Áp lực lạm phát đang ngày càng khó đoán định và đè nặng lên mục tiêu kiểm soát ở mức 7% của Chính phủ. Trong khi đó, điều hành lãi suất giảm như thế nào, tỷ giá đứng ở bao nhiêu cho hợp lý cũng là vấn đề không dễ giải quyết của chính sách tiền tệ trong thời gian tới...
Tại Diễn đàn Áp lực lạm phát và chính sách tiền tệ tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại về vấn đề lạm phát trong thời gian tới. Với mức tăng 4,12% của lạm phát trong quý 1-2010, mục tiêu kiểm soát lạm phát 7% của Chính phủ trong năm 2010 đang trở nên khó khăn khi đồng thời cân đối mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Nhìn vào chỉ số CPI của riêng tháng 3-2010, TS Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) nhận định, hiện lạm phát ở Việt Nam đang ở mức khá cao so với quốc tế. Kết thúc tháng 3-2010, chỉ số giá nếu so cùng thời điểm của 2009 tăng tới 9,46%, trong khi ở các quốc gia có nền kinh tế vận hành tương đồng như Việt Nam, thông thường mức lạm phát chỉ dưới 5%.
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)
Về diễn biến trong thời gian tới, ông Ánh cho rằng chưa khi nào vấn đề dự báo lạm phát lại trở nên khó khăn như trong thời điểm hiện tại. Chính sách tiền tệ chưa xác định rõ việc nới lỏng, thắt chặt hay vừa nới lỏng vừa thắt chặt theo mức độ như thế nào. Bên cạnh đó việc kiểm soát nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế cũng trở nên khó giải quyết hơn. Đặc biệt, yếu tố khó lường nhất, mới xuất hiện từ đầu năm 2010 là giá các nguyên nhiên vật liệu cơ bản bị thay đổi, tăng một cách dồn dập trong thời gian ngắn.Sự bất định của lạm phát còn được TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhấn mạnh, qua việc định hướng chính sách tiền tệ rất lẫn lộn của cơ quan điều hành. Giữa tăng trưởng - lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... các mục tiêu được đặt một cách thiếu tập trung. Chính vì sự “tù mù” của chính sách tiền tệ, cùng các tác nhân khác khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát 7% - theo quan điểm của ông Thành - đang rất khó khăn.
Bên cạnh lạm phát, vấn đề tỷ giá VND/USD trên cả hai thị trường chính thức và phi chính thức có xu hướng giảm xuống trong những ngày vừa qua được các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Theo ông Ánh, tỷ giá vừa qua diễn biến trái ngược so với đầu năm. Ngày 10-2-2010, trước áp lực của vấn đề tỷ giá hối đoái, NHNN buộc phải điều chỉnh tỷ giá ở mức 17.961 đồng lên 18.544 đồng/USD, mức tăng xấp xỉ 3,4%. Tuy nhiên, sang tháng 3 và đầu tháng 4-2010, tỷ giá của thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố không thay đổi, nhưng tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại đã giảm và đã thu hẹp lại, thậm chí thấp hơn thị trường tự do. Hiện tại, tỷ giá đang xoay quanh ngưỡng 19.000 đồng/USD. Nguyên nhân khiến tỷ giá giảm, theo ông Ánh là do cung USD trên thị trường đang dư thừa. Hết quý 1-2010, giải ngân FDI đạt mức cao 2,5 tỉ USD, các dự án ODA cũng đang bước vào giai đoạn giải ngân. Mặt khác, kiều hối không những không giảm mà còn có xu hướng tăng vượt ngoài dự báo; trong khi nguồn ngoại tệ mà khu vực dân cư lưu giữ cũng được mang ra trao đổi mạnh thời gian qua.
Một nguyên nhân quan trọng khác, đó là chênh lệch lãi suất cho vay giữa VND và USD. Với mức vay VND lên tới 16% - 18%/năm, trong khi lãi suất vay USD chỉ giao động ở mức 6% - 6,5%/năm, cùng với dự báo tỷ giá hối đoái có thể không biến động dữ dội khiến nhiều doanh nghiệp quay sang vay bằng USD và sau đó bán USD đó để lấy tiền đồng kinh doanh.
Về diễn biến xu hướng tỷ giá thời gian tới, ông Thành nhận định, doanh nghiệp và người gửi tiền đều căn cứ vào lãi suất VND và lãi suất USD, lạm phát và mức kỳ vọng thay đổi tỷ giá để giữ đồng tiền này hay đồng tiền kia. Thời gian qua, tỷ giá ổn định, lãi suất USD thấp nên đương nhiên doanh nghiệp sẽ vay USD.
Với tương quan trên rõ ràng, lạm phát hiện đáng ngại hơn nhiều so với tỷ giá và cần có những biện pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát trong những quý tới.
(THEO THANH NIÊN)