Làng nghề thưa tiếng đục!

Thứ năm, ngày 18/10/2012

Phú Thọ một thời vang danh là làng nghề điêu khắc gỗ nổi tiếng của đất Bình Dương. Nhờ nghề này mà một thời người dân Phú Thọ có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Tuy nhiên, hiện làng nghề điêu khắc gỗ Phú Thọ đang thưa dần tiếng đục, vắng bóng khách mua hàng. Người theo nghề không sống nổi với nghề đành chuyển sang làm công ty, xí nghiệp. Để đánh thức làng nghề điêu khắc gỗ, vực dậy cái nghề một thời làm nên thương hiệu đất Thủ, cần lắm sự chung tay, góp sức của nhiều người…

Người bỏ nghề!

Trở lại làng nghề điêu khắc gỗ Phú Thọ (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi không khỏi tiếc nuối cho một làng nghề vốn nổi tiếng từ xưa. Nơi mà trước kia, những ai chỉ một lần đặt chân đến đều không quên âm thanh vui nhộn của tiếng đục, tiếng đẽo gỗ rộn cả xóm làng. Làng nghề điêu khắc gỗ Phú Thọ đang thưa dần tiếng đục sau hơn 200 năm tồn tại, vì người theo nghề đang bỏ nghề, đau lòng lắm chứ!

 Hiếm hoi những người thợ ở làng nghề điêu khắc gỗ Phú Thọ còn theo nghề Ông Trần Văn Rực, 61 tuổi, một nghệ nhân với hơn 40 năm theo nghề chạm gỗ, cho biết: “Giai đoạn từ năm 1990-1996 có thể nói là giai đoạn mà nghề chạm khắc gỗ ở đây phát triển mạnh nhất. Ngày đó, xưởng gỗ do ông quản lý, mức lương bình quân của thợ đã đạt từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, mua được cả cây vàng. Do vậy mà người người theo nghề, nhà nhà theo nghề. Người già, trẻ con cũng tham gia chạm khắc gỗ, ham lắm!”. Cái thời vàng son như ông Rực nói nay đã không còn! Giờ đây, để có thể gặp được một người làm nghề chạm khắc gỗ, chúng tôi phải lặn lội hàng cây số!

Anh Lê Hồng Minh Phụng, một trong những nghệ nhân trẻ với hơn 25 năm theo nghề, chia sẻ: “Nghề chạm khắc thủ công này không còn thu hút được giới thanh niên nữa. Bây giờ, hầu hết thanh niên đều xin vào làm cho các công ty, xí nghiệp với công việc khác. Ai còn theo nghề điêu khắc thì cũng là điêu khắc công nghiệp cho công ty, chủ yếu là công ty nước ngoài”. Tìm hiểu lý do vì sao thanh niên của làng nghề lại không mặn mà với nghề cha ông để lại, ông Nguyễn Duy Riễn, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ, cho biết: “Phần lớn lớp trẻ hôm nay của địa phương đều thiếu tay nghề, được đào tạo ở mức phổ thông, thực hành chưa nhiều nên kỹ thuật không có, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm. Trong khi các sản phẩm truyền thống này rất cần sự tinh xảo. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề của địa phương”.

 Do không sống nổi với nghề, nhiều nghệ nhân đã chuyển đổi từ điêu khắc truyền thống sang sản xuất đồ gia dụng theo hướng công nghiệp Bên cạnh khó khăn về yếu tố nguồn nhân lực khiến cho lớp trẻ bỏ nghề truyền thống, chúng tôi còn được biết số nghệ nhân của làng cũng đã nản lòng quay sang mở xưởng sản xuất đồ gia dụng theo hướng công nghiệp. Sở dĩ có chuyện như vậy là do hầu hết nghệ nhân - những người mở xưởng sản xuất - kinh doanh mặt hàng này gặp khó khăn về nguồn vốn. Thiếu tay nghề kỹ thuật cao, thiếu vốn làm chất lượng sản phẩm ngày càng đi xuống, không đủ sức để cạnh tranh, khiến làng nghề bị mai một dần. Đề cập nguyên nhân làm cho làng nghề mai một, ông Nguyễn Minh Tâm, hội viên Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, nói: “Các sản phẩm điêu khắc gỗ truyền thống khi thể hiện cần có sự uyển chuyển, nhằm toát lên được cái hồn của sản phẩm. Trong khi nhiều người thợ do tay nghề kém, lại chạy theo lợi nhuận nên cứ làm “đập dập” cẩu thả, sản phẩm không còn cái hồn, khiến khách hàng ngày càng quay lưng, nhất là khi thị trường có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Người làm nghề mà không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ theo thị hiếu khách hàng thì sớm muộn cũng mất dần thị trường”.

Cần chung tay thực hiện

Từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2006/ NÐ-CP về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề cũng được phê duyệt từ tháng 10-2011. Tìm hiểu về những biện pháp mà địa phương nơi đây đã đưa ra nhằm vực dậy làng nghề điêu khắc gỗ, chúng tôi được ông Nguyễn Duy Riễn cho biết: “Vấn đề khôi phục và phát triển lại làng nghề điêu khắc đã được chính quyền địa phương đưa vào nghị quyết xây dựng hợp tác xã chạm khắc; mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư trực tiếp, tạo dựng lại các cơ sở sản xuất; vận động những nghệ nhận, nhất là những người có tay nghề kỹ thuật cao, quay lại làm nghề; liên kết với quỹ tín dụng để hỗ trợ vốn cho nghệ nhân, cơ sở sản xuất…”.

 Nghệ nhân Lê Hoàng Minh Phụng đang thực hiện tác phẩm Phật Di Lặc Biện pháp để khôi phục và phát triển làng nghề đã có, được đưa vào nghị quyết của phường cho thấy quyết tâm của chính quyền địa phương là rất cao. Tuy nhiên, cho đến nay, làng nghề điêu khắc gỗ Phú Thọ vẫn chưa có gì thay đổi! Điều đó cho thấy, để có thể đánh thức làng nghề, trước hết đòi hỏi các ngành chức năng phải có sự liên kết chặt chẽ với với nghệ nhân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhà đầu tư và cả thị trường. Đặt ra chương trình, xây dựng chiến lược và phát triển thương hiệu cho sản phẩm có tính khả thi và triển khai thực hiện đồng bộ. Sẽ thật khó để có thể vực dậy làng nghề nếu chỉ đơn phương một phía làng nghề hay chính quyền thực hiện. Nếu không có sự chung tay, góp sức của nhiều ngành, nhiều người thì việc khôi phục và phát triển lại làng nghề điêu khắc sẽ mãi chỉ là nằm trong dự án và tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề cũng vẫn mãi chỉ là tiềm năng!

Khôi phục và phát triển làng nghề điêu khắc Phú Thọ không chỉ giải quyết được việc làm cho lao động địa phương và phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển làng nghề trong bối cảnh hội nhập.  

“Mặc dù Nhà nước đã ban hành các chính sách về vốn tín dụng để phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề theo quy định tại Nghị định 66/2006/NÐ-CP về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và các chính sách có liên quan. Tuy nhiên, tại địa phương hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

(Ông Nguyễn Duy Riễn - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thọ)

PHƯƠNG AN