Sáng qua (4-10), ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND đã chủ trì hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư trong nước năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp ngày 4-10. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Vướng mắc cần tháo gỡ
Tại hội nghị, ông Lai Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đến thời điểm này, nguồn lao động tại các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã ổn định, không còn tình trạng khan hiếm lao động như những năm trước. Nhiều DN đã có đơn hàng đến hết năm, một số ngành như dệt may đã có đơn hàng đến hết quý I-2025. Sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước tăng 15-20% so với năm 2023. Tuy nhiên, các DN cũng đang đối mặt với không ít khó khăn từ thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, các thách thức của DN hiện nay đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, các yêu cầu khắt khe về phát thải carbon thấp nhằm đạt mục tiêu “Net Zero” trong chuỗi cung ứng... Những yếu tố này đã làm tăng chi phí sản xuất và giảm lợi nhuận của các DN. Bên cạnh đó, thời gian đặt hàng từ phía khách hàng cũng ngắn hơn, buộc các DN phải tăng ca để bảo đảm tiến độ, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Tình trạng tồn kho hàng hóa cũng là một vấn đề đáng lo ngại, khiến nhiều DN bị đóng băng dòng tiền và không đủ khả năng thanh toán các khoản vay đến hạn.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là tiếp cận vốn vay khi doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023 giảm so với năm 2022, hạn mức tín dụng cũng bị giảm do tài sản bảo đảm là bất động sản giảm giá trị. Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ và gia hạn thời gian thanh toán các khoản vay để DN có thêm thời gian xoay xở và duy trì hoạt động.
Đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị
Trong khi đó, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, đề xuất các chính sách giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn và hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Theo bà, hiện nay hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu tài sản bảo đảm và không chấp nhận cho vay tín chấp theo dự án hoặc hợp đồng xuất khẩu. Điều này đã gây khó khăn cho nhiều DN trong việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Các DN cho rằng quy định về môi trường và phòng cháy chữa cháy rất nghiêm ngặt và khắt khe, DN cần nhiều chi phíđể đầu tư phù hợp với quy định để tiếp tục hoạt động; kiến nghị các sở, ngành có chính sách gia hạn hoặc có phương án hỗ trợ cho các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp…
Hướng dẫn thực hiện đúng quy định
Theo Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, từ năm 2020 đến nay Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính pháp lý và thực tiễn về công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính liên quan công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, thành phần nộp hồ sơ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC cũng được điều chỉnh nhằm tạo điều kiện giải quyết thủ tục hành chính…
Nhiều ngành hàng đang cần được hỗ trợ vốn, lãi suất để phát triển sản xuất. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương
Trung tá Nguyễn Văn Tùng cho biết Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã chủ động tham mưu Giám đốc Công an tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN trong công tác PCCC, hướng dẫn các cơ sở còn vướng mắc trong thực hiện các quy định về PCCC, trao đổi các giải pháp, phương án thực hiện để chủ đầu tư lựa chọn, thực hiện khắc phục các nội dung bảo đảm an toàn về PCCC theo quy định… Tuy vậy, có những chủ đầu tư chưa thể hiện hết trách nhiệm theo quy định, kết quả thi công công trình không bảo đảm theo hồ sơ đã được thẩm duyệt, hồ sơ pháp lý không bảo đảm.
Về phương diện tiếp cận vốn, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, cho biết thực tế hiện nay mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm 0,15%-0,25%/năm so với cuối năm 2023. Ngân hàng Nhà nước thực hiện hài hòa giữa 2 mục tiêu hỗ trợ DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, đồng lòng chung sức, quyết tâm vượt khó cùng DN, người dân nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và cho từng tổ chức tín dụng. Để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, bản thân DN cần cơ cấu lại hoạt động của mình, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cho vay tín dụng.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đề nghị các sở, ngành thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn DN thực hiện các quy định pháp luật; triển khai các quy hoạch, hỗ trợ hiệp hội ngành hàng tiếp cận nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh... Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, trên tinh thần không đánh đổi môi trường, an toàn để lấy kinh tế, song tỉnh cũng hết sức tạo điều kiện để DN làm đúng các quy định pháp luật, bảo đảm phát triển sản xuất kinh doanh. Để thực hiện được như vậy, các ngành cần có hướng dẫn thường xuyên, gắn kết với DN; các sở, ngành, địa phương giải quyết theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc của DN, báo cáo lãnh đạo tỉnh ngay những khó khăn, cùng nhau tháo gỡ, hướng dẫn cho DN; đề nghị các DN hợp tác, thực hiện đúng quy định với các cơ quan quản lý nhà nước. |
TIỂU MY