Làm gì để hạn chế hệ lụy từ rượu, bia? – Bài 2

Cập nhật: 10-07-2019 | 09:22:59

Kỳ 2: Hậu quả khôn lường

Hậu quả từ việc uống rượu, bia có lẽ ai cũng nghe và biết. Không chỉ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mà người uống rượu khi lái xe tham gia giao thông còn có thể gây tai nạn, để lại phía sau những hậu quả nặng nề.


Cấp cứu một ca TNGT có rượu, bia trong người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Rượu thủ công - chất lượng ra sao?

Việt Nam nằm trong số 12 quốc gia cho phép người dân tự nấu rượu. Tại Bình Dương có rất nhiều gia đình nấu rượu. Họ nấu rượu để tiêu dùng hàng ngày, ngâm thuốc hoặc có người đặt mua. Tuy nhiên, một số hộ gia đình sản xuất rượu thủ công chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, cho biết “Rượu thủ công được nấu từ nguyên liệu gạo. Nếu đạt quy trình chuẩn ngoài etanol thành phần chính của rượu, trong rượu còn chứa methanol (cồn công nghiệp) và aldehyd (chất độc, gây sốc rượu) và các độc tố khác với hàm lượng nhất định, có thể chưa đến ngưỡng gây ngộ độc cấp nhưng được tích lũy dần trong cơ thể. Nếu lạm dụng người dùng có thể bị suy yếu thần kinh, thậm chí bị loạn thần, rối loạn chức năng về gan, thận, mắt và đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh ung thư, đường tiết niệu. Nếu rượu tự nấu mà bị pha chế thêm cồn công nghiệp sẽ trở nên độc hại, người uống có thể bị ngộ độc cấp, nguy cơ tử vong cao. Hệ lụy kéo theo là tạo gánh nặng cho ngành y tế.

Trong vai người đi mua rượu số lượng lớn, chúng tôi đến nhà bà N., phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An. Nổi tiếng nấu rượu ngon, bà N. đã nấu rượu thủ công hơn 10 năm nay, trung bình mỗi ngày bà chưng cất được từ 5 - 8 lít rượu, mỗi lít có giá từ 18 đến 20.000 đồng. Số rượu này phần lớn bà N. bán cho người dân trong khu phố, số còn lại bà đưa đến các đầu mối để tiêu thụ. Theo quan sát của chúng tôi, nơi nấu rượu trong gia đình bà có diện tích khoảng 30m2 nhưng bề bộn đồ dùng. Dụng cụ nấu rượu không được chà rửa thường xuyên, trên mép nồi lớp bẩn đóng dày đặc. Trong khi đó, bếp nấu rượu được đặt gần chuồng nuôi heo, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Các loại can, chai đựng rượu đều không có nhãn mác hoặc tận dụng các chai, can của những sản phẩm khác.

Rời gia đình bà N., chúng tôi hỏi thăm đến nhà ông N. ở huyện Phú Giáo. Là người nấu rượu đã gần 20 năm nay nhưng khi chúng tôi hỏi về việc đăng ký nhãn mác cho sản phẩm rượu an toàn, ông N. hầu như không biết. “Tôi nấu rượu bán cho người quen khi họ có đám tiệc hoặc dùng ngâm thuốc. Rượu tôi nấu luôn bảo đảm chất lượng và chưa bao giờ xảy ra ngộ độc nên tôi không biết đến việc đăng ký nhãn mác hay dán tem”, ông N. cho biết.

Cũng giống như ông N., hiện nhiều hộ nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh không đăng ký dán tem, nhãn cho sản phẩm. Vì vậy, chất lượng của những sản phẩm rượu thủ công vẫn là thách đố lớn với người tiêu dùng. Vì lợi nhuận nhiều, chủ cơ sở sản xuất rượu hoặc chính người dân đã pha rượu với cồn để bán nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Thực tế trong thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu chứa methanol vẫn còn nhiều phức tạp, thậm chí có nhiều vụ gây chết người. Nguyên nhân là uống rượu không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Thành Danh, cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Hiện nay, tại Bình Dương chỉ có 22 cơ sở đăng ký kinh doanh rượu thủ công và 51 cơ sở có giấy phép kinh doanh bán lẻ nhưng thực tế cơ sở rượu thủ công hoạt động trên địa bàn lớn hơn rất nhiều, khoảng 1.000 hộ. Công tác quản lý về số lượng và chất lượng sản phẩm rượu thủ công vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các cơ sở nấu rượu trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, vốn ít, nấu rượu không thường xuyên, theo mùa vụ và nằm rải rác trong khu dân cư. Trong khi đó, người tiêu dùng chủ yếu là người lao động nghèo, thu nhập thấp, có nhu cầu về rượu rẻ tiền.

Và những… nỗi đau

Một trong những hậu quả mà người uống bia, rượu lái xe khi tham gia giao thông có thể sẽ gặp phải đó là tai nạn giao thông (TNGT). Nhẹ thì xây xát, nặng thì gãy tay gãy chân, chấn thương sọ não, thậm chí là tử vong. Những hậu quả ấy nói ra thì ai cũng biết, nhưng một khi “ma men” đã vào, người uống rượu, bia sẽ không còn làm chủ được bản thân. Họ vẫn tham gia điều khiển xe lưu thông trên đường, có thể gây TNGT và để lại những nỗi đau không thể nguôi ngoai.

17 giờ 40 phút ngày 25-5, Khoa Hồi sức - cấp cứu (HS-CC) Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh tiếp nhận một bệnh nhân hôn mê sâu, không rõ tên. Sau đó, khi người nhà bệnh nhân đến, thì tên của bệnh nhân mới được cung cấp và bổ sung vào hồ sơ bệnh án. Trước đó, bệnh nhân bị TNGT vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1, được chẩn đoán chấn thương sọ não nên được sơ cứu và chuyển lên BVĐK tỉnh. Khi vào viện, bệnh nhân này đang trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch, hôn mê sâu, sưng đầu mặt, vùng thái dương bên trái, chảy máu tai bên phải. Các bác sĩ cho bệnh nhân chụp CT, với kết quả máu tụ dưới màng cứng, phù não... Sau đó, người nhà đã xin chuyển viện lên Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 20 giờ cùng ngày. Bác sĩ Huỳnh Phước Quang, Trưởng khoa HS-CC BVĐK tỉnh, cho biết khi đo nồng độ cồn bệnh nhân đã cho ra kết quả đến 49,98mmo/l (vượt khoảng tham chiếu gấp 5 lần). Đây là một trong những ca TNGT nhập viện trong tình trạng có rượu trong người.

Ghi nhận tại Khoa HS-CC các bệnh viện cho thấy, những ca TNGT có liên quan đến rượu bia thường vào viện từ khoảng sau 18 giờ chiều đến 22 giờ tối và càng về khuya thì liên quan đến rượu, bia càng nhiều hơn. “Đã không vào viện cấp cứu thì thôi, chứ những ca vào viện sau 22 giờ thường có liên quan đến rượu, bia”, một bác sĩ làm ở Khoa HS-CC BVĐK tỉnh cho biết. Theo bác sĩ Huỳnh Phước Quang, Khoa HS-CC là nơi tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị TNGT và cứ trung bình 3 ca bị TNGT thì có 1 ca có rượu, bia trong người, 2 ca còn lại không có rượu, bia trong người nhưng cũng không phải không liên quan đến rượu, bia. Họ có thể là nạn nhân của người uống rượu, bia xong điều khiển xe trên đường rồi gây ra tai nạn.

Những hậu quả từ việc uống rượu, bia xong lái xe gây TNGT không chỉ dừng lại ở đó. Ngoài những hậu quả trên, nhiều người có rượu, bia trong người khi vào viện còn gây ra những khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác điều trị của thầy thuốc. “Mình là thầy thuốc giúp họ cấp cứu mà họ không tuân thủ theo thì sẽ rất khó, có trường hợp bệnh tình của bệnh nhân sẽ nặng hơn nếu không được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Quang chia sẻ.

Bộ Giao thông - Vận tải vừa hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Trong đó tăng nặng mức phạt đối với các hành vi sử dụng rượu, bia, ma túy… Cụ thể, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/lít khí thở thì tăng thời gian tước bằng lái từ 2 - 4 tháng lên 10 - 12 tháng, giữ nguyên mức phạt tiền là 7 - 8 triệu đồng. Người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở thì tăng từ 16 - 18 triệu đồng, tước bằng lái 4 - 6 tháng lên mức phạt 26 - 30 triệu đồng và tước bằng lái 10 - 12 tháng.

Đối với người lái xe máy, dự thảo cũng điều chỉnh, người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ tăng từ 3 - 4 triệu đồng, tước bằng lái 3 - 5 tháng lên mức 5 - 7 triệu đồng, tước bằng lái 10 - 12 tháng…

Kỳ 3: Chung tay chặn “ma men” lái xe

 HỒNG THUẬN - KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=519
Quay lên trên