Trong 4 tháng đầu năm 2025, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung có chiều hướng tăng nhẹ, nhằm thu hút người dân gửi tiền, gia tăng nguồn vốn huy động để các ngân hàng thực hiện cho vay. Ghi nhận cho thấy thời điểm này, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao.

Lãi suất tăng nhẹ
Từ sau cuộc họp ngày 25-2 giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các ngân hàng thương mại về lãi suất, đã có 29 NHTM trong nước giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm. Tuy nhiên, đà giảm lãi suất đã chững lại trong tháng 4-2025 khi chỉ có 9 ngân hàng giảm lãi suất. Đáng chú ý, đã có những ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn, nhất là kỳ hạn ngắn, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (Bac A Bank) đã tăng lãi suất tại các kỳ hạn từ 1-36 tháng trong tháng 4 vừa qua.
Mới đây, MB điều chỉnh tăng 0,2 điểm %/năm lãi suất huy động các kỳ hạn 1-5 tháng, áp dụng đến hết tháng 5-2025 và không quy định số tiền gửi tối thiểu. Tính từ đầu năm đến nay, MB đã thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động với một lần giảm, một lần tăng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh kênh gửi tiết kiệm online như tăng lãi suất so với kênh gửi tại quầy, cho phép vay thấu chi cầm cố sổ tiết kiệm để bảo toàn tiền gửi… nhằm thu hút khách hàng. Trong đó, ở nhóm các ngân hàng số, Ngân hàng số Vikki có kỳ hạn tiền gửi 12 tháng cũng được áp dụng chính sách chi trả 6%/ năm. Trong khi đó, khách hàng gửi tiết kiệm online tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDbank) kỳ hạn 15 tháng được hưởng lãi suất 6%/năm, kỳ hạn 18 tháng là 6,1%/năm.
Với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (BVbank), đang chi trả lãi suất tiết kiệm 6,1%/năm cho kỳ hạn 60 tháng và 6,0%/năm cho kỳ hạn 48 tháng. Tuy nhiên, chính sách này áp dụng cho khách hàng gửi tiền tại quầy…
Người dân vẫn ưu tiên gửi tiền ngân hàng
Trong giai đoạn hiện nay, các mức lãi suất tiết kiệm nêu trên được xem là mức lãi suất hấp dẫn người gửi tiền trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi tăng cao và các kênh đầu tư khác vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Anh Nguyễn Văn Đức, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Tôi thấy gửi tiết kiệm an toàn, lãi suất ổn định hơn các kênh như chứng khoán. Bất động sản rủi ro cao và đầu tư kinh doanh vẫn chưa phục hồi nên tôi vẫn chọn gửi tiết kiệm ngân hàng”.
Theo NHNN, ngành ngân hàng đang chuẩn bị nguồn vốn lớn để đáp ứng kế hoạch tín dụng năm 2025. Do vậy, các ngân hàng cần tập trung đẩy mạnh tín dụng và huy động vốn để đạt được mục tiêu đề ra. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, cho rằng việc tăng lãi suất huy động là cần thiết để bảo đảm thanh khoản ổn định, đồng thời thu hút nguồn vốn trong bối cảnh nhu cầu vay tăng cao hiện nay. Lãi suất huy động tăng giúp các ngân hàng duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động tín dụng, đồng thời cạnh tranh hiệu quả với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng.
Vì vậy, theo ông Trần Ngọc Linh, chiến lược điều chỉnh lãi suất huy động của mỗi ngân hàng phụ thuộc vào tình hình thanh khoản và khả năng tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng có dư địa tăng trưởng tín dụng tốt sẽ tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, trong khi các ngân hàng nhỏ hoặc có thanh khoản dồi dào có thể không cần điều chỉnh mạnh. Điều này cho thấy sự linh hoạt trong cách tiếp cận của từng ngân hàng, phù hợp với chiến lược kinh doanh và tình hình thực tế của mỗi ngân hàng.
Theo lãnh đạo một số ngân hàng, dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng mạnh phản ánh phần nào tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng biến động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị và sự suy giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đã khiến dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn. Điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cùng sự ổn định của hệ thống tài chính cũng góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, đánh giá năm 2025 được dự báo tiếp tục là một năm thách thức khi kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố bất định và tiềm ẩn rủi ro. Lạm phát toàn cầu giảm nhưng chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam lớn… Đó là những thách thức đối với ngành ngân hàng nói chung và công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nói riêng trong năm 2025.
NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác. Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng...
Theo ông Tạ Thành Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 12 (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu), sau sáp nhập, quy mô dư nợ cho vay và nguồn vốn huy động của khu vực 12 tăng khá. Trong đó, tổng huy động vốn đến cuối tháng 3-2025 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bình quân cả khu vực tăng 2,06% so với cuối năm 2024; dư nợ tín dụng ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 0,86% so với đầu năm. Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng ổn định. |
THANH HỒNG