Lắng nghe “sức khỏe tinh thần” của trẻ vị thành niên…

Cập nhật: 16-02-2023 | 06:31:19

Lắng nghe và quan tâm đến sức khỏe tinh thần của con, thậm chí cần tư vấn kịp thời nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường… là ý kiến mà chúng tôi nhận được sau bài viết liên quan vụ bé gái nhiều lần tự tử ở cầu Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên).


Công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho các bạn trẻ được quan tâm đúng mức, kịp thời sẽ hạn chế được các vụ việc đáng tiếc liên quan đến “sức khỏe tinh thần”

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng một số bạn trẻ, nhất là các bạn ở tuổi vị thành niên cảm thấy mất phương hướng, tiêu cực hơn là có bạn tự tìm đến cái chết, Trần Tuấn Kiệt, một lao động tự do vừa bước qua tuổi vị thành niên cho biết: “Khoảng cách thế hệ chính là nguyên nhân dẫn đến sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Không thể ép con trẻ sống và suy nghĩ theo hướng tư duy của những thế hệ trước. Chúng ta thấy có nhiều bài viết chỉ ra những lỗi sai của người trẻ, hướng dẫn cách giáo dục con cái, noi gương những người đi trước… nhưng hiếm thấy những bài viết nói về sự cổ hủ, lạc hậu và bảo thủ của không ít những bậc phụ huynh. Điều này rất dễ gây áp lực nặng nề, ảnh hưởng đến tâm lý của con cái. Nếu tâm lý trẻ không vững thì việc hình thành những suy nghĩ tiêu cực chỉ là việc sớm hay muộn”.

Theo các chuyên gia tư vấn sức khỏe tinh thần, các bệnh nhân trầm cảm ở tuổi vị thành niên có biểu hiện điển hình như: Giảm tập trung chú ý, giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khí sắc trầm, mất mọi quan tâm hay hứng thú cũ; giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động kéo dài ít nhất 2 tuần. Những người bị trầm cảm thường đi kèm thêm các biểu hiện như buồn, chán hầu như cả ngày. Các em cảm giác tự ti, nhìn tương lai ảm đạm và bi quan; có ý tưởng, hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát, suy nghĩ về cái chết hoặc các hành vi tự sát… rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon hoặc ăn nhiều.

Một số yếu tố nguy cơ của trầm cảm bao gồm gia đình có người mắc các rối loạn cảm xúc, có 1 đợt trầm cảm trước đó, thất bại trong học tập, xung đột trong gia đình, quan hệ bạn bè hoặc đi kèm các rối loạn tâm thần như rối loạn hành vi, rối loạn lo âu… Bên cạnh đó, tình trạng bị bắt nạt và dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội cũng có thể liên quan đến trầm cảm. Cha mẹ cần quan sát con mình để nhận biết tình hình sức khỏe của con mà giúp đỡ con kịp thời.

Bạn Kiệt chia sẻ thêm, cụm từ “Con nhà người ta” đã đang và sẽ ảnh hưởng đến học sinh nói riêng và giới trẻ nói chung. Nếu ba mẹ không lắng nghe con, cứ áp đặt, không chăm sóc con cái đúng mực thì việc nuôi dạy con sẽ không tốt. Các bậc cha mẹ cần phải nhìn ra để thấu hiểu, không thể ép con cái “chiều” theo sự bảo thủ của mình. Ở trường nếu bị bạn bè xấu tác động, thầy cô nặng nề về chuyện học hành đối với con cái đã là gánh nặng tâm lý lớn, nhưng gia đình mới là điểm mấu chốt. Cố gắng hiểu đúng về những việc con muốn làm, những suy nghĩ của con, là chỗ dựa thật sự mỗi khi con cần, thì rất khó để những hành động dại dột có thể xảy ra, bạn Kiệt chia sẻ.

Qua trao đổi với P.V, một số bạn trẻ cho rằng chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ vị thành niên đòi hỏi nỗ lực quan tâm và góp sức từ phụ huynh, nhà trường và chính các con. Cùng với sự nâng cao nhận thức của xã hội, hiện nhiều trường học cũng đã triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh, sinh viên. Cha mẹ và nhà trường đều có trách nhiệm xây dựng môi trường giảm thiểu áp lực tâm lý cho học sinh, khuyến khích nhận thức đúng về sức khỏe tinh thần và tìm kiếm hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý khi cần thiết.

Tuy nhiên, tùy theo tính cách, không phải trẻ nào cũng thích trò chuyện hay sẵn sàng chia sẻ mọi suy nghĩ, tình cảm. Khi đó, phụ huynh cần chủ động quan tâm, không nên có những trao đổi mang tính gượng ép mà nên cân nhắc thái độ và cảm xúc của con trước khi tiếp cận. Một trong những lời khuyên mà chuyên gia đưa ra là hãy thể hiện luôn sẵn sàng dành thời gian cho con. Phụ huynh có thể chủ động gợi ý con hãy nhắn cho cha mẹ khi gặp vấn đề hoặc gặp khó khăn và cảm thấy không thể đương đầu được nữa.

Với nhiều học sinh, sự lắng nghe từ cha mẹ chính là lời động viên giúp con cảm thấy mình được đón nhận và tôn trọng. Phụ huynh có thể nắm được chuyện xảy ra với con, hiểu về quan điểm và góc nhìn của con. Nhưng trước hết, cha mẹ cần lắng nghe với một tâm trí thoải mái, cởi mở và không định kiến.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho trẻ vị thành niên, những năm qua, ngành y tế, giáo dục - đào tạo tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức nhiều buổi nói chuyện, khám bệnh cho tuổi trẻ học đường. Theo số liệu từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, trong năm qua, đơn vị này đã phối hợp chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vịthành niên, thanh niên với 100 học viên tuyến cơ sở để họ là những tư vấn viên, tuyên truyền viên khi cần thiết. Trung tâm cũng đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nói chuyện chuyên đề về dự phòng và kiểm soát sức khỏe sinh sản cho học sinh các trường THCS, THPT tại 9/9 huyện, thị, thành phố thực hiện 92 buổi; tuyên truyền trên đài phát thanh của 91 xã, phường, thị trấn với thời lượng 2 lần/tháng/xã.

Về công tác đào tạo, tập huấn tư vấn tâm lý cho trẻ, bác sĩ CKII Dương Thanh Hiền, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh, cho biết thêm, trung tâm cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vịthành niên, thanh niên cho hàng trăm cán bộ y tế. Các chuyên gia tư vấn cũng đến nói chuyện chuyên đề này tại một số trường THCS, THPT nhằm nâng cao kiến thức để các bạn tự bảo vệ mình và mọi người xung quanh.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=413
Quay lên trên