Nhắc đến măng tây, người ta thường nghĩ ngay tới Ninh Thuận hay Đà Lạt, là những địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” của loài rau này. Nhưng, tại Bình Dương cũng đã có nhiều người mạnh dạn thử nghiệm mô hình trồng măng tây và có những thành công nhất định. Một trong những người đi tiên phong với loại cây này là chị Lê Kim Hồng ở ấp Suối Cạn, xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng - cô chủ của thương hiệu “Măng tây Bình Dương”.
Với quyết tâm theo đuổi đam mê, chị Lê Kim Hồng đã thành công với mô hình trồng măng tây
Khởi nghiệp ở tuổi 45
Chúng tôi tới thăm “cơ ngơi” hơn 2 ha trồng măng tây của chị Hồng vào những ngày tháng 5 nắng gay gắt. Những luống măng tây thẳng tắp vươn lên xanh mát, đẹp mắt đã xoa dịu cái nóng oi bức giữa trời nắng như đổ lửa. Dẫn chúng tôi đi giữa vườn măng tây hơn 2 năm tuổi, chị Hồng vui vẻ kể câu chuyện quyết định khởi nghiệp ở tuổi 45 của mình với chúng tôi. Lúc đó, nhiều người cho quyết định của chị là “điên rồ”, nhưng ít ai biết rằng, phía sau quyết định ấy là cả một niềm đam mê mãnh liệt luôn hiện hữu trong người phụ nữ đầy ý chí này.
Chị Hồng kể, con đường “kết duyên” với cây măng tây của chị hết sức tình cờ. Những năm 2000, chị từng có khoảng thời gian đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và thấy cây măng tây được người dân bên đó sử dụng rất nhiều. “Thấy giống cây lạ, ăn thử thấy ngon, có vị đặc biệt, tôi mới hỏi người dân bản địa bên đó và được biết đây là giống cây có giá trị dinh dưỡng rất cao, lại được thị trường ưa chuộng. Kể từ đó tôi luôn ấp ủ dự định, hy vọng sau này sẽ tự tay trồng được loại cây này trên mảnh đất quê hương mình”, chị Hồng trải lòng.
Năm 2004, về lại Việt Nam, chị lập gia đình và bận rộn với công việc chăm con nhỏ nhưng mong ước trồng cây măng tây trên chính mảnh đất quê hương vẫn luôn đau đáu trong lòng. Mãi đến năm 2019, khi gia đình đã ổn định, được bao nhiêu vốn liếng chị Hồng quyết định khởi nghiệp với cây măng tây. Sau thời gian tìm hiểu kỹ, chị thực hiện đam mê của mình bằng cách nhập hạt giống từ Mỹ về và thuê đất trồng thử nghiệm 6 sào măng tây tại ấp Suối Cạn. Đất không phụ lòng người, sau khi trồng thử nghiệm thành công và cho ra sản phẩm ưng ý, chị Hồng mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lên 2 ha với số vốn đầu tư lên tới hơn 2 tỷ đồng. Hiện tại 1 ha đã cho nguồn thu, 1 ha mới trồng sẽ cho thu hoạch vào cuối năm nay.
Măng tây mọc trên “đất ta”
Giữa tiết trời oi bức, anh Lê Văn Đông, em trai chị Hồng đang tất bật vun luống, nhổ cỏ cho vườn măng vừa mới thu hoạch xong. Vừa bật hệ thống tưới nước, anh Đông vừa cười vui cho hay, sau khi chị gái mình có ý định trồng cây măng tây thì anh là người đồng hành cùng với chị gái trực tiếp đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và nhờ các chủ vườn lớn ở khắp nơi từ Củ Chi đến Ninh Thuận, Đà Lạt để nhờ họ tư vấn thêm kỹ thuật chăm sóc cây. Đồng thời, họ cũng tham khảo các tài liệu qua sách, báo, mạng internet…
“Nhưng khi vào làm thực tế, hai chị em gặp rất nhiều khó khăn, nào là thời tiết, đất đai rồi sâu bệnh có đủ. Thông thường, cây măng tây trồng chỉ cần 6 - 7 tháng là đã cho thu hoạch nhưng lứa măng đầu tiên chúng tôi đã mất tới 9 tháng mới có thành quả. Ban đầu chỉ là thu hoạch rải rác, cứ mỗi ngày thu được vài kg nhưng đến nay, sản lượng nâng lên mỗi ngày 50 - 70kg. Sắp tới đây, cả 2 ha măng tây đều thu hoạch nên sản lượng dự tính sẽ cao hơn”, anh Đông phấn khởi chia sẻ.
