Bình Dương, một tỉnh công nghiệp năng động với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, cũng đang đối mặt với những thách thức về môi trường. Nhằm bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững, Bình Dương đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.
Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đang thực hiện mô hình công viên xanh. Trong ảnh: Một góc công viên xanh tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP.Thuận An
Đa dạng mô hình
Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều mô hình BVMT phù hợp với đặc điểm địa phương. Mô hình “Tổ tự quản BVMT” được triển khai rộng rãi tại các khu phố, khu dân cư. Các tổ tự quản có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về BVMT, thu gom rác thải đúng quy định, hạn chế sử dụng túi nylon, tiết kiệm điện nước... Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, phong trào BVMT được cộng đồng dân cư, khu phố tích cực tham gia.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về BVMT, xóa triệt để các điểm đen về rác, nâng cao chất lượng môi trường đô thị, Ban điều hành và người dân tại khu phố Tây, phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An đã tiến hành đưa vào thực hiện mô hình “Khu phố không rác”, giữ vững danh hiệu 4 năm liên tục. Bà Bùi Thị Yến Hoa, Trưởng ban Điều hành khu phố Tây, chia sẻ qua 4 năm thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả khả quan, ngày càng nhận được sự đồng thuận, thu hút được nhiều người dân tham gia. Để tạo hiệu ứng và thay đổi thói quen của người dân, vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, các ngày lễ lớn, Ban điều hành khu phố đã phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể, tổ nhân dân tự quản, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh, xóa quảng cáo rao vặt.
Bà Bùi Thị Yến Hoa cho biết thêm, trong quá trình thực hiện dọn vệ sinh, khu phố kết hợp công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không đổ nước thải ra đường; kênh mương, cống rảnh được khai thông. Hiện nay, các địa điểm thường phát sinh rác thải trên địa bàn khu phố được thay thế bằng những mảng xanh. Số lượng rác phát sinh đã giảm đáng kể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các hộ dân đều đã đăng ký thu gom. Chị Nguyễn Thị Thảo, người dân tại khu phố Tây cho biết, bên cạnh việc tham gia các phong trào của khu phố, gia đình thường xuyên quét dọn sạch sẽ rác thải nơi mình ở.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn triển khai nhiều mô hình mang ý nghĩa thiết thực, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Mô hình “Phường, xã xanh - sạch - đẹp” tập trung vào việc tổ chức dọn vệ sinh môi trường định kỳ, trồng cây xanh, tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT. Mô hình “Doanh nghiệp xanh” khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm. Mô hình “Trường học xanh” giáo dục học sinh, khuyến khích thực hành các hành động BVMT trong trường học và gia đình...
Nâng cao ý thức
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình BVMT, tỉnh chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp cho người lao động; đồng thời phát triển các mô hình mới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Thời gian qua, mô hình “Trường học xanh” được áp dụng và lan tỏa tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Điển hình như mô hình “Công viên xanh” của trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An). Mô hình với nhiều tiểu cảnh, chủ đề đa dạng về cuộc sống, văn hóa vùng miền đã tạo được không gian để học sinh học tập, vui chơi, trải nghiệm. Ông Đặng Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mô hình công viên xanh nhằm kéo học sinh thoát khỏi sự ảnh hưởng của thiết bị máy tính, sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên. Từ đó, giúp các em biết tôn trọng, yêu quý và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống”.
Hiện nay, để tuyên truyền về BVMT nói chung và thực hiện phân loại rác thải tại nguồn nói riêng, nhiều địa phương đã triển khai rộng rãi tại các trường học. Qua đó hình thành ý thức BVMT, phân loại rác cho đối tượng học sinh. Em Trần Mai Phương, lớp 5.2 trường Tiểu học Dĩ An C (phường Dĩ An, TP.Dĩ An), chia sẻ: “Ở lớp học em được cô giáo hướng dẫn bỏ rác đúng chỗ, đúng thùng quy định. Về nhà em cũng thực hiện nghiêm túc, không bỏ rác bừa bãi”.
TIẾN HẠNH