Nhiều ngân hàng dù không vì lý do thanh khoản nhưng đang tham gia vào cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động vượt trần 14%/năm mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Cuộc đua cạnh tranh khách hàng này đang làm méo mó thị trường.
Bình thường và không bình thường
Nhiều ngân hàng dù không vì lý do thanh khoản nhưng đang tham gia vào cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động vượt trần 14%/năm mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Cuộc đua cạnh tranh khách hàng này đang làm méo mó thị trường. Tuy nhiên, sau một thời gian tuân thủ quy định, nhiều ngân hàng thương mại đang tạo nên một cuộc đua tăng lãi suất huy động VND, với lãi suất quanh mức 18%/năm, thậm chí lên tới 19,5% tùy theo lượng tiền và kỳ hạn gửi.
Huy động vốn tháng 4 giảm hơn 1%.
Nếu như lần vượt trần trước đây (quãng thời gian đầu tháng 4), một số ngân hàng “lách” lãi suất lên mức 17%/năm thông qua các hình thức cũ như thưởng lãi suất, quà tặng, khuyến mãi... trả ngay khi khách hàng thân quen gửi tiền, thì ở cuộc đua này đã mở rộng ra cả với những khách hàng lạ qua hình thức gọi điện. Theo nhân viên giao dịch một ngân hàng tại Hà Nội, chỉ cần có 200 triệu đồng đến gửi, khách hàng có thể hưởng mức lãi suất lên tới 18%/năm, mức trên 19%/năm thuộc về những khoản tiền gửi trên 1 tỷ đồng.
Để chi trả cho phần chênh lệch lãi suất giữa 14%/năm theo quy định và 18% đến 19%/năm theo thực tế, mỗi ngân hàng có một cách riêng để hợp thức hóa. Có ngân hàng trả tiền lãi 14%/năm vào cuối kì, 4% còn lại sẽ chi trả trực tiếp ngay khi khách hàng đến gửi tiền dưới hình thức làm phiếu quà tặng.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh NHNN đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế cho vay ra, thì động thái đua huy động này được xem là điều không bình thường. Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện một ngân hàng thương mại, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có lúc lên trên 20%/năm, lúc cao điểm là 23% nên huy động tiết kiệm cao hơn 14% lại là bình thường.
Huy động vốn vẫn khó
Lãi suất huy động VND được các ngân hàng phá rào khiến một bộ phận dân cư có thói quen gửi tiết kiệm khá hồ hởi. Chị Thùy Dung (Bắc Linh Đàm) cho biết: “Tôi vừa bán mấy cây vàng, tiền chưa biết đầu tư vào đâu nên mang đi gửi tiết kiệm. Quả thật lãi suất đã có sự thay đổi, cao hơn trước đây. Tôi cũng nghe mấy chị bạn bảo có tiền mang đi mà gửi ngân hàng, lãi đang cao, chứ giờ ném vào đất hay chứng khoán chưa phải là thời điểm thích hợp”.
Người dân hào hứng thì thấy rõ, nhưng theo đại diện một số ngân hàng tại Hà Nội, lượng tiền họ huy động được thời gian này không nhiều. Và theo thống kê từ NHNN, tính đến cuối tháng 4, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 1,09% so với tháng trước; trong đó tiền gửi bằng VND giảm 1,84%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,46%. Ngược lại, cho vay đối với nền kinh tế ước tăng 0,11% so với tháng trước, với tín dụng bằng VND tăng 0,14%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,02%.
Không công bố số liệu cụ thể, nhưng theo tổng giám đốc một tổ chức tín dụng tại Hà Nội: Hoạt động huy động nguồn vốn của tổ chức này đã có những biến động đáng quan ngại. Tỷ trọng nguồn vốn dài hạn và ổn định có chiều hướng giảm mạnh, gia tăng sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn trên thị trường II để đảm bảo thanh khoản. Do đó, tổ chức này “đang khẩn trương thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm ứng phó kịp thời và đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả cao thời gian tới”.
Theo Dân Trí