Làm gì để thoát nghèo bền vững?

Cập nhật: 13-07-2011 | 00:00:00

Kỳ 2: Tăng cường các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo

Kỳ 1

Chương trình giảm nghèo (GN) giai đoạn 2006-2010 của Bình Dương đã kết thúc, số hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo có nguy cơ tái nghèo do tình hình lạm phát tăng cao, chênh lệch giàu nghèo giữa các huyện, thị, nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc GN, chương trình mục tiêu quốc gia về GN của Bình Dương trong giai đoạn mới cần có nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững...

Đầu năm 2011, Bình Dương bước vào thực hiện chương trình GN việc làm trong giai đoạn mới. Áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trước đây, Lai Uyên, huyện Bến Cát là một xã thuần nông, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Trong những năm gần đây, xã Lai Uyên tăng cường quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là công tác GN và việc làm nên tỷ lệ hộ nghèo của xã ngày càng giảm, tỷ lệ khá, giàu tăng nhanh. Đầu năm 2011, tổng số hộ nghèo của xã theo tiêu chí mới của tỉnh là 179 hộ, chiếm tỷ lệ 6,58%, tăng 145 hộ so với tiêu chí cũ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, yếu tố chính ảnh hưởng đến nguyên nhân nghèo là do thiếu đất sản xuất, thiếu lao động, ốm đau, già yếu, thiếu vốn, nhà ở dột nát cần xây dựng.

  BCN GN&VL tỉnh thăm hỏi hộ nghèo

Theo kết quả phúc tra 6 tháng đầu năm 2011, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng giảm 22 hộ nghèo, hộ nghèo trong 6 tháng đầu năm 2011 là 82 hộ. Công tác GN và việc làm xã Thanh An vẫn còn tồn tại, một số hộ nghèo chưa có nguồn thu nhập ổn định, nên việc tái nghèo cần phải quan tâm. Công tác giải quyết việc làm còn nhiều khó khăn, vì trình độ lao động thấp không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động. Một số hộ nghèo hoàn trả vốn cho ngân hàng sai hạn.

Có điều bất ngờ, ở Phú Giáo, mặc dù thị trấn Phước Vĩnh là trung tâm của huyện nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao. Qua điều tra tổng số hộ nghèo trên địa bàn đầu năm 2011 là 466 hộ, chiếm tỷ lệ 14,32%. Qua phúc tra 6 tháng đầu năm 2011, số hộ nghèo của thị trấn còn lại 302 hộ, chiếm 9,28% (giảm 164 hộ). Nguyên nhân vì sao? Theo tìm hiểu, là thị trấn nhưng mức sống của nhân dân không đều, kinh tế do thu nhập từ nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ cao, một số hộ dân nhập cư sống bằng nghề làm thuê. Nhìn chung, số hộ nghèo của Phước Vĩnh đa phần là do không có đất phục vụ cho sản xuất. Một số hộ nghèo có tư tưởng nhận thức chưa đúng về chương trình, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của các chính sách Nhà nước muốn được vào hộ nghèo để được hưởng chính sách. Tại xã An Bình (Phú Giáo) do đặc thù là một xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh và huyện, mặc dù công tác GN, việc làm luôn được quan tâm nhưng cho đến nay vẫn còn một số hộ nghèo vẫn còn khó khăn về nhà ở, số hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội không có tiền hoàn trả vốn cho ngân hàng. Đầu năm 2011, An Bình có 391 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,6%. 

Tại phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, toàn phường còn 417 hộ nghèo. Do trình độ văn hóa thấp, không có tay nghề chuyên môn nên lao động trong hộ nghèo phường Lái Thiêu dễ bị mất việc làm. Một số hộ nghèo còn lại không chịu chú tâm làm ăn, lười lao động mà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên việc các hộ này thoát nghèo là rất khó. Một số ít hộ nghèo có nhu cầu vay vốn nhưng khả năng thu hồi vốn khó hoặc không có thể thu hồi được nên không được tiếp tục vay vì vậy khó có thể thoát nghèo. Một số hộ nghèo có nhà xuống cấp nhưng do không có đất nên việc xây dựng nhà đại đoàn kết gặp khó khăn.

Bình Dương đang bước vào thực hiện chương trình GN việc làm trong giai đoạn mới với những tiêu chí mới. Tuy nhiên, chương trình GN và việc làm tỉnh còn gặp những mặt tồn tại và khó khăn như: Còn một số địa phương do tình hình người ít, việc nhiều, chưa quan tâm sâu sát từ chỉ đạo đến điều hành và tổ chức thực hiện. Vẫn còn trên 15 xã có cán bộ kiêm nhiệm làm công tác GN với công tác lao động - thương binh và xã hội còn quá tải mà cần khắc phục để có cán bộ chuyên trách ở cấp xã. Kinh phí chi cho công tác điều hành chương trình GN ở cấp huyện và cấp xã còn hạn hẹp. Về cơ chế chính sách một số mặt chưa hợp lý như chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo chưa phù hợp, thiếu khả thi (Nhà nước hỗ trợ 50% theo bảo hiểm y tế tự nguyện dành cho hộ cận nghèo). Chương trình dạy nghề miễn phí dành cho hộ cận nghèo, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ thể hiện sự quan tâm đầu tư từ Nhà nước nhưng trong thực tế còn gặp khó khăn, hiệu quả không cao, đạt kết quả thấp so chỉ tiêu đề ra (70% mỗi năm), do vậy cần có những biện pháp bổ sung có tính khả thi về chương trình này.

Để thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội về chăm lo cho hộ nghèo của tỉnh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu hỗ trợ, có hướng chỉ đạo cũng như đề ra những giải pháp giúp đỡ hộ nghèo trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, BCĐ chương trình GN và việc làm tỉnh đã tổ chức tiếp xúc với hộ nghèo ở một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, bà con hộ nghèo nêu được những bức xúc, tâm tư nguyện vọng xoay quanh những vấn đề: Một số hộ nghèo còn sử dụng điện kế tổng chi phí sử dụng điện sinh hoạt cao do hao hụt truyền tải và ngành điện không chấp thuận cho đăng ký giá ưu đãi, hộ nghèo mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Lãnh đạo các ngành cấp trên hướng dẫn, giúp đỡ về giải quyết việc làm, kỹ thuật trồng cây, vật nuôi chuyên canh cho phù hợp với đất đai của địa phương, mô hình khuyến nông, khuyến ngư. Mở lớp dạy nghề phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; như dạy nghề, cạo mủ cao su. Nâng mức vốn vay cho các hộ nghèo và thời gian, không lãi suất và lãi suất thấp.

VĂN SƠN

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Vĩnh (Phú Giáo) HUỲNH MINH TÂN: Vận động các mô hình kinh tế tạo việc làm cho người nghèo

Trong năm 2011 việc thực hiện chương trình quốc gia GN từ thị trấn đến khu phố đều được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao đã góp phần cho việc hoàn thành chương trình mục tiêu lớn của quốc gia. Những giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Vận động các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và kết hợp với huyện tổ chức mở nhiều lớp dạy nghề cho người nghèo và bộ đội xuất ngũ. Đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm cho người nghèo và lao động thất nghiệp tại địa phương. Phối kết hợp tuyên truyền cho người nghèo hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình từ đó tự họ tham gia lao động vươn lên thoát nghèo. Thực hiện tốt hơn nữa công tác xã hội hóa để chăm lo và tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình bằng chính sức lao động của mình. Vận động và khuyến khích các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả tại địa phương phát triển để tạo việc làm cho người nghèo. 

Phó Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu  (TX.Thuận An) NGUYỄN THỊ KIM NGỌC: Tạo việc làm và giới thiệu học nghề cho lao động

Triển khai, mở rộng chương trình GN và việc làm để duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tạo việc làm và giới thiệu học nghề cho số lao động chưa có việc làm hoặc có việc làm chưa ổn định. Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và khu phố phúc tra lại từng hộ nghèo để có hướng hỗ trợ thích hợp. Tiếp tục vận động các Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm... ủng hộ vào Quỹ vì người nghèo của phường để hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết và các hộ gặp khó khăn đột xuất.

Ông TRẦN CÔNG QUANG, Trưởng ban chỉ đạo GN & việc làm xã An Bình (Phú Giáo): Nắm bắt nguyện vọng của người nghèo để tìm cách giúp đỡ

Một số khó khăn của Ban XĐGN của xã luôn vướng mắc là các hộ nghèo vay vốn vì hoàn cảnh gia đình luôn gặp khó khăn, neo đơn, già yếu không có khả năng hoàn trả lại vốn cho Ngân hàng Chính sách để có nguồn vốn quay vòng. Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát chương trình mục tiêu XĐGN. Ban XĐGN kết hợp đồng bộ với các ban ngành, đoàn thể để có những chính sách ưu ái, hỗ trợ cho người nghèo. Lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của người nghèo để tìm cách giúp đỡ và phản ánh lên cấp có thẩm quyền. Kết hợp chặt chẽ, cụ thể với từng ban ấp thuộc địa bàn xã trong việc đưa những chính sách ưu đãi, chế độ đến người nghèo một cách kịp thời, đúng đối tượng.

Trưởng ban chỉ đạo XĐGN&VL, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh An (Dầu Tiếng) DƯƠNG VĂN NHÀN: Vận động các nhà hảo tâm, đơn vị kinh tế giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo

Tổ chức phúc tra phân loại hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo cập nhật thường xuyên và nắm chắc nhu cầu hộ nghèo cần vay vốn, phân loại nguyên nhân để có kế hoạch trợ giúp cho phù hợp như: Bằng các biện pháp tổng thể và sự hỗ trợ của Nhà nước về các nguồn vốn vay; Thực hiện chuyển giao kiến thức sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, bằng cách mở các lớp tập huấn, tổ chức các câu lạc bộ khuyến nông, hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm làm ăn đến từ hộ nghèo; Tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, đơn vị kinh tế hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo.

TƯỜNG VY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên