Làm gì để mạnh cả “sân nhà” và “sân người”?

Cập nhật: 11-02-2011 | 00:00:00

Làm việc với Bộ Công Thương (CT) trong khuôn khổ Hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2011 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ngành CT phải khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển hiện nay như sức cạnh tranh còn yếu ngay cả trên “sân nhà” và “sân người” gây cản trở cho quá trình mở cửa hội nhập.

Nhìn từ ngành dệt may

Theo báo cáo của Thứ trưởng Thường trực Bộ CT Lê Danh Vĩnh, năm 2010, ngành CT đã lấy lại được đà tăng trưởng 14% của những năm trước khủng hoảng; cơ cấu sản xuất công nghiệp đã thay đổi tích cực theo hướng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 90%) và giảm dần công nghiệp khai thác tài nguyên. Song hành với công nghiệp, thương mại cũng đạt được mức tăng trưởng toàn diện tại thị trường trong nước cũng như nước ngoài với kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009. Cho đến nay Việt Nam đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may đứng đầu đạt trên 11 tỷ USD. Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh nhận định chính nhờ kiểm soát chặt nhập khẩu và “thắng lợi” của xuất khẩu, nhập siêu hàng hóa đã giảm hơn 5% và bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu.

 

Cùng với hàng may mặc, sản phẩm giày dép của Việt Nam cũng xuất khẩu mạnh vào thị trường nhiều nước          Ảnh: TRỊNH BÌNH

Năm vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đã mang về 11,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, vượt 7% so với kế hoạch năm 2010. Với kim ngạch xuất khẩu đó, dệt may đã vượt dầu thô, dẫn đầu ngành công nghiệp. Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đây là nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt trong bối cảnh các nước nhập khẩu lớn về dệt may mới phục hồi. Tuy nhiên, nhờ các hiệp định thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc mà xuất khẩu dệt may Việt Nam vào các thị trường này tăng đáng kể, kể cả đơn hàng và hàng giá trị gia tăng cao. Trong đó, phải kể đến thị trường Hàn Quốc tăng trưởng 80%, thị trường Nhật Bản tăng trưởng 15%. Sản phẩm sợi của Việt Nam cũng tiếp cận được thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, Braxin, đạt hơn 3 tỷ USD. “Có được kết quả trên là do lượng hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao và các đơn hàng nhiều hơn, ổn định hơn so với năm 2009” - bà Dung khẳng định. 

Theo tính toán, giá trị ngoại tệ thực hưởng sau khi trừ nguyên liệu nhập khẩu của toàn ngành dệt may năm nay ước tăng ít nhất 18%, đạt từ 4,5 - 4,7 tỷ USD. Nguyên nhân quan trọng là các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất hàng FOB nhiều hơn, tỷ lệ thực hiện các đơn hàng có giá trị cao cũng tăng trên 17%. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng cho đến hết quý II-2011, thậm chí là đến hết năm. Đơn giá gia công cũng tăng 10 - 20% so với năm 2010. Bên cạnh thuận lợi, hàng dệt may Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khá mạnh từ Pakistan do nước này được giảm thuế nhập khẩu vào EU với mức giảm 12 -14%. Theo các chuyên gia, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng tăng do chúng ta đã và đang khẳng định được uy tín và trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân, sản xuất hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và giá cả phù hợp. Với dự báo châu Á sẽ là khu vực cung cấp chủ lực hàng dệt may cho thế giới trong 10 năm tới, ngành dệt may Việt Nam có cơ hội phấn đấu lọt vào top 5 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới. Với mục tiêu này, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần được coi là giải pháp cấp bách.

Những thách thức

Năm 2011, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 12,5 - 13 tỷ USD. Từ góc nhìn của riêng ngành dệt may như phân tích nói trên cho thấy để mạnh cả “sân nhà” lẫn “sân người” ở năm nay còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả việc thay đổi chính sách tầm vĩ mô từ chính phủ là phát triển kinh tế phải trên cơ sở bền vững, với yếu tố an sinh đặt lên mức cao nhất.

Phân tích của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết một số lĩnh vực như an ninh năng lượng, an ninh lương thực còn gặp nhiều thách thức do thiếu điện, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... Đặc biệt, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh nhưng  tốc độ tiêu dùng năng lượng còn nhanh hơn là một minh chứng rõ nét về cơ cấu kinh tế chưa hiệu quả. Cụ thể, trong khi giá điện chưa được tính đúng, tính đủ, tiêu dùng điện năng cho sản xuất và sinh hoạt còn lãng phí (hệ số đàn hồi điện năng lên tới 2); việc sử dụng vật tư, nhiên liệu chưa hiệu quả đã tạo ra sức ép lớn về nhập siêu, mất cân đối tỷ giá, thiếu ngoại tệ và dẫn tới nền kinh tế luẩn quẩn trong vòng tăng trưởng về số lượng.

Phó Thủ tướng chỉ rõ với nhiệm vụ kế hoạch đề ra trong năm 2011 tăng trưởng 14,8%, giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 8%; xuất khẩu hàng hóa tăng 10%, nhập siêu khoảng 18% so với kim ngạch xuất khẩu; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tăng 25%, Bộ CT cần đề ra giải pháp hành động ngay nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, bộ cần tính toán chuyển đổi cơ cấu công nghiệp gắn liền với bảo vệ môi trường; công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng về các ngành kinh tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giúp cho người dân nông thôn (chiếm tới 80% dân số) được hưởng lợi nhiều nhất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành CT sớm có giải pháp cụ thể, hiệu quả để làm chủ chính thị trường trong nước với hơn 80 triệu dân; đồng thời tận dụng lợi thế mở rộng thị trường quốc tế để chủ động xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và nhập khẩu hợp lý nhiên liệu, công nghệ mới.

Một loạt các thách thức khác cho kế hoạch của ngành CT năm nay, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) tại diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế nhằm tổng kết tình hình thực hiện phát triển bền vững kinh tế giai đoạn 2005-2010 và định hướng giai đoạn 2011-2015, đã chỉ ra trong giai đoạn 2005-2010, nền kinh tế và đời sống xã hội đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại như tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, thiếu chiều sâu; tính ổn định của kinh tế vĩ mô chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hết tiềm năng; năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp; sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng nhất là đối với các loại năng lượng không tái tạo. Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa một phần quan trọng vào vốn vay nước ngoài. Đây sẽ là sự vay mượn nguồn lực của các thế hệ tương lai. “Mặt khác, nợ nước ngoài của Việt Nam mặc dù chưa tới giới hạn nguy hiểm song đang tăng lên nhanh chóng và sẽ có nguy cơ đe dọa tính bền vững của sự phát triển kinh tế trong tương lai”. Báo cáo của MPI đã chỉ ra như vậy.

Theo ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn do MPI tổ chức, nhiệm vụ quan trọng trước mắt giai đoạn 2011-2015, là nâng cao chất lượng tăng trưởng, kết hợp các mục tiêu tổng hợp và hướng tới phát triển bền vững; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tái cấu trúc các ngành sản xuất, dịch vụ gắn với các vùng kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tái cấu trúc các doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường.

NGUYỄN HỒNG PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên