Đó là nỗi trăn trở của các cấp chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp (DN) không chỉ ở Bình Dương mà còn ở các địa phương khác nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và thu hút đầu tư. Vì lẽ đó, Bình Dương đã tính toán và đề ra nhiều biện pháp để giải quyết thực trạng ô nhiễm nước ngầm.
Ô nhiễm nước ngầm đáng lo ngại !
Theo ông Lê Văn Tân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thì nguồn nước ngầm ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Ông phân tích nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm này là do chưa có hệ thống thoát nước. Cho nên, nước thải của các cơ sở công nghiệp và nước mưa cho tự thấm vào đất đã gây ra ô nhiễm nước ngầm.
Ô nhiễm nước ngầm do nước thải thấm vào lòng đất (Sử dụng nguồn nước này vừa ảnh hưởng sức khỏe con người, vừa bị ô nhiễm môi trường)Thực tế qua điều tra, khảo sát đánh giá chất lượng nước, cho thấy nhiều khu vực hiện ô nhiễm nước ngầm đáng lo ngại. Điển hình như khu vực Khu công nghiêp (KCN) Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2, Quân đoàn 4, KCN và Dân cư Đồng An dọc kênh Ba Bò... tầng nước ngầm mạch nông (tầng chứa nước Pleistocen dưới có độ sâu trung bình từ 20 - 30m), hạ nguồn kênh Ba Bò (xung quanh đập chứa nước thải, sau cống xả và khu vực Quân đoàn 4 thuộc quận Thủ Đức) đã bị ô nhiễm hữu cơ (hàm lượng Amonia từ 0,47 - 17mg/l, vượt quy chuẩn cho phép từ 4,7 - 170 lần). Ở khu phố 1B, phường An Phú; khu phố Bình Thuận, phường Thuận Giao và khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn trên địa bàn Thuận An, tầng nước ngầm mạch nông (tầng chứa nước Pleistocen dưới có độ sâu trung bình từ 16 - 30m) cũng đã bị ô nhiễm hữu cơ (hàm lượng Amonia từ 0,13 - 9,67mg/l, vượt quy chuẩn từ 1,3 - 96,7 lần, thậm chí một số giếng có hàm lượng COD vượt quy chuẩn 4 - 5 lần). Ngoài ra, hàm lượng nhôm trong tầng chứa nước này khá cao từ 0,428 - 9,22mg/lít, vượt tiêu chuẩn nước uống chuẩn từ 4,1 - 46 lần...
Làm gì để khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng nguồn nước?
Con số thống kê của Sở TN-MT, cho biết Bình Dương hiện có khoảng 2.000 DN cho tự thấm nước thải vào môi trường đất, trong đó Tân Uyên có 1.167 cơ sở; Bến Cát 495; TX.TDM 177; TX.Thuận An có 100 và TX.Dĩ An có 49 cơ sở. Tổng lưu lượng nước thải của các cơ sở công nghiệp cho tự thấm vào đất hiện nay khoảng 36.000m3/ngày, trong đó gần 100 cơ sở có lưu lượng nước thải trên 100m3/ngày, còn lai có lưu lượng trung bình từ 20 - 50m3/ngày. Một số cán bộ sau khi điều tra, cho biết thêm: bên cạnh nước thải của các DN chưa xử lý đạt quy chuẩn môi trường và cho tự thấm, một số giếng khai thác nước ngầm do không được xây dựng và bảo vệ tốt đã tạo thành cửa sổ để chất ô nhiễm xâm nhập và góp phần gây ô nhiễm các tầng chứa nước ngầm.
Trước thực trạng ô nhiễm nước ngầm ngày càng báo động, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Văn bản 1224/UBND-KTN về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm nước ngầm tại một số khu vực trên địa bàn. Ông chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng và liên quan và DN hoạt động trên lĩnh vực này cần thông báo, tuyên truyền cho nhân dân tại các khu vực có tầng nước ngầm mạch nông bị ô nhiễm biết để hạn chế sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Đồng thời, nghiên cứu lập các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và cấp nước cho các cơ sở công nghiệp và các hộ khu dân cư. Theo ông Lê Văn Tân thì hiện nay, dự án này đã bắt đầu triển khai thực hiện ở một số khu vực. Song song đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành trám lấp các giếng khai thác nước ngầm không đung kỹ thuật hoặc bị hư hỏng, không còn sử dụng nhằm hạn chế chất ô nhiễm xâm nhập vào tầng chứa nước ngầm; tiếp tục quan trắc chất lượng nước ngầm đã bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ bị ô nhiễm do quá trình phát triển công nghiêp và đô thị diễn ra.
Quản lý tốt chất lượng nguồn nước, huy động tốt nguồn lực để khắc phục ô nhiễm nước ngầm, Bình Dương sẽ góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân và quan trọng hơn là không ngừng phát huy hiệu quả môi trường đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp.
MAI HUY
Khi trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng, chú ý thực hiện trám lấp từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng, ít nhất 10m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng hỗn hợp vữa xi măng với nước, miệng giếng phải được đổ bê tông với kích thước lớn hơn 0,3m so với đường kính miệng giếng; trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa dạng lỏng phải bảo đảm vữa được dẫn qua ống tới độ sâu của từng đoạn trám lấp bằng bộ dụng cụ, thiết bị phù hợp; trường hợp sử dụng vật liệu dạng viên phải bảo đảm không tạo thành nút ở trong giếng; vật liệu được đổ từ từ, khối lượng phù hợp với thể tích của từng đoạn, kết thúc mỗi đoạn trám phải đầm, nén vật liệu bằng bộ dụng cụ thích hợp chiều dài mỗi đoạn trám không quá 10m...