Làm giàu từ… sầu riêng

Cập nhật: 21-12-2023 | 09:40:19

 Những ngày cuối tháng 12, chúng tôi có dịp trở lại xã Thanh Tuyền. Thanh Tuyền hôm nay mang một diện mạo mới, ngày càng khởi sắc với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình trồng sầu riêng của hộ gia đình ông Tô Văn Quốc ở ấp Chợ.

 Anh Tô Văn Quc bên vườn su riêng ca gia đình

 Đến xã Thanh Tuyền chúng tôi được nghe lãnh đạo Hội Nông dân xã kể về câu chuyện mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả cao của gia đình anh Tô Văn Quốc. Men theo những tuyến đường cao su rợp bóng mát, chúng tôi tìm gặp anh Quốc để được “mục sở thị” vườn sầu riêng của gia đình anh.

Trong cái nắng gay gắt của những ngày cuối năm, anh Quốc dẫn chúng tôi đi thăm vườn sầu riêng đang chuẩn bị ra bông. Vừa chăm chú tỉa từng cành cây anh Quốc vừa kể, vào năm 2013 gia đình anh mua lại mảnh đất đồi này rộng 2,4 ha. Lúc đó đất còn trồng cây cao su tuy nhiên được một thời gian sản lượng cao su giảm, giá cả bấp bênh, hiệu quả không cao. Sau đó gia đình chuyển sang trồng khoai mì, mỗi năm lợi nhuận thu được vài chục triệu đồng.

“Nhận thấy trồng các loại cây này lợi nhuận thấp, không bền vững, tôi đã nghiên cứu và tham khảo để chọn ra loại cây mới thay thế. Qua quá trình thăm quan, học hỏi từ các mô hình kinh tế, nhận thấy đất đai ở đây phù hợp trồng cây ăn trái nên cuối năm 2017, tôi đã mạnh dạn chuyển hướng sang trồng sầu riêng với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, anh Quốc bộc bạch.

Để có kiến thức canh tác sầu riêng theo hướng mới, ngoài học qua sách báo, anh Quốc còn tìm đến các mô hình canh tác hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi, rút kinh nghiệm về áp dụng tại vườn của mình. Nhờ sự kiên trì học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật, vườn sầu riêng của gia đình anh Quốc cho năng suất ổn định. Sau 5 năm chăm sóc, hiện tại vườn sầu riêng của anh Quốc có 320 gốc, chủ yếu là sầu riêng Thái và đã cho thu hoạch mùa thứ 2. Năm 2023, gia đình anh thu hoạch được 22 tấn sầu riêng, thương lái tìm đến tận vườn để thu mua. Sau khi trừ các khoản chi phí, mang lại nguồn thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm cho gia đình anh Quốc.

Nói về chặng đường gắn bó với cây sầu riêng, anh Tô Văn Quốc chia sẻ là người không có kiến thức, khi quyết định chọn cây sầu riêng để chuyển đổi cây trồng gặp rất nhiều khó khăn. “Lứa đầu tiên tôi trồng 325 gốc thì cây chết gần hết buộc tôi phải trồng lại. Hệ thống tưới nước thiết kế không hợp lý buộc tôi phải phá bỏ toàn bộ để làm lại từ đầu. Để cây sầu riêng phát triển khỏe mạnh, người nông dân phải nắm vững kiến thức, kỹ thuật canh tác như bón phân, tưới nước, thụ phấn, tỉa cành tạo tán, phòng chống sâu hại… Bản thân người làm vườn phải chịu khó, học hỏi qua nhiều kênh mới có thể đi đến thành công”, anh Quốc tâm sự.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, nhằm hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng, định hướng sản xuất hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2022, anh Quốc cùng với các hộ dân thành lập Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Bến Súc với 7 thành viên. Bản thân anh Quốc cũng rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây sầu riêng với những hộ dân trên địa bàn xã khi họ có nhu cầu.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền cho biết, mô hình sầu riêng của gia đình anh Tô Văn Quốc là mô hình hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Quốc là hộ tiên phong trồng cây sầu riêng lai ghép đầu tiên trên địa bàn xã, từ năm 2018 đến nay đã nhiều lần đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh. Từ thành công của anh Quốc, hy vọng trong thời gian tới sẽ nhiều nông dân trên địa bàn xã học tập, làm theo và có những kết quả tích cực.

 HỒNG PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=584
Quay lên trên