Làm giàu từ trồng tre lục trúc

Cập nhật: 08-09-2015 | 09:02:08

Là nông dân chính gốc của vùng đất Đồng Tháp, nơi được xem là “cây lành trái ngọt” của đồng bằng sông Cửu Long với các loại trái cây nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quít Lai Vung, bưởi Phong Hòa... nhưng anh Nhị Văn Xum lại thành công trên mảnh đất Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng nhờ trồng tre lục trúc để lấy măng.

 Anh Xum đang chăm sóc vườn măng của gia đình. Ảnh: H.PHẠM

 Dám nghĩ dám làm

Anh Nhị Văn Xum xuất thân trong một gia đình có nhiều đời gắn bó với nghề trồng cây ăn trái và đã từng lăn lộn cùng ba trồng các loại cây cam, quýt, bưởi... Năm 1995, qua giới thiệu của một số người, anh đến ấp 2, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng để lập nghiệp.

Với những kết quả đạt được, thời gian qua, vườn măng lục trúc của anh Xum đã đón tiếp nhiều đoàn của các cấp Hội Nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Ngoài ra, anh còn chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp cây giống cho các hộ có nhu cầu, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian đầu, anh thuê đất trồng các loại cây ăn trái có múi như cam, quýt... Cùng với kinh nghiệm sẵn có và học hỏi thêm từ các gia đình trong vùng, vườn cây ăn trái của anh đã cho kết quả khả quan, thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2007, qua tìm hiểu thông tin về mô hình trồng măng tre có hiệu quả từ một số gia đình trong khu vực và các tỉnh khác, anh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm trên diện tích vài trăm mét vuông.

Anh Xum chia sẻ: “Là nông dân thì bao giờ cũng muốn trồng được những loại cây khác nhau. Qua tìm hiểu, tôi thấy việc trồng tre lấy măng ở khu vực xã Trừ Văn Thố là rất thuận lợi vì có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Tuy nhiên, cái khó là chọn loại tre nào để cho măng ngon, năng suất cao. Tôi đã trồng thử nhiều loại tre khác nhau và nhận thấy tre lục trúc (còn gọi là điền trúc) cho măng có chất lượng tốt và năng suất cao nên đã quyết định chọn loại này để trồng”.

Thu lời tiền tỷ

Từ diện tích 1 ha vào năm 2008, đến nay anh Xum đã mở rộng diện tích trồng tre lục trúc lên 6 ha. Anh cho biết, trung bình 1 ha cho thu hoạch khoảng 250kg/ngày; với giá măng vào mùa khoảng 7.000 - 8.000 đồng/ kg, còn nghịch mùa từ 25.000 - 28.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng cho thu lãi bình quân từ 900 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm.

Để măng cho năng suất cao và tạo ra sản phẩm an toàn, anh Xum đã tìm hiểu, nghiên cứu áp dụng các ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình trồng, nhân giống và thu hoạch. Hiện toàn bộ diện tích trồng măng đã được anh thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP do Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn.

“Việc trồng tre lấy măng mới đầu tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới gặp không ít khó khăn, do trồng măng tre cần đất riêng để không ảnh hưởng cây trồng khác như che bóng, rễ hút dinh dưỡng..., đất trồng cần có độ dày phù hợp, có thể ngập nước từ 1 - 2 ngày nhưng đất phải khô ráo. Việc bón phân cũng phải đúng theo từng kỳ, đúng liều lượng và tăng giảm lượng phân phù hợp theo màu và độ rộng của phiến lá. Bên cạnh đó, vun gốc tủ mùn là việc làm cần thiết nhưng hết sức thận trọng để tránh cho mụt măng nhỏ khỏi bị thối do nhiễm nấm và ngạt. Sau khi thu hoạch hết măng, phải tiến hành cải tạo đất, cắt bỏ những cây quá tuổi để giúp tăng sản lượng và chất lượng măng kỳ thu hoạch sau”, anh Xum chia sẻ kinh nghiệm.

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5804
Quay lên trên