Lan tỏa niềm đam mê vườn rau sạch

Cập nhật: 21-03-2023 | 08:46:50

Chỉ với diện tích nhỏ hẹp, các gia đình thành thị đã “hô biến” các sân thượng, mái tôn thành những khu vườn nhỏ xinh xanh mát mắt. Cách trồng rau kiểu này không chỉ giúp cải thiện bữa ăn mà còn tạo ra không gian thư giãn cho cả gia đình sau một ngày làm việc căng thẳng, mệt nhọc.

Những người đam mê vườn rau sạch

Có dịp đến tham quan vườn rau trồng trên sân thượng của chị Nguyễn Lê Khánh An ở phường An Phú (TP.Thuận An), chúng tôi không khỏi bất ngờ. Đập vào mắt chúng tôi là giàn bầu sao trái sai lủng lẳng, mỗi trái dài gần 1m. Kale vốn là loại rau đỏng đảnh, khó tính, ấy vậy mà chị trồng được đủ loại với hàng chục chậu tốt sum suê. Cà chua, su hào, củ cải, đậu bắp cũng đang chuẩn bị cho thu hoạch. Rau cải thì đa dạng chủng loại xanh mơn mởn. Không chỉ thành công với rau, củ, chị Khánh An còn rất mát tay với nhiều loại cây ăn trái như ổi, táo, sung… Chị chia sẻ, chị trồng luân phiên, gần thu hoạch thì lại gieo sẵn cây giống, cứ vậy quanh năm không để trống chậu nào cả. “Rau trồng ăn không hết, tôi tặng người thân, bạn bè, hàng xóm ăn phụ. Có được nguồn rau sạch, mấy năm nay gia đình tôi không tốn tiền mua rau bao giờ”, chị Khánh An tâm sự.


Chị Nguyễn Lê Khánh An thành công với mô hình trồng rau củ quả trên sân thượng

Ngưỡng mộ vườn rau trên sân thượng của chị Khánh An bao nhiêu thì khi đến thăm vườn rau trên mái tôn của chị Nguyễn Thị Kim Loan ở phường Dĩ An (TP.Dĩ An) chúng tôi lại càng khâm phục hơn với đam mê trồng rau sạch của chị. Ban đầu chị trồng dưới đất, nhưng do diện tích nhỏ hẹp, chị đưa vườn lên mái tôn tầng một để thỏa niềm đam mê. Thấy chị ngày ngày lụi cụi vác đất lên lầu băng qua phòng học, phòng ngủ của con, leo ra mái nhà để trồng rau, sợ chị đi lại leo trèo nguy hiểm, chồng chị đã gia cố lại mái tôn. Lợi thế của chị là có chồng làm cơ khí nên đã làm lại khung đỡ phía dưới cho cứng cáp hơn, bên trên làm khung bao quanh để chị không bị té ngã, đồng thời cắt lan can cho chị tiện khiêng đất lên xuống.

Giờ đây, vườn rau của chị Kim Loan có rất nhiều loại rau ăn lá như cải các loại, mồng tơi, rau muống, rau dền, xà lách, bắp cải… Vừa trồng vừa tự rút kinh nghiệm, cũng như học hỏi thêm bạn bè, giờ đây chị Loan thành công với các loại rau củ và cây ăn quả như táo, nho, sung, tắc... Những tháng cuối năm đến tháng giêng, vườn nhà chị nổi bật bởi giàn cà chua chín đỏ rực. Những ngày này, giàn bí bơ đang vào độ thu hoạch với hàng chục trái đã “đốn tim” nhiều chị em trong hội trồng rau. Chị Kim Loan cho hay: “Vườn rau sạch cũng là nơi giảm stress của cả gia đình, nơi cho con nhỏ chiều chiều lên hóng mát, nơi lý tưởng để chị em trong hội nhóm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, chụp hình sống ảo”.

Để có nguồn rau an toàn trồng theo hướng hữu cơ, các gia đình phải tốn một khoản chi phí không nhỏ. Nhưng lợi ích mang lại cho sức khỏe là giá trị lớn nhất mà các vườn rau kiểu này mang lại. Đó là lý do ngày nay nhiều gia đình, trong đó có công chức Nhà nước đã tập tành trồng rau sạch tại nhà. Không chỉ trồng rau, nhiều chị em còn nuôi gà, vịt, bồ câu… để bữa ăn gia đình thêm phong phú.

Hội, nhóm những người cùng sở thích

Đa số những người đam mê trồng rau sạch mà chúng tôi tiếp xúc đều là người trẻ. Dù còn bận lo toan cho gia đình, chăm sóc con cái, nhưng để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, các chị em vẫn dành thời gian để trồng rau. Những vườn rau trái xanh mơn mởn, sum suê ấy hình thành từ sự tỉ mỉ, nhọc nhằn chăm sóc, chưa kể nhiều lần thất bại vì chưa có kinh nghiệm của các “nông dân thành thị”. Chị Nguyễn Huyền (phường An Phú, TP.Thuận An) bộc bạch, ngày đi làm, đêm về chị mang đèn tích điện ra vườn dọn dẹp, phát cỏ, bê từng tảng bê tông. Là dân kế toán, chỉ quen với con số, không có kinh nghiệm gì về làm vườn nên chị đã nhiều lần nếm mùi thất bại. Không nản chí, chị vào hội nhóm học hỏi kinh nghiệm từ việc cải tạo đất đến tự làm phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, men vi sinh… Chưa đầy một năm, màu xanh đã phủ khắp mảnh vườn của chị; đủ rau xanh cho bữa ăn hàng ngày của gia đình gồm 4 người.


Các thành viên trong hội, nhóm trồng rau thường xuyên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau  

Cùng đam mê trồng rau, anh chị em trong các hội, nhóm trồng rau sạch sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để cùng thành công. Chị Khánh An chia sẻ ban đầu chị trồng rau dưới đất, nhưng cứ mưa là ngập nên chị nản. Mùa dịch bệnh Covid-19 vừa qua, ở nhà rảnh rỗi chị lại bưng đất lên sân thượng. Do sân thượng có mái tôn nên chị không trồng được nhiều. Rồi chị vào hội, nhóm trồng rau để học kinh nghiệm. Các chị em đến thăm, góp ý, thế là chị quyết định cắt mái tôn cho rau đón nắng, cũng là để mở rộng vườn, có thêm nguồn rau sạch, an toàn cho cả gia đình.

Tình yêu với rau sạch đã giúp những người có cùng sở thích trồng rau từ chỗ xa lạ thành thân quen. Với chị Lê Thị Ngọc Nga, ở TP.Dĩ An, cũng nhờ tham gia các hội, nhóm trồng rau, chị đã học được cách ủ các loại phân hữu cơ và các loại dung dịch phòng trừ sâu bệnh từ thiên nhiên như tỏi ớt, bồ hòn, vỏ dứa. “Khi đã thành công với các loại rau, tôi mạnh dạn trồng thêm các loại cây ăn trái như sung, ổi, cóc, táo, dưa lưới, bầu, bí, cà chua... Kinh nghiệm xử lý đất tôi cũng học hỏi từ hội nhóm nhưng cũng tùy vào từng loại đất rồi tôi suy nghĩ tìm cách xử lý sao cho ổn hơn. Ví dụ đất sau trồng dưa, cà, bầu, bí thì tôi sẽ lấy sạch rễ cây ra rồi trộn thêm các loại phân hữu cơ như trùn quế hoặc phân bò, gà đã ủ hoai rồi trồng các loại rau cải. Sau khi các loại rau lớn, thu hoạch xong lại xử lý lại đất để trồng dưa, cà, bầu, bí ...”, chị Nga chia sẻ. Giờ đây, chị Nga đủ tự tin và sẵn sàng đi “bắt bệnh” cho cây khi chị em trong nhóm cần sự trợ giúp.

Giờ đây, vườn rau của chị Kim Loan, chị Khánh An, chị Ngọc Nga đã trở thành địa điểm lý tưởng để anh chị em trong các hội, nhóm trồng rau đến tham quan và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng rau sạch thay vì chỉ qua mạng. Hiện có khá nhiều vườn rau trồng trên sân thượng, mái tôn không chỉ đáp ứng bữa ăn cho gia đình, mà còn là nơi để anh chị em thường xuyên gặp mặt, có không gian thư giãn cho các thành viên trong gia đình. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, các thành viên trong hội, nhóm trồng rau sạch còn tặng nhau rau giống, hạt giống. Mỗi lần ươm giống, các anh chị gieo thật nhiều để tặng bạn bè. Có những người dù là lần đầu tiên gặp nhau, nhưng khi ra về vẫn được tặng cây con giống, kể cả rau sạch. Các “mầm xanh” cứ thế gieo vào lòng người để cùng lan tỏa niềm đam mê.

“Để giảm chi phí trồng rau, các anh chị vào YouTube, các hội nhóm trồng rau sạch học cách ủ phân bón từ vỏ rau củ quả, cá, cách làm dịch phân bón chuối trứng sữa… Khi một người thành công, lại chia sẻ kinh nghiệm cho những người khác. Nhờ cách làm này, các anh chị đã giảm đáng kể chi phí phân bón, đồng thời bảo đảm rau thật sự an toàn vì hoàn toàn không sử dụng thuốc hóa học”.

(Chị Lê Thị Kim Loan, phường Dĩ An, TP.Dĩ An)

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên