Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp: Điểm đến cho du khách

Cập nhật: 01-08-2014 | 00:00:00
Trong hành trang của mình, lưu dân người Việt mang theo hơi thở của nền văn minh sông Hồng, văn hóa gốc của những người Việt cổ. Chính vì thế, các ngành nghề thủ công truyền thống được đem đến vùng đất mới để mưu sinh. Những ngành nghề này được người dân đất Thủ duy trì và phát triển cho đến bây giờ. Hiện tại, Bình Dương có 4 nghề truyền thống: Vẽ tranh trên kiếng, sơn mài, gốm sứ và điêu khắc gỗ.

 Từ rất lâu đời, ông bà ta đã biết sơn son thếp vàng, những tác phẩm mang tính nghệ thuật trang trọng trang trí và tạo vẻ lộng lẫy trong chốn cung đình. Theo tư liệu lịch sử (Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức), nghề làm tranh sơn mài do cư dân miền Bắc và miền Trung mang vào khoảng cuối thế kỷ XVII.

   Đường vào làng sơn mài Tương Bình Hiệp Ảnh: NGUYỄN THỊ LAN

Tương truyền, những cư dân xa xứ tuy đến vùng đất mới nhưng vẫn luôn nhớ về quê hương bản xứ. Những bức tranh cây đa, giếng nước, sân đình… được tái hiện lại qua những đường nét vẽ điêu luyện để đỡ nhớ quê nhà.

Cách trung tâm TP.Thủ Dầu Một chừng 7km về phía bắc, Tương Bình Hiệp là tên một làng nghề làm sơn mài truyền thống đã được kế tục và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước về chất lượng và sự tinh xảo, nhẹ nhàng mang đậm phong cách Á Đông.

Tương Bình Hiệp là một làng nhỏ làm tranh cổ của huyện Bình An cũng là nơi tiếp nhận những cư dân có nghề làm tranh từ miền Bắc và miền Trung vào lập nghiệp. Sự kết hợp ấy tạo cho làng này trở thành “trung tâm tranh sơn mài”. Người dân đất Thủ sớm nhận ra lợi thế của vùng đất này để dựng làng nghề thủ công đặc sắc. Đó là nguồn nguyên liệu quý và dường như vô tận cho nghề làm tranh sơn mài (gỗ các loại). Người dân vẫn quen gọi là “làng sơn mài Tương Bình Hiệp”.

Sau thời gian khai khẩn, lập nghiệp trên vùng đất mới, họ đã tạo ra những bức tranh sơn mài đầu tiên bằng cách quét sơn lên gỗ làm nền để vẽ tranh phong cảnh, điển tích, lịch sử… dần dần những bức tranh này đã chinh phục được sự cảm thụ mỹ thuật của cư dân lục tỉnh Nam kỳ.

Thập niên 1980-1990 là thời kỳ vàng son của làng sơn mài Tương Bình Hiệp với việc thành lập hợp tác xã sơn mài với trên 160 xã viên, có 744 hộ có nguồn thu nhập chính từ sản xuất sơn mài, trên 120 hộ tham gia và thu hút hơn 1.500 lao động từ nơi khác đến làm và học nghề sơn mài…

Có thể nói, đặc trưng nghệ thuật qua các thời kỳ ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp tiêu biểu cho thời kỳ đầu có hai họa sĩ Thái Văn Ngôn và Ngô Từ Sâm, đại diện cho phong cách cổ truyền với cách vẽ truyền chân, tả thực và kỹ thuật pha chế sơn đặc sắc nhờ được theo học nghề từ nhỏ cho nên có kỹ thuật pha chế sơn ít ai bì kịp.

Các thế hệ kế tiếp tiêu biểu có nghệ nhân Trần Văn Khiêm (Tám Khiêm), sinh năm 1932. Ông là người đầu tiên sản xuất ra các loại bình sole cỡ lớn, cao trên 2m, dĩa sole có đường kính trên 1m. Dù có kích thước lớn nhưng những sản phẩm từ cốt này vừa nhẹ vừa bền chắc nên dễ dàng trong việc vận chuyển đi xa vì thế giảm rất nhiều thời gian, chi phí, công đoạn thể hiện. Giá trị nghệ thuật nâng lên một bước dài trong việc tạo dáng sản phẩm.    Một góc trưng bày bán sản phẩm của cửa hàng Sáu Trí. Ảnh: NGUYỄN THỊ LAN

Trong quá trình tìm tòi cách làm sơn mài, Trần Văn Khiêm đã nghiên cứu sáng tạo và thành công trong việc lấy chất liệu vải thay thế cho gỗ làm nền cốt cho sơn mài, là một bước đột phá vang dội góp phần làm phong phú thêm cho bộ sưu tập nghệ thuật sơn mài truyền thống Bình Dương. Đây là một ghi nhận đáng tự hào cho nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp.

Về kỹ thuật của bức tranh sơn mài đủ tiêu chuẩn, người sản xuất phải trải qua 25 công đoạn. Về mặt nghệ thuật, khâu tạo dáng và chọn mô típ cũng như tạo hình các loại sản phẩm đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng trong và ngoài nước. Đó chính là yêu cầu sống còn của nghề thủ công truyền thống.

Từ sau năm 1975, ngành sơn mài Bình Dương phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sơn mài Thành Lễ, sơn mài Đồng Tâm và hàng trăm cơ sở sản xuất sơn mài khác đã tạo ra những sản phẩm phong phú kiểu dáng, tinh tế trên những họa tiết hoa văn. Có nhiều loại tranh sơn mài như sơn mài vẽ lộng, sơn mài vẽ chìm, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn xà cừ, sơn mài cẩn vỏ trứng…

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp từ khi hình thành và phát triển luôn là nơi sản xuất tiêu biểu quy mô lớn đạt nhiều thành tựu về mặt kinh tế, mỹ thuật. Nhiều sản phẩm sơn mài được tặng thưởng huy chương trong Hội chợ triển lãm kinh tế kỹ thuật Giảng Võ (Hà Nội) năm 1985 và 1986, sơn mài Thủ Dầu Một đã đạt 9 huy chương, trong đó có 7 huy chương vàng là sản phẩm sơn mài của Tương Bình Hiệp, đã xuất khẩu sang thị trường quốc tế và được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như Đức, Pháp, Canada, Đài Loan, Nhật Bản...

Qua nhiều thế hệ đến làng Tương Bình Hiệp định cư và truyền nghề sơn, ông tổ nghề ở đây không ai rõ nhưng người làm nghề chọn ngày 13-6 và ngày 20-12 (âm lịch) trong năm để cúng tổ và cùng tưởng nhớ đến những bậc cha ông, các thế hệ trước có công tạo dựng và truyền nghề cho các thế hệ trẻ như hôm nay.

Ngày nay, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có thể trở thành một điểm đến cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Bình Dương. Ngoài ra, điều này cũng góp phần khắc phục những khó khăn như thiếu lao động trẻ, nguyên vật liệu tăng, sản phẩm đầu ra thất thường… mà làng nghề này đang gặp phải. Từ đó, có thể phát huy giá trị của làng nghề và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Bình Dương trong bối cảnh tỉnh đang có những nỗ lực quảng bá, khai thác tiềm năng và lợi thế cũng như việc xây dựng thương hiệu du lịch riêng.

Để làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp trở thành một điểm đến của du khách thì phải đưa địa điểm này vào trong những điểm đến của các tuyến du lịch trong tỉnh, quảng bá rộng rãi với các công ty du lịch về giá trị của làng nghề, thiết kế được những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu vực phường Tương Bình Hiệp…

Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được mô hình tham quan cho du khách mỗi khi đến làng nghề Tương Bình Hiệp. Mô hình này phải cho khách thấy được các công đoạn sản xuất, thấy nghệ nhân đang thực hiện trên tác phẩm, có cửa hàng trưng bày tất cả các sản phẩm thật đẹp mắt, có người hướng dẫn am hiểu… Có thể tham khảo thêm mô hình của XQ sử quán ở thành phố Đà Lạt hoặc Minh Long ở Bình Dương.

Việc đưa làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đến với du lịch, nhất là bạn bè quốc tế, thì cần phải được quan tâm và đầu tư hơn nữa với sự tham gia của chính quyền, các công ty du lịch, các nhà khoa học và sự tham gia của cộng đồng. Vì vậy, Bình Dương cần tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm lấy ý kiến của cộng đồng và chuyên gia, học hỏi các mô hình tương tự ở một số nước, tìm cách quảng bá hợp lý... để phát huy giá trị của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hơn nữa.

 HIỀN LAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2010
Quay lên trên