Lan tỏa tinh thần học tập trong gia đình và cộng đồng

Cập nhật: 30-09-2024 | 13:02:08

Qua 5 năm (2019-2024) thực hiện Kết luận 49- KL/TW ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13- 4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, phong trào học tập trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa trong cộng đồng với nhiều kết quả đáng mừng.


Phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập góp phần tạo môi trường học tập rộng khắp

Lan tỏa tinh thần hiếu học

Những năm qua, phong trào khuyến học khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập luôn được cấp ủy, chính quyền xã Bạch Đằng (TP.Tân Uyên) quan tâm thực hiện, thu hút người dân tham gia. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn xã ngày càng đạt được những kết quả tích cực, tạo được sức lan tỏa. Cụ thể, cuối năm 2023 xã Bạch Đằng bình xét có 1.618/1.672 hộ gia đình đạt gia đình học tập; 5 đơn vị đạt đơn vị học tập; 6/6 ấp đạt cộng đồng học tập. Đầu năm 2024, Hội khuyến học xã đã tổ chức đăng ký các danh hiệu học tập với 100% gia đình đăng ký gia đình học tập; công dân học tập có 220 người đăng ký; 6/6 ấp tham gia đăng ký cộng đồng học tập…

Trong khi đó tại huyện Dầu Tiếng phong trào KHKT cũng ngày càng lan tỏa và xuất hiện nhiều gương điển hình, trong đó có thể kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Ghết ở xã Thanh Tuyền. Vợ chồng ông Ghết quanh năm gắn bó với nghề nông nhưng đã vượt qua khó khăn nuôi dạy các con ăn học và có việc làm ổn định. Theo ông Nguyễn Văn Ghết, mặc dù cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông đã chủ động học hỏi để phát triển kinh tế gia đình, lo cho con ăn học. “Niềm vui lớn nhất của tôi hiện tại là cuộc sống gia đình đã ổn định, con cái học hành đàng hoàng, có công việc ổn định. Với tôi học tập đóng vai trò quan trọng. Việc học tập không chỉ ở trường mà cả trong cuộc sống hàng ngày, không kể tuổi tác. Hiện tại tôi cũng tích cực học tập để hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Tôi muốn lan truyền tinh thần này tới con cái trong gia đình và mọi người xung quanh”, ông Ghết chia sẻ thêm.

TOÀN TỈNH HIỆN CÓ 91/91 XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN CÓ HỘI KHUYẾN HỌC; HƠN 5.000 CHI HỘI, TỔ HỘI, PHÂN HỘI VÀ BAN KHUYẾN HỌC VỚI HƠN 409.000 HỘI VIÊN…

Thời gian qua, các đơn vị, ban ngành và các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều cách làm nhằm thực hiện chương trình xây dựng xã hội học tập thông qua các mô hình, như: “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”… Song song đó, các sở, ngành và đơn vị liên quan xây dựng và triển khai nhiều mô hình nhằm thực hiện chương trình xây dựng xã hội học tập như mô hình “Thư viện xanh” trong trường học; Ngày hội sách hè… Ngoài ra, các hình thức học tập qua internet, qua sách báo cũng đang phát triển, thu hút nhiều người tham gia học tập, nâng cao kiến thức.

Nhiều kết quả nổi bật

Qua 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW và các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai nghiêm túc và đã đạt kết quả quan trọng, nhất là mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng các mô hình học tập. Từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội trong việc phát huy vai trò công tác KHKT, nâng cao hiệu quả việc xây dựng xã hội học tập, chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Để phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập ngày càng đi vào chiều sâu, Hội Khuyến học đã ký kết với các sở ngành nhằm tăng cường tuyên truyền về các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030. Cùng với tuyên truyền, vận động, các cấp Hội Khuyến học trong toàn tỉnh cũng chủ động phối hợp bình xét, đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” gắn với bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” và thực hiện cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó, góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở đã kiện toàn và phát triển các tổ chức hội, nhất là các chi hội và ban khuyến học trong các trường học, cơ quan đơn vị. Song song đó, Hội Khuyến học tỉnh còn phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân ủng hộ Quỹ KHKT và thực hiện “Tiếp sức đến trường” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh có 98,94% gia đình học tập; 100% cộng đồng học tập cấp cơ sở; 100% đơn vị đạt đơn vị học tập…

Ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết để đưa phong trào KHKT, xây dựng xã hội học tập tiếp tục có bước phát triển vượt bậc, thời gian tới, Bình Dương tập trung xây dựng mô hình gia đình, cộng đồng và đơn vị học tập một cách hiệu quả, thực chất; gắn việc xây dựng các mô hình học tập đã được triển khai giai đoạn trước với việc thực hiện các nhiệm vụ của đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 đạt chuẩn xóa mù chữ cấp tỉnh ở mức độ 2; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin và kỹ năng sống; 70% các trường đại học trên địa bàn tỉnh triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động học tập…

HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=133
Quay lên trên
X