Làm giàu từ hạt muối

Cập nhật: 23-11-2023 | 10:15:38

Với nguồn “vốn mồi” gần 300 triệu đồng từ kinh phí khuyến công của tỉnh, hộ kinh doanh Võ Thị Như Nguyệt (TX.Bến Cát) đã mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng hiện đại hóa quy trình sản xuất các loại muối, thực hiện khát vọng vươn lên hoàn thiện thương hiệu, tạo động lực để phát triển trong tương lai.


Nghiệm thu đề án hỗ trợ máy móc cho Cơ sở kinh doanh Võ Thị Như Nguyệt (TX.Bến Cát)

Từ khát vọng vươn lên

Chúng tôi đến thăm hộ kinh doanh Võ Thị Như Nguyệt chuyên sản xuất các loại muối cùng với chương trình khuyến công của tỉnh. Chị Võ Thị Như Nguyệt, chủ cơ sở kinh doanh cho biết, Bình Dương là tỉnh nằm giáp ranh với tỉnh Tây Ninh nên nghề làm muối tôm, muối ớt đã được người dân Bình Dương học tập kinh nghiệm đồng thời tự thêm bớt thành phần theo công thức riêng của mỗi đơn vị sản xuất tạo dấu ấn riêng nhưng vẫn được người tiêu dùng đón nhận.

Chị Nguyệt theo chồng về vùng đất Tây Ninh. Tây Ninh là cái nôi đặc sản các loại muối ớt, muối tôm… Sau thời gian sinh sống, gia đình chị Nguyệt sang lập nghiệp tại tỉnh Bình Dương với đủ ngành nghề nhưng không thành công. Đến khoảng tháng 8-2022 chị Nguyệt chuyển sang sản xuất các loại muối ớt, muối tôm mang nhãn hiệu Như Nguyệt. Nhờ có thời gian dài sinh sống tại vùng đất Tây Ninh và nghề làm muối cũng là nghề gia truyền bên nhà chồng nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm với nghề. Kết quả đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi, người tiêu dùng đã đón nhận và tin dùng sản phẩm của cơ sở, số lượng cung cấp ra thị trường khoảng 500kg muối/ngày.

Hiện nay, ngoài việc bán cho các hộ kinh doanh tạp hóa, các cửa hàng trái cây, sản phẩm của cơ sở còn phân phối chủ yếu cho các chợ đầu mối ở các tỉnh, thành như Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh, Kiên Giang và cả các cửa hàng Vinamart trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hướng đi trong thời gian tới sản phẩm mang nhãn hiệu Như Nguyệt sẽ tìm kiếm cơ hội để được bán tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Go!… và xa hơn là mong muốn xuất khẩu sang nước ngoài.

“Sản phẩm của cơ sở đã đáp ứng được một phần thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại quy trình sản xuất muối của cơ sở còn sử dụng phương pháp sản xuất thủ công nên chất lượng và sản lượng chưa đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của khách hàng. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phải hoàn thiện quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đến thành phẩm. Do đó, hộ kinh doanh Võ Thị Như Nguyệt đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại trong dây chuyền sản xuất, chế biến các loại muối nhằm tăng công suất sản xuất, tăng chất lượng, giảm giá thành sản phẩm từ đó phát triển mở rộng thị trường trong thời gian tới”, chị Nguyệt cho biết khát vọng của mình.

Nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với hạ giá bán sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, điều này có ý nghĩa rất lớn đến sự tồn tại của đơn vị sản xuất. Đầu tư máy móc tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, cơ sở luôn chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm do địa phương tổ chức.

Hiện đại hóa quy trình

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết sau khi đầu tư máy móc trong quy trình chế biến các loại muối, hộ kinh doanh sẽ nâng cao được tỷ lệ tự động hóa, từ đó nâng cao năng lực sản xuất (sản lượng tăng từ 500kg lên 1000kg/ngày), ổn định chất lượng cũng như bảo đảm các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người lao động. Việc thực hiện đề án sẽ tạo điều kiện và động lực khuyến khích cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực đổi mới thiết bị, công cụ sản xuất. Giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt việc làm hiện nay.


Thăm quy trình sản xuất muối hiện đại vừa đầu tư tại Cơ sở kinh doanh Võ Thị Như Nguyệt (TX.Bến Cát)

Qua thực tế quan sát, các máy móc đã đầu tư giúp hộ kinh doanh hiện đại hóa quy trình sản xuất. Nguyên liệu nhập về làm sạch, sấy khô bằng máy sấy năng lượng mặt trời. Xay nhuyễn các gia vị để bắt đầu phối trộn hỗn hợp lại với nhau sau đó tẩm ướp với muối. Đây là công đoạn quan trọng nhất quyết định đến chất lượng cũng như giá bán của muối bởi vì mỗi cơ sở sẽ có một công thức chế biến riêng của mình để sản xuất ra mẫu muối đặc trưng của họ. Tiếp đến sẽ rang muối bằng máy rang chuyên dụng, gia nhiệt bằng gas. Ưu điểm của cách làm này là tiết kiệm nhân công và thời gian, hạt muối làm ra tươi xốp, ít bị xuống màu nhưng vẫn giữ được mùi thơm của muối.

Muối sau khi rang được đưa qua máy định lượng, đóng chai, dán nhãn, seal. Tại công đoạn này muối được kiểm tra chất lượng lần cuối trước khi đóng thùng, đưa vào kho và xuất cho khách hàng.

Sau khi đầu tư dây chuyền sản xuất không những khắc phục được các nhược điểm trên, mà còn giúp hộ kinh doanh Võ Thị Như Nguyệt nâng cao năng lực sản xuât, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người dùng từ mẫu mã đến chất lượng.

Chị Võ Thị Như Nguyệt: Ngày xưa khi chưa đầu tư máy móc, hộ kinh doanh thực hiện các công đoạn chế biến muối đều bằng phương pháp thủ công, công cụ, máy móc thô sơ kém an toàn cho người sử dụng, dẫn đến có nhiều sai sót, sản phẩm không đồng đều, rang bằng lửa dễ bị cháy, năng suất thấp (công suất rang bằng tay tối đa đạt 50kg/mẻ), tốn nhiều thời gian và phải rang nhiều lần mới bảo đảm số lượng muối cung cấp cho khách hàng. Từ đó, chi phí cao mà doanh thu không cao, đặc biệt chất lượng không ổn định, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của hộ kinh doanh.

TIỂU MY - ANH TUẤN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên