Đó là một trong những thách thức không nhỏ đang đặt ra cho tổ chức Đoàn trong việc hướng tới mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đoàn...
Đổi mới phương thức hoạt động nhằm tăng cường công tác tập hợp và thu hút TN ở các địa bàn dân cư tham gia tổ chức Đoàn, hội
Thực tế cho thấy, việc tập hợp học sinh (HS) lớp 12 về sinh hoạt tại nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do những HS trong thời buổi của mạng internet, nhiều xu hướng sống khác... đã không hiểu và thiếu mặn mà với việc tham gia sinh hoạt tập thể với các bạn bè đồng trang lứa trong tổ chức Đoàn, hội. Do đó, nhiều thanh niên (TN) trên các địa bàn dân cư đã không tiếp cận với hệ tư tưởng, đạo đức, lối sống từ mô hình của tổ chức Đoàn, Hội.
Nguyễn Thị Ngọc Nhung, cán bộ Đoàn tại khu phố của xã Bình Nhâm (TX.Thuận An) kể lại: “Tập hợp các bạn HS cũng không phải dễ. Lần đó, Đoàn khu phố mình lên kế hoạch tổ chức sinh hoạt vui chơi, tổ chức sinh nhật cho các bạn trẻ có sinh nhật trong tháng với nào là trò chơi, quà tặng đủ thứ. Lúc mình phát động thì các bạn đều hứa là sẽ đến tham gia nhưng kết quả là chỉ có vài bạn đến. Điều đó đã làm cho kế hoạch bị phá sản hoàn toàn”. Anh Hậu, một cựu cán bộ Đoàn khu ấp Khánh Dư (Tân Uyên) nhớ lại: “Tổ chức phong trào ở địa bàn dân cư, nhất là vùng nông thôn vốn đã khó nhưng cũng không ngán bằng việc tập hợp các bạn không đến được bao nhiêu. Có lần cán bộ Đoàn cấp trên về kiểm tra, đến tập hợp các bạn đâu đó đàng hoàng nhưng đến giờ cuối thì chỉ vài bạn đến địa điểm tập hợp”.
Nhớ lại thời chúng tôi còn học phổ thông, để được sinh hoạt, tham gia công tác Đoàn là niềm hạnh phúc đối với một HS vùng thôn quê. Bởi vì đó là cách để chúng tôi được tiếp cận, vui chơi, giao lưu sinh hoạt với bạn bè khắp nơi, tiếp cận nhiều cái mới mẻ để nắm bắt được những kỹ năng sinh hoạt quan trọng, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Ấy vậy mà giờ đây, sự thờ ơ của một số TN đối với những tổ chức của chính mình thì thật là đáng buồn.
Trước những hạn chế đó, nhiều cán bộ Đoàn đã hiến kế với nhiều phương pháp để khắc phục bằng việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phối hợp hoạt động giữa cơ sở Đoàn trên địa bàn dân cư với các đoàn thể tại khu phố, ấp; kết nghĩa giữa chi đoàn khối cơ quan với chi đoàn địa bàn dân cư... Theo Ủy viên Ban Thường vụ (UVBTV) Thị đoàn Thuận An, cần có chính sách hỗ trợ dành cho cán bộ Đoàn, khắc phục tình trạng cán bộ Đoàn các khu phố, ấp chưa được đãi ngộ xứng đáng cho quá trình tham gia công tác. Còn Phó Bí thư Đoàn xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên) thì cho rằng, nên đào tạo nguồn cán bộ ngay từ đội hình TN tình nguyện tại các trường. UVBTV Huyện đoàn Bến Cát Nguyễn Văn Diệu nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng hay tổ chức các hoạt động phong trào với nhiều hình thức đa dạng thu hút ĐVTN...
Những kiến nghị đó đều là xác đáng. Bởi vì có nhiều trường hợp, do TN chưa hiểu nên đã không nhiệt tình tham gia sinh hoạt với tổ chức Đoàn, hội. Bạn Hồ Thị Cẩm Hồng, ĐVTN xã Hòa Lợi (Bến Cát) cho biết: “Bản thân mình cũng như vài người bạn cũng vậy, trước đây cứ nghĩ là tham gia sinh hoạt Đoàn chẳng có gì hay mà chỉ tốn thời gian. Sau thời gian tham gia hoạt động, giờ đây mới thấy uổng vì mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để rèn luyện, cống hiến sức trẻ và trưởng thành”.
Nói về vấn đề này, Bí thư Tỉnh đoàn Võ Văn Minh nhấn mạnh, những yếu kém hạn chế đó cần sớm đưa các giải pháp khắc phục. Cụ thể, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tập trung đổi mới bằng nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng để tạo sự lôi cuốn, thu hút ĐVTN; chú trọng đào tạo, xem xét để có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ Đoàn cho khu phố, ấp; hướng dẫn tổ chức tiếp nhận HS cấp 3 về địa phương sinh hoạt ở các huyện, thị...
Mai Anh