Theo nhận định của các doanh nghiệp, lãi suất VND thời gian tới tăng cao sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn hơn, đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất. Chưa kể, câu chuyện căng thẳng tỷ giá vẫn khó chấm dứt từ nay đến cuối năm.
Lo đầu vào tăng cao
Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cho biết, khan hiếm, gặp khó khăn trong mua ngoại tệ kéo dài từ đầu tháng 10 đến nay. Tỷ giá trên thị trường tự do đã có lúc lên tới gần 21.000 đồng/USD, chênh gần 1.500 đồng so với giá bán chính thức của ngân hàng, nhưng cũng không có nhiều để doanh nghiệp mua. Lãi suất được điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, thì đương nhiên lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ tăng theo.
Công nhân điều khiển dây chuyền lắp ráp ô tô (tại Vinaxuki).
Đây sẽ là điều khó khăn đối với doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp cần vốn để mua hàng chuẩn bị sản xuất sang năm, cũng như thanh toán các khoản vay đến kỳ đáo hạn. “Nâng lãi suất cơ bản lên 9% sẽ khiến đầu vào của doanh nghiệp tăng lên. Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, việc này sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn”- Ông Đàng nói.
"Đầu năm tôi vay VND rồi phải đổi sang USD để nhập khẩu máy móc thiết bị. Đến nay tỷ giá tăng cao mà không mua nổi USD để trả ngân hàng. Thậm chí tôi không thể vay được 70 nghìn USD từ ngân hàng để trả lương cho 10 chuyên gia Nhật Bản đang làm việc tại công ty. Tôi phải vận động các anh em quen biết bán USD lẻ để trả lương cho chuyên gia" - Ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT Vinaxuki lo lắng
Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, trung bình một năm họ phải vay tới gần 600 tỷ đồng. “Với tình hình biến động như hiện nay, chúng tôi không dám vay bằng ngoại tệ vì rất rủi ro. Hơn nữa vay ngoại tệ của ngân hàng không dễ. Muốn mua càng khó hơn, dù tỷ giá niêm yết của ngân hàng trên giấy tờ là 19.500 đồng/USD nhưng doanh nghiệp phải trả các khoản phí khác”- Ông cho biết.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Da giày Hà Nội cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước bơm ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thị trường là đúng. Tuy nhiên, chỉ ưu tiên bán USD cho doanh nghiệp nhập các nhu yếu phẩm cần thiết như vật tư, máy móc... Như vậy không phải doanh nghiệp nào cũng được đáp ứng đủ nhu cầu USD và sẽ vẫn phải đi mua từ thị trường tự do.
Theo ông Tuấn, hiện giá một số nguyên liệu đầu vào trên thế giới đang tăng, như giá bông nhập khẩu từ Tanzania đã tăng gần 40%, từ Bờ Biển Ngà tăng 56% so với cùng kỳ. Giá sợi polyester cũng tăng, dao động ở mức 1,2-3,5USD/kg.
“Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần nhiều vốn và ngoại tệ để đẩy nhanh sản xuất nhằm trả hết các đơn hàng của năm nên việc tăng lãi suất cơ bản sẽ khiến tỷ giá tăng, doanh nghiệp rất lo ngại. Một số doanh nghiệp trong ngành dệt may đã ký xong đơn hàng cho năm 2011. Với tình hình tỷ giá như hiện nay thì sang năm làm ăn sẽ rất đáng lo” - Ông Tuấn nói.
Tăng lương không theo kịp mất giá
Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất cơ khí tính toán: Từ đầu năm đến nay, công ty nâng lương cho cán bộ công nhân viên 2 lần với mức tăng tổng cộng gần 30% nhưng họ vẫn không đủ sống do giá cả liên tục tăng theo tỷ giá. Cách đây gần 10 năm, chúng tôi trả lương cho một quản đốc là 1,5 triệu đồng/tháng. Với số tiền này họ có thể mua được 1m2 đất ở ngoại thành. Giờ lương đã lên tới 12 triệu đồng/tháng nhưng không đủ để mua 0,5 m2 đất”.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho biết, cách điều hành hiện nay dường như đang đi vòng luẩn quẩn, sẽ có doanh nghiệp bị phá sản. “Tôi cho rằng, từ đầu năm 2011, doanh nghiệp sản xuất ra giá trị gia tăng bằng công lao động sẽ gặp khó khăn rất nhiều do tỷ giá và lãi suất vay ngân hàng tăng lên. Doanh nghiệp bị lỗ khá lớn do tỷ giá tăng, trong khi tình hình tiêu thụ sản phẩm không khả quan” - Ông Huyên nói.
Theo Tiền Phong