Làm rõ giá trị Đề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng

Cập nhật: 01-03-2023 | 12:01:00

 

LTS: Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), sáng 27-2, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Hội thảo tập hợp trên 170 tham luận của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà quản lý, nhà khoa học và những người trực tiếp làm công tác văn hóa - nghệ thuật. 

(BDO) Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, các tác giả tham luận khẳng định những giá trị cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự vận dụng đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước cùng những đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. 


Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Về phía tỉnh Bình Dương, Tiến sĩ Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có bài tham luận tham gia hội thảo lần này với chủ đề: Làm rõ giá trị tư tưởng, học thuật và nghệ thuật của Đề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng. Báo Bình Dương trân trọng giới thiệu một số nội dung chính của bài tham luận này đến bạn đọc.

Các giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa năm 1943

Là tên thường gọi của Đề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam do Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) soạn thảo từ năm 1943, Đề cương văn hóa Việt Nam đến nay vừa tròn 80 năm. Mặc dù ở dạng đề cương, nhưng Đề cương văn hóa có vai trò rất lớn, định hướng xuyên suốt hoạt động trên mặt trận văn hóa.

Đề cương đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó đã xác định đúng phạm vi, tính chất, nội hàm của văn hóa. Ngay trong phần đặt vấn đề, Đề cương  nhấn mạnh: “Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. 

Cụm từ “bao gồm cả” cho thấy văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, trong đó bao chứa những thành tố cơ bản là tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Việc lựa chọn, xác định phạm vi của văn hóa ngay trong phần “Cách đặt vấn đề” của Đề cương cho thấy tầm quan trọng của tư tưởng, học thuật và nghệ thuật đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; với vận mệnh nước nhà và công cuộc vun đắp nền văn hóa mới phong phú, giàu bản sắc.


Hội thảo tại điểm cầu Bình Dương

Trong phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm ra đời Đề cương, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Đề cương đi thẳng vào vấn đề văn hóa. Đó là lĩnh vực phản ánh toàn bộ đời sống xã hội vào ý thức của con người, thể hiện phong phú trên các mặt: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”. Như vậy, tư tưởng, học thuật, nghệ thuật là ba thành tố cơ bản, thuộc về văn hóa được lựa chọn để nhấn mạnh, bàn thảo trong đề cương, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình cấp bách lúc bấy giờ. 

Đến nay, cả ba thành tố mà đề cương nêu ra đều là những yếu tố mang tính hạt nhân, có mối quan hệ, gắn bó, chi phối, bổ sung và thẩm thấu lẫn nhau, cấu thành nền văn hóa dân tộc. Trong điều kiện đất nước bị thực dân, đế quốc đô hộ, những người Mác xít đặt mục tiêu lật đổ giai cấp thống trị và giành chính quyền về tay nhân dân lên hàng đầu. Đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc trở thành giá trị chung của cả dân tộc, điều kiện tiên quyết để nhân dân ta xây dựng nền kinh tế mới và nền văn hóa mới. 

Đề cương cũng nhấn mạnh rằng, cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam chỉ có thể - trong trường hợp may mắn nhất - đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc, hoàn toàn độc lập, dựng nên một nền văn hóa mới, nhưng đó cũng chưa phải là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, chỉ có thể đạt được trong cách mạng xã hội chủ nghĩa sau này. Văn hóa dân chủ mới là bước quá độ lên văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Nhận rõ văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội, Đảng đề ra Đề cương văn hóa và làm cho nó trở thành một vũ khí tư tưởng sắc bén của các chiến sĩ Việt Nam trên mặt trận văn hóa chống lại những âm mưu văn hóa ngu dân và nô dịch của phát xít, thực dân, đánh bại những khuynh hướng văn hóa sai lầm, tác hại đến việc giành lại độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam. 

Sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự nghiệp vĩ đại sáng ngời chính nghĩa.

Vào các năm 1941-1942, trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa xuất hiện nhiều khuynh hướng phức tạp và phản động. Phát xít Nhật tích cực tuyên truyền cho các thuyết Đại Đông Á lôi kéo một bộ phận trí thức tham gia vào bộ máy tuyên truyền đề cao Nhật. Thực dân Pháp cũng tích cực hoạt động mua chuộc và lừa bịp giới quan lại, công chức, trí thức, sinh viên thân Pháp hạn chế ảnh hưởng của Nhật, ngăn chặn nhân dân ngả theo cách mạng. Tầng lớp trí thức bị dao động, phân liệt. Một bộ phận lộ rõ bản chất phản động cam tâm làm tay sai cho Nhật, Pháp. Một bộ phận đi theo cách mạng. Một bộ phận lừng chừng đề cao tư tưởng phong kiến phục cổ, mê tín dị đoan, thần bí, cải lương tư sản. Có bộ phận công khai xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin.

