Về Làng 10 (nay là ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng) hôm nay, chúng ta không chỉ tự hào là vùng đồn điền cao su năm xưa, nơi chôn cất thi thể hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền mà còn tự hào về tinh thần vượt khó, quyết tâm xây dựng kinh tế ngày càng phát triển của tập thể ban lãnh đạo và nhân dân ấp Đồng Trai.
Đường vào Làng 10 (nay là ấp Đồng Trai, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng) khang trang, sạch đẹp
Trước năm 1975, ấp Đồng Trai là làng đồn điền cao su xã Định Hiệp. Người công nhân sống trong đồn điền bị đối xử như nô lệ, bị đầu độc cả thể xác lẫn tinh thần nhưng với tinh thần yêu nước, giải phóng, những công nhân cao su kiên cường vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ấp Đồng Trai bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trong năm 2015, Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh có quyết định tìm kiếm hài cốt hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Bộ Tư lệnh Miền thì người dân trong ấp vô cùng phấn khởi. Các hộ gia đình có phần đất được nghi là có liên quan đến mộ liệt sĩ như: Hộ bà Đào Thị Bé, Bùi Thị Thúy, Nguyễn Thị Thu và hộ ông Thân Văn Trọng sẵn sàng hỗtrợ công sức tài sản để phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Hầu hết các thân nhân liệt sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 từ các tỉnh miền ngoài nên được ban lãnh đạo ấp quan tâm, chăm lo chu toàn.
Bà Quách Thị Hù, quê Cà Mau có chồng là liệt sĩ Lê Thắng Lợi, hy sinh năm 1965 tại Làng 10 cho biết: “Gần 40 năm qua gia đình luôn đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Lê Thắng Lợi nhưng đều thất bại. Tôi thật xúc động đến rơi nước mắt khi được tin các cơ quan, ban ngành đã tìm thấy hài cốt hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, trong đó có liệt sĩ Lê Thắng Lợi. Mỗi lần về thăm mảnh đất anh hùng nơi chồng đã hy sinh, tôi cảm nhận sự đổi thay từng ngày đang diễn ra. Đường sá khang trang sạch đẹp, đời sống người công nhân cao su ngày càng khấm khá, không chỉ đủ ăn, họ còn có của để dành”.
Ông Nguyễn Bá Quế, Trưởng ban điều hành ấp Đồng Trai cho biết: “Từ một ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân chủ yếu là công nhân cao su, hiện nay trong ấp chỉ còn 2 hộ nghèo trong tổng số 318 hộ. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 30 triệu đồng/ người/năm, thanh niên trong độ tuổi lao động đều có việc làm ổn định. Hiện ấp còn 2 mẹ VNAH còn sống và 26 hộ gia đình chính sách được Đảng, Nhà nước, xã, ấp đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống ổn định”.
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhằm nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt đời sống hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng, Ban lãnh đạo ấp đã chủ động tổ chức phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, hỗtrợ vốn, cây trồng, con giống và tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Phát huy hơn nữa thành tích đã đạt được, xứng danh là vùng đất anh hùng, chính quyền và nhân dân xã ấp Đồng Trai tiếp tục chung tay góp sức, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
KIM HÀ