Làm gì để thu hút du khách đến với di tích?

Cập nhật: 17-06-2011 | 00:00:00

 Tiềm năng phong phú

Tính đến nay, toàn tỉnh có 42 DT đã được công nhận xếp hạng, trong đó có 11 DT cấp quốc gia và 31 DT cấp tỉnh. Loại hình DT ở Bình Dương khá đa dạng, như: lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Nếu được đưa vào khai thác thì những DT này chính là tiềm năng du lịch phong phú của tỉnh nhà. Trong thời gian qua, nhiều DT trên địa bàn đã trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều đối tượng ở trong và ngoài tỉnh. Một trong những DT được nhiều người tìm đến, trong đó có rất nhiều học sinh, sinh viên là DT Nhà tù Phú Lợi bởi những giá trị lịch sử mà DT này hiện đang lưu giữ. Đây không chỉ là chứng tích tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, mà còn là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, những người Việt Nam yêu nước. Bởi thế, trong thời gian qua, DT Nhà tù Phú Lợi đã được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo để bảo tồn, khôi phục một số hạng mục bị tàn phá, hư hỏng nhằm phục vụ cho công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng cho các thế hệ đi sau. DT thường xuyên mở cửa và có nhân viên thuyết minh túc trực để đón khách đến tham quan, tìm hiểu vào các ngày trong tuần. Nhiều ban ngành đoàn thể, trường học, đơn vị... trên địa bàn tỉnh và các địa bàn lân cận đã chọn nơi đây làm điểm để tổ chức các chương trình về nguồn, cắm trại, sinh hoạt truyền thống vào những ngày lễ, tết hay những khi có dịp. Theo Ban Quản lý DT và Danh thắng (DT-DT) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, DT Nhà tù Phú Lợi đã đón hơn 37.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu.

  DT Nhà tù Phú Lợi- điểm đến đầy ý nghĩa đối với học sinh, sinh viên

Ngoài DT lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Bình Dương còn được nhiều người biết đến với những DT kiến trúc cổ có giá trị nghệ thuật, lịch sử trên trăm năm. Trong đó, nhà cổ ông Trần Công Vàng và nhà cổ ông Trần Văn Hổ tọa lạc tại phường Phú Cường được xem là 2 ngôi nhà còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những giá trị ban đầu; đồng thời thể hiện rõ nét tính nghệ thuật - nhân văn của nền văn hóa truyền thống Việt Nam... Với kỹ thuật điêu khắc, chạm trổ được thể hiện khéo léo, tinh vi trong các hạng mục của 2 ngôi nhà đã khẳng định, Bình Dương là nơi có truyền thống về nghệ thuật chạm khắc gỗ từ xưa. Ngoài ra, nhiều DT khác, như: chùa Hội Khánh, chùa núi Châu Thới, đình Phú Long... cũng là những DT chứa đựng những giá trị về nghệ thuật, tâm linh cũng thường xuyên đón nhiều người đến tham quan.

 Làm gì thu hút du khách đến với các DT?

Một số DT đã phát huy được giá trị, thu hút thường xuyên khách đến tham quan, tìm hiểu. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì con số trên vẫn còn khá hạn chế. Nguyên nhân, theo Ban Quản lý DT-DT tỉnh đó là vì, việc trùng tu, tôn tạo để đưa các DT vào khai thác du lịch đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Từ năm 2007-2010, Ban Quản lý DT-DT tỉnh đã triển khai bước đầu công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Ban Quản lý DT-DT tỉnh đang tiến hành xây dựng giai đoạn 2 đề án trên nhằm tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh công tác trùng tu, tôn tạo đối với các DT còn lại để đưa vào phát huy giá trị. Việc trùng tu, tôn tạo nhằm chống xuống cấp và khôi phục lại một số hạng mục đã bị hư hỏng, mối mọt của DT là rất cần thiết trong quá trình phát huy giá trị DT. Tuy nhiên, để thu hút khách đến với DT, nếu chỉ dừng lại ở công tác trùng tu, tôn tạo thôi thì sẽ rất khó, bởi không phải ai cũng đã từng biết đến các DT này, đặc biệt là đối với du khách ngoài tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Văn Thùy Trang, Phó Trưởng ban Quản lý DT-DT tỉnh cho biết, song song với việc trùng tu, tôn tạo DT, trong thời gian qua, Ban Quản lý DT-DT tỉnh đã phối hợp với Phòng Du lịch phát hành bản đồ du lịch Bình Dương và những tờ bướm giới thiệu về các DT trên địa bàn tỉnh nhằm giúp du khách thông qua đó có thể tìm hiểu và lựa chọn những điểm đến khi đi du lịch. Cũng theo bà Trang, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo thực hiện trong thời gian qua đã phát huy được tác dụng rất tích cực trong việc thu hút khách đến với các DT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi trường học nhận chăm sóc một DT ở địa phương. Khi tham gia vào phong trào này, học sinh không chỉ góp phần làm cho DT ngày càng sạch đẹp, khang trang hơn mà còn tham gia tìm hiểu truyền thống, giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... nhằm tuyên truyền, giáo dục và giới thiệu với cộng đồng, du khách.

“Để thu hút du khách đến với các DT lịch sử - văn hóa, trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện cơ sở vật chất cho các DT, chúng tôi sẽ phối hợp với một số sở, ngành, Hội Khoa học lịch sử tỉnh... tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về DT lịch sử - văn hóa để khuyến khích học sinh, sinh viên tìm về giá trị của các DT; tổ chức xây dựng, cập nhật, bổ sung tư liệu để giới thiệu về các DT trên mạng và trên các phương tiện thông tin khác nhằm cung cấp thông tin cho những ai có nhu cầu tìm hiểu. Sau khi hoàn thiện, các DT đều được đưa vào khai thác phát huy giá trị, từ đó, lượng khách đến với các DT sẽ tăng lên đáng kể...” - bà Trang cho biết thêm.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên