Với thanh khoản tiền đồng dồi dào, bốn ngân hàng thương mại nhà nước đầu tuần này đã bắt đầu giảm lãi suất huy động sau khi Vietcombank giảm lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn một tháng xuống còn 5% vào ngày 11-7.
Các ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn một tháng xuống còn 5%-6%/năm.
Ngày 15-7, Ngân hàng BIDV đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn một tháng từ 6% xuống còn 5%, mức này cũng được áp dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trước đó. Tại Ngân hàng Công thương (VietinBank), lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn một tháng giảm xuống 6% từ mức 6,5% của một tuần trước đó. Tuy nhiên, lãi suất huy động kỳ hạn hai tháng của VietinBank cũng là 6% lại thấp hơn so với mức 6,5% của Agribank và Vietcombank.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần như ACB, Eximbank, Đông Á vẫn chưa thay đổi lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn ngắn từ một đến ba tháng.
Diễn biến trên cho thấy lãi suất hiện nay đã có sự khác biệt giữa các ngân hàng, cũng như có sự khác biệt về lãi suất giữa các kỳ hạn tại mỗi ngân hàng, không còn hiện tượng lãi suất như nhau ở tất cả các kỳ hạn và tất cả các ngân hàng như trước đây. Như vậy, đường cong lãi suất đã bước đầu được thiết lập.
Khác nhau về lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn từ một đến ba tháng, nhưng với các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên, lãi suất huy động ở các ngân hàng khá tương đồng với nhau, xoay quanh mức từ 7% đến 8%/năm.
Mức này được xem là giữ lãi suất thực dương khi lạm phát năm nay được dự báo nằm ở mức 6%- 7%. Trước đó, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cũng cho rằng lần cắt giảm trần lãi suất xuống còn 7% vào cuối tháng 6 vừa rồi có thể là lần cắt giảm cuối trong năm nay khi dư địa giảm tiếp không còn nhiều, vì phải đảm bảo lãi suất thực dương.
Nếu hạ lãi suất huy động xuống quá thấp, tiền gửi trong ngân hàng có thể chảy sang các kênh đầu tư khác như vàng hay ngoại tệ, nhất là trong bối cảnh thanh khoản của các loại tài sản này khá tốt ở Việt Nam.
Trong báo cáo mới đây về kinh tế châu Á, chuyên gia của Ngân hàng HSBC cũng cho rằng trong năm nay sẽ khó có thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa, vì áp lực lạm phát vẫn tồn tại.
Chưa thể giảm tiếp lãi suất cho vay
Một lãnh đạo của Ngân hàng Vietcombank cho biết, việc ngân hàng này giảm lãi suất huy động kỳ hạn một tháng xuống còn 5% chỉ mang tính thăm dò thị trường, đồng thời điều chỉnh lại cơ cấu lãi suất các kỳ hạn để có một mức giá vốn tốt hơn, chứ chưa phải là một tín hiệu giảm lãi suất trên diện rộng. “Việc giảm lãi suất huy động có độ trễ của nó do vậy không thể vừa giảm lãi suất huy động đã giảm ngay lãi suất cho vay, chưa kể đây chỉ là một kỳ hạn rất ngắn”, vị này nói.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank, cũng cho biết ngân hàng chưa có kế hoạch điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng vì có thể ảnh hưởng đến huy động của ngân hàng, do vậy lãi suất cho vay chưa có gì thay đổi. Ông Khang cho rằng hiện nay tại ngân hàng triển khai rất nhiều gói cho vay với các mức lãi suất khác nhau cho từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể, và thấp nhất là 9%/năm cho các ngành lĩnh vực ưu tiên theo quy định của nhà nước như nông nghiệp, xuất khẩu…
Tại các ngân hàng hiện nay, lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp xoay quanh mức 9%- 10%/năm, và có thể còn thấp hơn nếu doanh nghiệp có hoat động kinh doanh cũng như lịch sử vay nợ tốt.
Theo báo cáo về tình hình hoạt động của các ngân hàng trong tuần đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mặt bằng lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại nhà nước phổ biến ở mức 7%- 9%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 9%- 10,5%/năm và trung, dài hạn là khoảng 11,5%- 12,8%/năm.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu đãi theo quy định nhà nước là 8%- 9%/năm, còn với các lĩnh vực khác, lãi suất phổ biến ở mức 9,5%- 11,5%/năm cho vay ngắn hạn, và khoảng 12% - 13%/năm cho vay trung và dài hạn.
Khi nguồn vốn huy động của các ngân hàng dồi dào nhưng không cho vay ra được, đã có đề xuất cho rằng NHNN có thể tăng dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng, nhưng biện pháp này sẽ làm tăng chi phí vốn của ngân hàng dẫn đến sẽ làm tăng lãi suất cho vay. NHNN đã lựa chọn biện pháp phát hành tín phiếu có trả lãi để hút tiền về, vừa hỗ trợ các ngân hàng đang dư dả nguồn vốn vừa không làm tăng mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn