Lan tỏa ý thức xanh từ những điều đơn giản
Tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, ngôi nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Thu Hà, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chánh Hưng, như một xưởng thủ công nhỏ đầy màu sắc. Với đôi bàn tay khéo léo, cô Hà đã biến những tấm phông bạt, băng rôn cũ thành những chiếc túi độc đáo, trở thành điểm nhấn đặc biệt đối với người dân nơi đây. Không chỉ là một tấm gương về phân loại rác ở địa phương, cô Hà còn là người sáng tạo, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường khi tận dụng tài nguyên đã qua sử dụng để tạo ra các sản phẩm hữu ích cho xã hội.
Sáng tạo từ những điều giản dị
Chúng tôi đến nhà cô Nguyễn Thị Thu Hà là lúc cô đang miệt mài bên chiếc máy khâu truyền thống. Dưới bàn tay khéo léo, những tấm phông bạt, băng rôn đã được cô tái chế thành những chiếc túi xách độc đáo với đủ loại kích thước và mẫu mã. Mỗi đường kim mũi chỉ đều đặn, tỉ mỉ như một câu chuyện được kể. Xung quanh bàn máy khâu của cô là những tấm phông bạt đủ màu sắc, những chiếc kéo sáng bóng và cả những chiếc túi đã hoàn thành được sắp xếp ngay ngắn. Những ngón tay đã chai sạn bởi hàng giờ miết những tấm bạt cứng, nhưng trên khuôn mặt của cô vẫn luôn hiện hữu nụ cười thân thiện.
“Trước đây, tôi thường sử dụng những chai nhựa, túi ni lông tái chế thành bình bông, làm ra những bông hoa hồng với mục đích là tuyên truyền đến hội viên phụ nữ ở ấp Chánh Hưng về công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Trong quá trình làm, tôi nảy sinh ý nghĩ mình nên làm những vật dụng thiết thực cho chị em phụ nữ, nên đã tận dụng những tấm phông bạt, băng rôn để may thành các túi xách đơn giản tặng cho chị em nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10). Đơn giản vậy thôi nhưng chị em rất thích. Mỗi chiếc túi, hộp bút được may bằng tài nguyên tái chế không chỉ giúp tiết kiệm nguyên liệu mà còn nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tái chế”, cô Hà chia sẻ.
Từ ý tưởng này, cô Hà đã kiến nghị với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hiếu Liêm tìm giúp những tấm băng rôn lớn hơn, có nhiều họa tiết để cô may thành những chiếc túi, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng. Nhờ sự chung tay của Hội LHPN xã, nguồn nguyên liệu cho những chiếc túi độc đáo của cô Hà ngày càng phong phú. Trong căn nhà nhỏ của mình, cô cần mẫn tự cân đối giữa việc nhà và những giờ khâu vá. Cô bỏ ra một khoản tiền thu nhập của mình để mua chỉ, dây kéo khóa và các nguyên vật liệu cần thiết. Những tấm bạt được cô tận dụng hết, tấm to thì may túi lớn, tấm nhỏ may túi nhỏ hay hộp bút xinh xắn.
Đối với nhiều hội viên phụ nữ ở ấp Chánh Hưng, cô Hà không chỉ là người bạn đồng hành mà còn là động lực để họ thực hiện những hành động nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn trong việc BVMT sống. “Chúng tôi tự hào khi trong hội có một người như chị Hà. Chị không chỉ làm đẹp cho cuộc sống mà còn vun đắp ý thức trách nhiệm với môi trường cho tất cả mọi người”, chị Hoàng Thị Sim, hội viên phụ nữ ấp Chánh Hưng bày tỏ.
Lan tỏa ý thức cộng đồng
Cô Hà đã nhiều lần chứng kiến cảnh rác thải bị vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp, cô thường xuyên vận động chị em phụ nữ và người dân trong ấp Chánh Hưng cùng tham gia phân loại rác tại nguồn. Cô Hà không chỉ giới thiệu lợi ích của việc phân loại rác mà còn kêu gọi mỗi người cùng chung tay góp phần BVMT. Đặc biệt, khi mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu gây quỹ tình thương được triển khai tại xã đã tạo điều kiện thuận lợi để hội viên phụ nữ và người dân mang phế liệu đến bỏ vào. Mỗi người mang phế liệu đến “Ngôi nhà xanh” sẽ được nhận những món quà ý nghĩa như cặp tài liệu, hộp bút hay những túi đựng đồ được cô Hà tự tay may từ những tấm bạt cũ.
Chị Lê Thị Hồng Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên: “Hành động của cô Nguyễn Thị Thu Hà không chỉ góp phần BVMT mà còn lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng. Từ sự đóng góp của cô Hà, cho thấy mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp một phần để làm cho cuộc sống xung quanh trở nên tốt đẹp hơn. Những việc làm của cô Hà không chỉ là niềm tự hào của ấp Chánh Hưng mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những ai mong muốn xây dựng một tương lai xanh, sạch”. |
Những sản phẩm cô Hà làm ra không chỉ thu hút chị em trong Chi hội Phụ nữ ấp mà còn được nhiều người dân khác yêu thích. Mỗi chiếc túi đều chứa đựng tâm huyết và tình cảm của cô, như một lời cảm ơn chân thành đến những người đã đồng hành cùng cô trong công cuộc BVMT. “Mỗi lần có phế liệu, tôi lại mang đến “Ngôi nhà xanh” và được chị Hà tặng 1 chiếc túi đi chợ. Cái túi này dùng bền mà đẹp, lại góp phần BVMT”, bà Đoàn Hữu Duyên, người dân ở tổ 3, ấp Chánh Hưng chia sẻ.
Cô Hà tâm tình: “Chi hội Phụ nữ ấp Chánh Hưng có 80 hội viên. Việc tặng món quà nhỏ cũng là một cách động viên, khích lệ tinh thần chị em phụ nữ cũng như người dân trên địa bàn ấp phân loại rác và đem đến “Ngôi nhà xanh”. Số tiền thu được từ bán phế liệu chi hội dùng để hỗ trợ những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết”.
Chị Lê Thị Hồng Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã Hiếu Liêm, cho biết từ đề xuất sáng tạo, thiết thực của cô Nguyễn Thị Thu Hà, những tấm phông bạt để trang trí tại các hội nghị, sự kiện sau đó được chị em phụ nữ gom lại gửi đến cô Hà. Thay vì bị vứt bỏ và gây ô nhiễm môi trường, những tấm phông bạt cũ được tái chế thành những sản phẩm hữu ích, giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa. Mỗi sự kiện là một dịp để những tấm phông bạt cũ được “tái sinh” qua đôi bàn tay tài hoa của cô. Cô Hà làm ra sản phẩm chủ yếu phục vụ công tác của Hội LHPN xã. Để hoàn thành tác phẩm, ngoài công sức bỏ ra cô Hà còn tự bỏ tiền để mua các nguyên vật liệu, phụ kiện cho sản phẩm. Đó là việc làm đáng trân quý.
Theo Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; trong đó UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội (trong đó có Hội LHPN) giữ vai trò then chốt. Kế hoạch cũng nêu rõ cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia vào công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, qua đó từng bước hình thành thói quen và tự giác phân loại rác tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. |
TIẾN HẠNH