Năm 2005, anh Trần Văn Trường, sinh năm 1986, quê ở Nam Định vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Khởi đầu bằng nghề trồng rau thuê, anh đã được tiếp cận mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn. Thấy mô hình hiệu quả nên anh vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm để có hướng phát triển kinh tế gia đình sau này. Năm 2008, anh lên Bình Dương thuê đất thực hiện mô hình này và đã thành công. Vừa qua, anh vinh dự được tuyên dương là điển hình tiên tiến ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2010-2015.
Quyết tâm với nghề
Sau hơn 2 tháng lặn lội khắp các địa phương của Bình Dương, anh Trường thuê được mảnh đất ở khu phố Phú Hòa, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Năm 2010, anh bắt đầu thực hiện mô hình mà mình đã ấp ủ. Lúc đầu anh làm thử nghiệm đầu tư nhà lưới hở trên 10.000m2 đất trồng các loại cây ăn lá. Thấy mô hình cho thu nhập ổn định anh thuê thêm đất mở rộng diện tích trồng rau an toàn.
Mô hình sản xuất rau an toàn của anh Trường. Ảnh: Q.NHIÊN
Hướng dẫn chúng tôi tham quan những liếp rau xanh mướt, anh Trường chia sẻ, trước đây việc trồng rau theo phương thức cũ thường lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất không cao lại nhiều sâu bệnh. Với phương thức trồng rau an toàn anh thực hiện gieo trồng mật độ thích hợp, cân đối phân bón, bảo đảm thời gian cách ly phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy khi thu hoạch đạt năng suất cao và an toàn cho người tiêu dùng.
Theo anh Trường, trên diện tích 1.000m2 đất, chi phí đầu tư cho mô hình này vào khoảng 60 - 70 triệu đồng. Mỗi năm anh trồng rau quay vòng đất được 8 - 10 tháng, cung cấp ra thị trường lượng rau mỗi ngày gần 3 tấn. Với 3 ha đất trồng rau, mỗi năm mang lại cho anh thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Đầu tư mô hình rau an toàn tại Bình Dương anh Trường có thuận lợi là giảm được chi phí vận chuyển, rau lại tươi xanh hơn so với lấy rau từ các địa phương khác đến. Vì thế, vườn rau của anh được các tiểu thương và người tiêu dùng địa phương ưa chuộng.
Hướng đi phù hợp
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng rau của mình, năm 2012 anh Trường đưa người thân ở quê vào làm chung để mở rộng diện tích. Anh đã thỏa thuận với chủ đất thuê toàn bộ 3 ha đất với mức giá 90 triệu đồng/năm. Đầu năm 2014, được sự giúp đỡ của địa phương, anh đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau sạch Hòa Lợi. Tổ hợp tác này đã giải quyết việc làm cho 18 lao động và tạo thu nhập ổn định cho 7 gia đình.
Hiện tại, Tổ hợp tác sản xuất rau sạch Hòa Lợi cung cấp hơn 10 loại rau ăn lá như xà lách, mồng tơi, cải ngọt, cải thìa… Sản phẩm của tổ hợp tác được thương lái ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, huyện Phú Giáo… thu mua, với giá từ 5.000 - 8.000 đồng/kg tùy loại.
Anh Trần Văn Trình, thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau sạch Hòa Lợi cho biết, mô hình rau an toàn trong nhà lưới hở giúp rau phát triển tốt, không bị dập úng vào mùa mưa, hạn chế nước tưới vào mùa khô và không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (khi thật sự cần thiết). Vì vậy, chi phí sản xuất cũng được giảm đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Hàng ngày gia đình anh thu hoạch được khoảng 300kg rau các loại, thu nhập bình quân 1 triệu đồng/ngày.
Mô hình rau an toàn của anh Trường là một cách làm phù hợp, sản xuất ra những sản phẩm rau sạch cho thị trường. “Với quy mô sản xuất rau trên diện tích lớn nhưng chỉ cung cấp cho các chợ đầu mối nên nhiều lúc sản phẩm tổ làm ra cũng bị ép giá. Hy vọng trong thời gian tới tôi sẽ ký được hợp đồng cung cấp rau cho các bếp ăn tập thể, siêu thị... Hiện tại tôi đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ để tiến hành chuyển đổi theo hướng VietGAP nhằm tạo được thương hiệu rau sạch cho tổ hợp tác và ổn định đầu ra cho sản phẩm”, anh Trường nói.
QUỲNH NHIÊN