Thời gian để trồng và cho thu hoạch của cây măng tây trong vòng 6 - 7 tháng. Cứ 3 tháng thu sẽ nghỉ 1 tháng để dưỡng cây, bình quân 1 năm sẽ thu hoạch được 9 tháng. Tuổi thọ của cây măng tây trung bình là 10 năm, nếu chăm sóc tốt có thể lên đến 15 năm. Như vậy, có thể thấy hiệu quả kinh tế mà măng tây mang lại cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống khác.
Theo kinh nghiệm của chị Hồng, cây măng tây không khó trồng nhưng đòi hỏi phải được chăm sóc tỉ mỉ, kỹ càng. Nếu cung cấp đủ phân hữu cơ và nước sạch, cây sẽ sinh trưởng rất nhanh. Do cây chủ yếu sinh trưởng trong đêm nên người trồng thường thu hoạch vào khoảng 4 - 5 giờ sáng - lúc măng đạt độ tươi, giòn, ngọt nhất.
Tuy sản lượng vườn măng tây chị Hồng không đạt cao như những địa bàn có thời tiết thuận lợi hơn, nhưng chất lượng vẫn tương đối bảo đảm. Người dân xung quanh đều đã được làm quen và ưa thích loại măng này nên vườn của chị thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, có lúc cung không đủ cầu.
“Hiện nay, ước tính mỗi ngày vườn măng của tôi cho thu hoạch khoảng 100kg/ha. Với giá bán ra thị trường dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/1kg tùy loại, bình quân mỗi tháng tôi thu từ 270 - 300 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí đầu tư, chăm sóc, công cán… mỗi tháng cũng có thể thu về khoảng 100 triệu đồng cho 1 ha”. |
Nuôi giấc mơ vươn xa
Đất cằn đã “đơm hoa kết trái”, sản phẩm măng tây của chị Hồng bước đầu chinh phục thị trường, mở ra một mô hình kinh tế mới trong phát triển nông nghiệp tại xã Cây Trường II nói riêng và huyện Bàu Bàng nói chung. Nhãn hiệu “Măng tây Bình Dương” hình thành như là đứa con tinh thần của chị Hồng và đủ để ghi nhận những thành quả sau những cố gắng, nỗ lực, vất vả của chị.
“Măng tây hoàn toàn là rau sạch nên giá thành cao hơn các loại rau củ khác. Hiện nay, ước tính mỗi ngày vườn măng của tôi cho thu hoạch khoảng 100 kg/ha. Với giá bán ra thị trường dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/1kg tùy loại, bình quân mỗi tháng tôi thu từ 270 - 300 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí đầu tư, chăm sóc, công cán… mỗi tháng cũng có thể thu về khoảng 100 triệu đồng cho 1 ha”, chị Hồng cho hay.
Là sản phẩm giàu dinh dưỡng, măng tây được thị trường rất ưa chuộng và được mệnh danh là “rau hoàng đế”. Trên thực tế, lượng măng tây cung cấp ra thị trường mới chỉ đủ để phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn hoặc người tiêu dùng có điều kiện kinh tế, phần nhiều người dân chưa biết đến loại thực phẩm này. Bởi vậy, quyết định trồng măng tây bên cạnh để thỏa mãn niềm đam mê, chị Hồng còn có mong muốn đưa sản phẩm này đến từng bữa ăn trong tất cả các gia đình của người dân Việt Nam.
Hướng ánh mắt cương nghị về những hàng măng tây xanh mướt mắt, chị Hồng chậm rãi nói: “Tôi vẫn ấp ủ kế hoạch đưa sản phẩm măng tây Bình Dương đi ra các tỉnh, thành và phát triển thương hiệu để có thể xuất ra nước ngoài. Thời gian tới, khi tình hình ổn định, tôi sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 5 ha. Trong tương lai, nếu nhiều người ở địa phương muốn trồng tôi sẽ giúp đỡ và tìm đầu ra giúp bà con. Tôi sẽ quyết tâm làm và theo đuổi đến cùng”.
Hiện nay, đã có nhiều người ở trong và ngoài địa phương đến tham quan, tìm hiểu về mô hình trồng cây măng tây của chị. Với chị, đây là niềm vui với những người tiên phong với cây măng tây như chị. “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn thử nghiệm với cây trồng mới này. Tôi cũng mong sẽ có nhiều hơn nữa các mô hình trồng măng tây ở Bàu Bàng nói riêng và ở Bình Dương nói chung để mọi người dân có nhu cầu đều có thể thưởng thức món ăn ngon, giàu dinh dưỡng này”. Chia tay chị, chúng tôi thầm cảm phục ý chí vươn lên, quyết tâm làm giàu từ đam mê của mình và chúc cho mô hình của chị ngày càng phát triển.
HỒNG PHƯƠNG