Nhằm đả thông tư tưởng, “thức tỉnh” người nghệ sĩ, trí thức, vấn đề tư tưởng đã được đặt ra trong đề cương như một vấn đề trọng tâm, nhằm “tranh đấu về học thuyết, tư tưởng (đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á, có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: Triết học Khổng, Mạnh, Descartes, Bergson, Kant, Niesche…) làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”. 

Việc xác định rõ lập trường tư tưởng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin -  một học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn nhất lúc bấy giờ, phù hợp với quy luật vận động khách quan của tư tưởng và văn hóa nhân loại, có vai trò, ý nghĩa giải quyết được những vấn đề đặt ra của tình hình, thực tiễn phát triển của nền văn hóa dân tộc, là kim chỉ nam cho quá trình vận động, phát triển của đất nước cũng như mục tiêu hướng đến của toàn dân là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẽ góp phần “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân. Phát huy văn hóa tân dân chủ Đông Dương”.

Trong ba yếu tố tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, tư tưởng là vấn đề trọng tâm, là hạt nhân của nền văn hóa. Nó liên quan đến thế giới quan, đến nhận thức, tình cảm, thái độ, cách ứng xử của con người trước những vấn đề của tự nhiên, xã hội. Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa”. 

Bàn về những chuyển biến trong đời sống tư tưởng những năm đầu đổi mới, Nghị quyết của Đảng nhận định: Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được vận dụng và phát triển sáng tạo, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng, bảo đảm cho đời sống tinh thần xã hội phát triển đúng hướng. Đó là ý thức phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tinh thần trách nhiệm và năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ, đảng viên; là những giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức tốt đẹp; tính năng động và tính tích cực công dân; là tinh thần, ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ; là tâm thức hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, quý trọng các danh nhân văn hóa, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ những người hoạn nạn…

Cùng với tư tưởng, học thuật là một yếu tố được đặc biệt nhấn mạnh. Dưới chính sách cai trị của thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Trong tình cảnh đó, đại đa số người dân Việt Nam mù chữ, không được đến trường. Vì không biết chữ dẫn đến ý thức về bổn phận, trách nhiệm của người dân đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc còn nhiều hạn chế; việc tuyên truyền, tập hợp, cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, vấn đề học thuật, nâng cao trình độ dân trí, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được đặt ra cấp thiết. Học thuật liên quan trực tiếp đến trình độ học vấn, đến tri thức khoa học, sự hiểu biết và ý thức làm chủ của con người, là điều kiện cần để con người mở những cánh cửa vào tương lai, thể hiện khát vọng, tinh thần không ngừng học tập, nâng cao tri thức, trình độ và năng lực chuyên môn, từ đó có nhiều sáng tạo, phát minh mới, làm phong phú nền văn hóa dân tộc. Nhiệm vụ khai dân trí được đặt lên vai của những người làm cách mạng và là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. 


Khách tham quan Khu di tích rừng Kiến An. Ảnh: Hồng Thuận

Đề cương đề ra những nhiệm vụ cần phải được tiến hành ngay lúc bấy giờ, đó là: Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết. Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói. Ấn định mẹo văn ta. Cải cách chữ quốc ngữ. Tuyên truyền và xuất bản. Chống nạn mù chữ.

Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề học thuật, Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức các cuộc vận động, các phong trào xây dựng đời sống mới, thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, góp phần nâng cao trình độ nhận thức của nhân dân. Với tinh thần, quyết tâm cao, một tuần lễ sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ. Chỉ trong vòng hơn một năm, hai triệu người bị mù chữ đã biết đọc, biết viết.

Bên cạnh yếu tố tư tưởng, học thuật thì nghệ thuật được xác định là bộ phận đặc biệt nhạy cảm, tinh tế của văn hóa. Nếu “học thuật” liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục - đào tạo, đến việc trao truyền tri thức, bồi dưỡng thế hệ trẻ, nâng cao dân trí, thì “nghệ thuật” là một biểu hiện sinh động, phong phú của đời sống văn hóa, thể hiện những khát vọng của con người về chân, thiện, mỹ. Những sáng tạo về nghệ thuật rất phong phú, thể hiện ở nhiều loại hình. Trải qua thời gian và những sáng tạo không ngừng nghỉ của các thế hệ người dân Việt Nam đã kết tinh thành những giá trị độc đáo, tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc. Sức mạnh của những tác phẩm nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người.

Nghệ thuật là bộ phận sinh động của văn hóa, bao gồm những hoạt động sáng tạo, thực hành, trình diễn phong phú, đa dạng, thuộc nhiều loại hình và phương thức thể hiện, phản ánh đời sống tư tưởng, tình cảm, lối sống, nếp nghĩ của nhân dân. Nghệ thuật có vai trò, sức mạnh vô cùng lớn trong việc đấu tranh, giải phóng dân tộc, ngợi ca cái đẹp, bảo vệ lẽ phải, sự công bằng. 

Nhấn mạnh đến vai trò to lớn của nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”.

Nhấn mạnh đến 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, Đề cương cũng đã đề ra 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới, đó là: Dân tộc, khoa học và đại chúng. Dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa trở thành ba phương châm mang tính bao trùm của một nền văn hóa mới. Ba phương châm này là định hướng, xác lập nguyên tắc hoạt động chứ chưa phải và không thể là những nội dung cụ thể của một nền văn hóa mới. Đây không phải là những suy diễn thiếu cơ sở mà căn cứ vào cách giải thích khái niệm sẽ nhận thấy đó là một yêu cầu của thực tiễn cách mạng. 

Khi cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đang trở thành vấn đề cấp thiết số một thì nguyên tắc dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, là đưa văn hóa trở về với đại chúng, là vì đại chúng, phục vụ đại chúng chứ không thể vì một đối tượng nào khác. Đây thực sự là một sự thay đổi tận gốc, là cuộc cách mạng chứ không phải là một xu hướng cải cách mang tính cải lương. Nêu phương châm Dân tộc hóa lên đầu tiên, gắn nó với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước như là nhiệm vụ hàng đầu của văn hóa chính là đưa văn hóa áp sát đời sống, làm cho nó hữu ích, thiết thực với quảng đại quần chúng. 

Khoa học hóa văn hóa giai đoạn này chính là đánh đổ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”, mà thực chất là chống lại tư tưởng Đại Đông Á của Nhật và tư tưởng nô dịch và những quan niệm duy tâm, siêu hình đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân. Đại chúng hóa là chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng. 

Có thể thấy việc luận giải các nguyên tắc này của Đề cương Văn hóa Việt Nam nghiêng về phía chính trị cũng là tất yếu bởi nhiệm vụ cứu quốc được đặt ra hàng đầu. Yêu cầu trở về với dân tộc, nhân dân của văn hóa, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, nói như một số nhà hoạt động văn hóa lúc đó, là mệnh lệnh của lương tri. 

Có thể khẳng định, ba nhân tố thành tố và ba nguyên tắc này đều có mối quan hệ biện chứng, thẩm thấu và bổ sung lẫn nhau để tạo nên một nền văn hóa mà tư tưởng thấm đẫm tinh thần dân tộc; học thuật phải mang tính khoa học, chống lại những gì phản tiến bộ, những cái lạc hậu, bảo thủ, đồng thời không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nghệ thuật phải thấm đẫm tinh thần nhân dân (đại chúng), nghệ thuật thuộc về nhân dân, phản ánh tâm tư, tình cảm và những mong ước, khát vọng của nhân dân.



Khách tham quan di tích lịch sử trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thuận

Sự kế thừa và bổ sung, phát triển Đề cương Văn hóa 1943 của Đảng

Kế thừa những quan điểm, định hướng về xây dựng, phát triển nền văn hóa mới Việt Nam được đề cập trong Đề cương, 80 năm qua, Đảng ta đã không ngừng bổ sung, phát triển nhiều quan điểm mới, làm sâu sắc thêm nội hàm, phạm vi các lĩnh vực thuộc văn hóa cũng như vai trò của văn hóa trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, Đề cương Văn hóa Việt Nam dù mang tầm nhìn chiến lược và cho đến nay vẫn chứng tỏ sức sống của nó, nhưng không phải không có những bất cập ở một số vấn đề như trong xác định phạm vi đối tượng, lĩnh vực hoạt động của văn hóa, những nét đặc thù của khái niệm cũng như trong đánh giá di sản, xác định tính chất hoặc phân kỳ lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa dân tộc… 

Điều ấy hoàn toàn có thể hiểu được bởi trong những điều kiện hoạt động bất hợp pháp, thiếu thốn tư liệu, mặt bằng lý luận nói chung còn có nhiều hạn chế… đã không cho phép tác giả đi sâu vào những vấn đề chuyên môn. Mặt khác, khi vận dụng quan điểm này vào chỉ đạo thực tiễn không phải không có những bất cập, thậm chí sai lầm. Ngay như nói về hệ giá trị của văn hóa, trong thực tiễn không ít những lệch lạc trong cách hiểu về ba phương châm lớn này khi xây dựng phong trào hay khi tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, trong hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, trong sự tạo ra một môi trường văn hóa bình đẳng, đa dạng của cộng đồng các dân tộc và xây dựng con người. Đó cũng là một thực tế cần phải được nghiên cứu kỹ và giải quyết những vấn đề của chính văn hóa trong quá trình phát triển. 

