thấy các kênh đầu tư như vàng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát, các kênh đầu tư khác như bất động sản khó tăng cao, cùng lúc đó hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại là nguyên nhân khiến khung lãi suất huy động của hầu hết ngân hàng thương mại đang tăng trở lại.

Từ đầu tháng 7, đã có 3 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm là SeABank, NCB, Eximbank. Trước đó, trong tháng 6, đã có 23 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Cách đây một tháng, hầu hết ngân hàng đều niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng dưới 4,9%/năm, nhưng hiện đã có nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất lên trên 6%/năm, chủ yếu ở các kỳ hạn dài. Đối với kỳ hạn 12 tháng, hầu hết các ngân hàng tư nhân đã trả lãi suất huy động từ 5 - 6%/năm.

Ông Nguyễn Thái Minh Quang cho biết bước sang quý II-2024, nhu cầu giải ngân cũng như nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đang tiến triển tốt hơn nên tăng trưởng tín dụng ghi nhận dấu hiệu tăng tích cực trở lại từ cuối tháng 5. Vì vậy, các ngân hàng có thể phải tăng lãi suất huy động để cân đối dòng vốn huy động - cho vay.

Ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc LPBank, cho hay sau giai đoạn duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp đầu năm, LPBank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động để cân đối dòng tiền với hoạt động cho vay tăng trưởng rất tốt trong nửa đầu năm. Cũng theo ông Hồ Nam Tiến, đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt trên 10% và dự kiến cả năm có thể tăng 15% theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao. Do vậy, hệ thống ngân hàng cũng rất cần vốn đầu vào để đạt các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đã đề ra cho cả năm 2024.

 Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Bình Dương, tính đến cuối tháng 5 tổng nguồn vốn huy động trên toàn địa bàn là 302.159 tỷ đồng, giảm 1,27% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chiếm tỷ trọng lớn hơn (51,24%) so với tiền gửi dân cư (47,49%), nhưng nếu so sánh tỷ lệ tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại sụt giảm mạnh với mức giảm 6,02% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi các khách hàng dân cư tăng 4,34%, số còn lại là huy động từ kỳ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá trị khác. Như vậy, mức tăng trưởng huy động vốn đang ở mức thấp nhất so với các năm trở lại đây.

 THANH HỒNG