Làng nghề truyền thống Bình Dương: Định hướng lại thị trường

Cập nhật: 17-11-2016 | 08:44:02

Bình Dương là địa phương có làng nghề đan mây tre, làm gốm, guốc mộc, điêu khắc gỗ, sơn mài… nổi tiếng cả nước. Theo thời gian, thị hiếu của khách thay đổi, các làng nghề truyền thống này đang định hướng lại thị trường để phát triển.


Sản xuất gốm xuất khẩu tại Công ty Phước Dũ Long.
Ảnh: XUÂN VĨ

Chú trọng thị trường trong nước

Đến làng sơn mài Tương Bình Hiệp (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi được nghe những nghệ nhân tâm sự về “thời thế” của sơn mài hiện nay. Thời hoàng kim của sơn mài, vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước đã qua đi, hiện nay làng sơn mài đang ra sức giữ lại cái nôi của nghề có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.

Nghệ nhân Tư Bốn tâm sự mấy năm gần đây sản phẩm sơn mài chủ yếu được bán trong nước. Các thương lái đến Tương Bình Hiệp đặt hàng và cung cấp lại cho các khu du lịch ở Vũng Tàu, Nha Trang, Hội An… Đối với thị trường nước ngoài, thời gian gần đây kinh tế nước Nga gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến nghề sơn mài của Bình Dương, bởi đây là khách hàng “ruột” của sơn mài Tương Bình Hiệp.

Tương tự nghề sơn mài, nghề gốm ở Bình Dương cũng đang bị thu hẹp thị trường. Theo một chủ doanh nghiệp gốm, quy mô làng gốm bị thu hẹp là do các cơ sở trong tỉnh chưa chạy theo kịp thị hiếu tiêu dùng của khách hàng. Tuy số cơ sở gốm giảm sút nhưng bù lại các cơ sở đang tập trung nhiều hơn vào chất lượng để cạnh tranh tốt trên thị trường.

Những năm trước, nghề gốm ở tỉnh tập trung vào thị trường xuất khẩu, còn hiện nay một số doanh nghiệp gốm lớn như Minh Long, Cường Phát… đã quay lại thị trường trong nước. Thương vụ mới nhất của Minh Long là đã ký kết hợp tác với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cung ứng sản phẩm cho hệ thống nhà hàng, khách sạn thuộc Saigontourist trên toàn quốc. Thực tế này cho thấy thị trường trong nước đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn.

Cải tiến để củng cố thị trường xuất khẩu

Đặc điểm của khách hàng ở châu Âu và Mỹ chính là ưa chuộng “mốt”. Thực tế cho thấy, một sản phẩm có thể rất được khách hàng ở những thị trường này ưa chuộng trong tháng này, nhưng qua tháng sau có thể nó đã lỗi thời. Chính vì thế, áp lực cho cơ sở thủ công, làng nghề truyền thống chính là phải kịp thời thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc… của sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Trong điều kiện một số làng nghề truyền thống của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn thì nghề làm guốc mộc vẫn còn giữ được thị trường xuất khẩu. Các nước ưa chuộng guốc mộc của Bình Dương có thể kể đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Những năm gần đây, việc thường xuyên cải tiến mẫu mã sản phẩm guốc mộc cũng được các công ty, cơ sở trong tỉnh xem là vấn đề sống còn của mình. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện mẫu mã của nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong tỉnh còn khá đơn điệu, thiếu tính ứng dụng và chậm cải tiến, trong khi thị hiếu thị trường xuất khẩu thay đổi theo từng tháng, từng mùa… Cải tiến mẫu mã, công nghệ, cải tiến cả cách tiếp cận khách hàng thì các làng nghề truyền thống trong tỉnh mới có thể giữ vững được thị trường.

Lãnh đạo Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long (TX.Tân Uyên) chia sẻ hiện thị trường châu Âu đang giảm nhập khẩu sản phẩm gốm, nhưng bù lại xuất khẩu gốm sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng, góp phần cho các doanh nghiệp gốm của Bình Dương an tâm sản xuất. Tuy vậy áp lực từ thị trường Mỹ cũng rất lớn, vì khách hàng thường nhập khẩu hàng gốm sứ sân vườn có kích cỡ trung bình và lớn. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm trở nên nhẹ hơn để vận chuyển dễ dàng, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng sản phẩm.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1909
Quay lên trên