Làm bằng lái xe giả… tận nhà

Cập nhật: 02-03-2022 | 08:22:03

Thời gian qua nhiều trang mạng xã hội (MXH) quảng cáo công khai, thậm chí nhắn vào thuê bao di động của khách hàng để giới thiệu dịch vụ làm bằng cấp, hồ sơ giả. Đặc biệt trong thời gian gần đây nở rộ dịch vụ làm giấy phép lái xe giả (GPLX) như mua một món hàng thông thường trên mạng.


Một bài quảng cáo trên mạng xã hội nhận làm GPLX giả kèm dịch vụ giao hàng tận nhà

Rao bán GPLX giả trên mạng

Đang có nhu cầu học lái xe ô tô và cần trường có uy tín để học, chị Nguyễn Thị M. (sinh năm 1988, quê Thanh Hóa) cùng bạn thường xuyên vào MXH tìm hiểu thông tin. Thời điểm này, một số trang MXH bỗng xuất hiện các bài quảng cáo nhận làm GPLX, bao lý thuyết, thực hành với giá “siêu rẻ”. Sau khi nhắn tin, chị M. được biết đây là nhóm chuyên làm bằng giả online nên đã từ chối.

Lần theo những bài giới thiệu về dịch vụ làm GPLX giả đăng công khai trên các hội, nhóm như “Hội ăn vặt…”, “Hội việc làm Bình Dương…”, “Hội bất động sản…”, “Hội việc làm online…”,… phóng viên (P.V) nhận thấy tình trạng mua bán GPLX giả đang nở rộ và được nhiều người quan tâm. Một số đối tượng công khai quảng cáo về dịch vụ làm GPLX giả với nhiều chiêu trò “hấp dẫn” đến mức bất ngờ.

Cụ thể, trên nhóm việc làm, một đối tượng đăng bài giới thiệu “Trung tâm làm bằng lái xe bao lý thuyết và thực hành. Hồ sơ gốc và bằng gửi về tận nhà. Không đặt cọc, được kiểm tra trước khi thanh toán…”. Cũng một bài viết như thế này đăng ở một nhóm khác, đối tượng quảng cáo nhận làm tất cả các loại chứng chỉ, GPLX với giá “rẻ như hạt dẻ”. Kèm theo bài viết là hình ảnh minh họa một bộ hồ sơ gồm GPLX, biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe,… của một Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe tại Hà Nội.

Trên một fanpage chuyên mua bán ô tô tại Bình Dương, một đối tượng tên K. nhận đăng ký thi GPLX hạng B1, B2 bao đậu, chỉ cần “leo lên xe chạy là có người hướng dẫn từ A đến Z”. K. công khai cho số điện thoại liên hệ trên MXH để ai có nhu cầu thì liên hệ. Trong vai một người có nhu cầu thi GPLX, P.V nhắn tin với một trong những đối tượng có tài khoản có tên B. Milo để nhờ tư vấn, đối tượng này cho biết nhận làm GPLX hạng B1 với giá 4 triệu đồng, hạng B2 với giá 5 triệu đồng, có đầy đủ hồ sơ gốc, chứng chỉ, ở tỉnh nào thì làm bằng ở tỉnh đó. B. cho hay “Bây giờ người ta bao thi chứng chỉ hết rồi, đâu có chuyện đi thi hai lần như xưa nữa”. Khi P.V hỏi chứng chỉ này chất lượng ra sao, khi bị công an phát hiện thì thế nào? B. cho biết chứng chỉ đi kèm luôn hồ sơ gốc, mã quét đầy đủ, “bao kiểm tra thoải mái”. Cùng với lời giới thiệu trên, B. gửi kèm hình ảnh một bộ chứng chỉ sơ cấp kèm hồ sơ gốc mới tinh, có ảnh và con dấu đỏ. B. còn gửi thêm một clip hướng dẫn kiểm tra mã QR trên GPLX.

Theo đó, sau khi quét mã QR, thông tin về tên tuổi, năm sinh, quê quán của chủ GPLX sẽ được gửi về tin nhắn của điện thoại. Theo quan sát của P.V, đối tượng đã sử dụng thao tác cắt, dán thông tin để hiển thị thông tin cá nhân của thí sinh trên ứng dụng tin nhắn văn bản chứ không phải thông tin hiển thị khi đang quét mã QR.

Cần xử lý nghiêm

Có thể thấy một số người muốn có GPLX để đáp ứng nhu cầu đi lại nhưng lại không muốn mất thời gian cho việc học nên các dịch vụ làm GPLX giả nở rộ trên MXH, bất chấp vi phạm pháp luật. Điều này đòi hỏi ngành chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay đối với đối tượng vi phạm.

Theo Thượng tá Thượng Văn Lành, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, “Đầu năm 2022 đến nay, qua kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, các tổ tuần tra kiểm soát đã phát hiện một số trường hợp tài xế điều khiển ô tô sử dụng GPLX giả, chủ yếu hạng B2, C. Những trường hợp này rất nguy hiểm vì người điều khiển phương tiện không nắm luật, thường hay vi phạm luật giao thông đường bộ, từ đó dễ gây tai nạn giao thông. Ngoài việc tịch thu, xử phạt hành chính, chúng tôi còn chuyển cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý theo quy định pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc Công ty Luật Becamex cho rằng đối với loại tội phạm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì Bộ luật Hình sự có quy định rõ về hành vi và chế tài xử lý nghiêm minh đối với người phạm tội và răn đe những đối tượng có ý định phạm tội.

“Theo quy định có thể phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Thậm chí, mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù nếu người thực hiện hành vi phạm tội với các tình tiết như sau: Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, nếu người nào làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để tạo lòng tin cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân”.

LÊ NA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2603
Quay lên trên