Mặt khác lại cũng phải nhận thấy đây là một bản Đề cương Văn hóa Việt Nam, một chương trình, kế hoạch hành động mang tính chất cương lĩnh của một tổ chức chính trị ở một lĩnh vực vốn rộng về phạm vi, phong phú về nội dung, khó có quan điểm thống nhất ngay cả với những nhà chuyên môn, phức tạp về cách tiếp cận và quan điểm đánh giá…

Mọi vấn đề không phải một khi đã xây dựng xong là trở thành nguyên lý nhất thành bất biến mà trước hết và suy cho cùng, nó chỉ là những định hướng để dựa vào đó mà sáng tạo và hành động chứ không nhất nhất lệ thuộc vào nó một cách giáo điều. 

Lướt qua những giai đoạn phát triển, đổi thay của 80 năm qua, nhìn lại những quan điểm lớn nhất của Đảng về văn hóa mới thấy hết những minh triết của cách tiếp cận vấn đề, tính thực tiễn và khoa học của những luận điểm được nêu ra trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, thấy nó đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử. Bao trùm lên tất cả là tính chất cách mạng, thái độ nhất quán và những nguyên tắc của Đảng về một nền văn hóa mới, được định hướng ngay từ khi nó chưa được xác lập, chưa thật rõ hình hài nhưng những cái mới của nó đã hé lộ, sức sống của nó ngay từ những buổi đầu tiên đã được khẳng định và nó đã đáp ứng được những yêu cầu của cuộc cách mạng xã hội vì dân tộc, vì nhân dân.

Chính vì thế mà tương lai của những tư tưởng lớn ấy, những định hướng ấy đã bám rễ vào đời sống và chứng tỏ sự đúng đắn ngay từ những buổi đầu. Những bất cập trong chỉ đạo thực tiễn về xem nhẹ vai trò của tinh hóa văn hóa, những nhận thức chưa đúng về tính đại chúng, văn hóa quần chúng, xu hướng chiều theo nhu cầu giải trí của số đông hay bảo tồn, di sản văn hóa đã từng bước được nhận thức và giải quyết. Vấn đề lớn nhất là nhận thức về bản thể của văn hóa, vấn đề con người cho đến nay vẫn là những điểm “nghẽn” vì quan điểm chỉ đạo vẫn nghiêng về khía cạnh chính trị của vấn đề là điều cần được giải quyết trong thời gian tới. 

Nếu coi Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 như là Cương lĩnh thứ nhất của Đảng về văn hóa thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 33 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như những cương lĩnh mới về văn hóa của Đảng thì không thể không nhận thấy những tiếp nối, phát triển nhiều luận điểm quan trọng của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943.

Về phạm vi, nội hàm của văn hóa, Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII, bổ sung thêm các lĩnh vực, như: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; di sản văn hóa; giáo dục - đào tạo; khoa học và công nghệ; văn học, nghệ thuật; thông tin đại chúng; giao lưu văn hóa với thế giới; thể chế và thiết chế văn hóa.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương năm khóa VIII, năm 2014, Đảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của chủ thể sáng tạo, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc là nhân tố con người: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Nghị quyết cũng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Như vậy, tùy thuộc vào bối cảnh, tình hình khách quan và thực tiễn phát triển của đất nước, Đảng ta đã không ngừng đổi mới tư duy nhằm hoàn thiện hệ thống lý luận về xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh con người Việt Nam để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Ra đời trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khi nước nhà còn chìm trong bóng đêm nô lệ, nhân dân chịu nhiều tầng áp bức, bóc lột, Đảng phải lui về hoạt động bí mật, Đề cương không thể đề cập đến mọi lĩnh vực, mọi vấn đề của văn hóa. Như đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trong lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ra đời Đề cương đã nhấn mạnh: Đề cương Văn hóa Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hóa Việt Nam… Nhưng Đề cương Văn hóa đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện đó của cách mạng Việt Nam.

Xuyên suốt 80 năm qua, dù hiện thực có nhiều đổi thay nhưng những tư tưởng, quan điểm mang tính định hướng được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn là những tư tưởng nền tảng, soi đường cho sự vận động, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau... Nhưng chung quy có thể hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng: Văn hóa là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định... Nghĩa hẹp: Văn hóa là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: Giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức... Văn hóa cũng bao gồm cả văn hóa vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, di sản văn hóa, những sản phẩm văn hóa: Kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ,...) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương...)… 

Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”.

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1593
Quay lên trên