Dù giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trên thị trường thế giới đã giảm khoảng 20% so với đầu năm nhưng giá TĂCN trong nước vẫn đứng ở mức rất cao gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Cũng chính vì giá thức ăn quá cao nên hiện tượng sử dụng chất tăng trọng để gia súc, gia cầm chóng lớn, tránh lỗ lã đang gây nhiều lo ngại cho người sử dụng thịt.
Giá cao, chất lượng dỏm
Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh gây khó khăn cho người chăn nuôi. Tính từ đầu năm đến nay, các nhà máy sản xuất TĂCN đã có tới 4 lần điều chỉnh giá bán với mức tăng ít nhất trên 10%. Hiện giá TĂCN đã lên tới 220.000 đồng- 350.000 đồng/bao 25 kg, tùy loại.
Với mức giá trên, người nuôi heo, gà vịt rất dễ bị lỗ do giá đầu ra không tăng. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo Trí Công ở Đồng Nai, cho biết với giá heo hơi hiện nay từ 35.000 đồng- 36.000 đồng/kg, người nuôi chỉ hòa vốn, còn người nuôi gà đang lỗ khoảng 1.000 đồng/kg...
Nhiều trại chăn nuôi phản ánh, không chỉ phải mua giá cao, người chăn nuôi hiện còn phải đối mặt với hiện tượng chất lượng thức ăn giảm sút. Không ít lần họ mua phải TĂCN chất lượng quá kém, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chậm lớn khiến họ lỗ nặng.
Khi khiếu nại đến đơn vị sản xuất thì họ đổ lỗi “con giống có vấn đề chứ thức ăn luôn đạt tiêu chuẩn quốc tế”. Ông Trần Thái Tùng, chủ một trại tôm ở Bạc Liêu, cho biết khi chất lượng thức ăn quá kém thì phải nuôi thêm 2-3 tháng so với bình thường, lúc đó trọng lượng tôm mới đạt được kích cỡ xuất khẩu và như vậy người nuôi cầm chắc lỗ...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi VN, ông Phạm Đức Bình, thừa nhận trên thị trường TĂCN đang hình thành 2 dạng giá cao và giá rẻ.
Nếu người nuôi chọn thức ăn giá rẻ sẽ rất dễ gặp phải loại chất lượng có vấn đề, nhất là độ đạm. Mặc dù nhà sản xuất có ghi đầy đủ các thông số, trong đó có cả độ đạm, thậm chí quảng cáo là thức ăn của họ sử dụng bột cá nguyên chất... nhưng thực chất là đạm giả, đạm làm từ lông vũ nên vật nuôi không thể lớn được.
Nguyên liệu cám gạo, bột bắp cũng bị họ trộn bột đá để làm tăng trọng lượng... Tuy vậy, công tác kiểm soát chất lượng TĂCN hiện nay vẫn còn rất lỏng lẻo nên cuối cùng chỉ người chăn nuôi chịu thiệt...
Sử dụng chất tăng trọng
Do giá TĂCN, giá con giống cao nên hiện nay không ít người nuôi (kể cả các trại chăn nuôi quy mô lớn) quay lại sử dụng các chất tăng trọng mà ngành thú y đã cấm sử dụng.
Giới chăn nuôi tiết lộ, trước đây người nuôi thường sử dụng chất tăng trọng xuyên suốt quá trình nuôi nên khi cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm sẽ phát hiện được ngay.
Nay để đối phó với cơ quan chức năng, người chăn nuôi chỉ sử dụng thuốc trong giai đoạn cuối (trước khi xuất chuồng khoảng 15- 20 ngày) nhưng với liều lượng cao hơn. Heo, gia cầm ăn phải chất này ngoài việc tăng trọng nhanh còn có tác dụng tạo cơ bắp nên tỉ lệ nạc cao, màu sắc hồng hào, dễ bán.
Theo giới chuyên môn, chất tăng trọng hiện đang lưu hành có nhiều loại, chủ yếu là hàng Trung Quốc (trong đó có chất clenbuterol) với giá vốn khoảng 3 triệu – 4,5 triệu đồng/kg nhưng khi bán đến tay người chăn nuôi đã được đẩy lên từ 7 triệu- 10 triệu đồng/kg.
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, chất clenbuterol là một trong những chất tăng trọng bị cấm sử dụng. Chất này tồn dư ở tất cả các bộ phận, nhưng tập trung nhiều ở cơ và nội tạng.
Nó bền dưới tác dụng của nhiệt nên không hề phân hủy hoặc bay hơi khi nấu. Người ăn phải thịt heo nhiễm clenbuterol có thể bị ngộ độc cấp với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp, rối loạn trao đổi chất...
Thời gian gần đây, Chi cục Thú y TPHCM đã tổ chức lấy 500 mẫu thịt heo tại các chợ, lò giết mổ trên địa bàn TPHCM để kiểm nghiệm, có đến 10% số mẫu bị nhiễm chất tăng trọng bị cấm sử dụng là clenbuterol. Theo cơ quan thú y, kết quả trên cũng chưa phản ánh được thực trạng vì khi kiểm tra đã phải thông báo trước, do đó có khả năng người nuôi hạn chế sử dụng trong thời gian kiểm tra lấy mẫu.
Chất tăng trọng hiện nay có nhiều loại, trong đó có chất clenbuterol. Chất này tồn dư ở tất cả các bộ phận của gia súc, gia cầm, nhưng tập trung nhiều ở cơ và nội tạng. Người ăn phải thịt heo nhiễm clenbuterol có thể bị ngộ độc cấp.
THEO NLĐ