Làng nghề truyền thống Bình Dương: Đổi mới để phát triển

Cập nhật: 25-07-2018 | 08:29:33

 Ngoài các danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử, Bình Dương còn có các làng nghề truyền thống như gốm, sơn mài, chạm khắc, đan lát… Trong điều kiện phát triển hiện nay, các nghề truyền thống trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, một số ngành có nguy cơ bị xoá bỏ.

Nhiều cơ sở thu hẹp sản xuất

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 làng nghề và 9 nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống vẫn còn đang hoạt động và duy trì được hiệu quả như làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm sứ Tân Phước Khánh, điêu khắc - chạm gỗ An Thạnh, Phú Thọ, làng heo đất Lái Thiêu… Tuy vậy, theo đánh giá của các địa phương, các làng nghề đang thu hẹp sản xuất và số hộ theo nghề giảm dần. Cụ thể, ở xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên, làng nghề truyền thống mây tre đan vào thời hưng thịnh có hơn 50 hộ tham gia, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 15 hộ. Nguyên nhân số hộ gắn bó với nghề này giảm chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng nhưng giá sản phẩm không tăng.

Cùng với việc đổi mới trong sản xuất, việc kết hợp với du lịch cũng góp phần phát triển các làng nghề truyền thống. Trong ảnh: Du khách tham quan công đoạn chế tác sản phẩm gốm thủ công tại một cơ sở sản xuất gốm ở phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên. Ảnh: KHÁNH ĐĂNG

Tại TX.Thuận An, thực hiện công tác quy hoạch phát triển đô thị và triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh về việc di chuyển các ngành nghề ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nghề truyền thống gốm sứ, heo đất cũng thu hẹp dần. Một hộ làm heo đất ở phường Lái Thiêu chia sẻ, trước đây trên địa bàn có hơn 300 hộ làm nghề này nhưng hiện chỉ còn khoảng 20 hộ gắn bó với nghề làm heo đất. Nguyên nhân số hộ làm nghề này giảm là do phải cạnh tranh với các sản phẩm từ các địa phương khác; thị trường tiêu thụ giảm; cùng với đó một số hộ không đủ vốn đề đầu tư công nghệ nung mới…

Đối với ngành sơn mài, vào thời kỳ hưng thịnh những năm 1945-1975, toàn tỉnh có 900 hộ với khoảng 3.000 lao động tham gia, đem lại nguồn thu từ xuất khẩu lên đến gần 1 triệu USD (thời điểm đó), nhưng đến nay chỉ còn khoảng 30 hộ gắn bó với nghề. Ông Lê Bá Linh, chủ cơ sở sản xuất sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một), chia sẻ những hộ còn sản xuất sơn mài hiện nay chủ yếu là những người yêu nghề, muốn lưu giữ lại những nét tinh hoa của văn hóa Việt trên sản phẩm sơn mài, chứ sống bằng nghề này là rất khó. Còn các cơ sở lớn hiện nay chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, không còn sản xuất đại trà như trước kia.

Đổi mới để phát triển

Trước sự tác động của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng và những yêu cầu khắt khe hơn của các đối tác nước ngoài, hiện nhiều cơ sở tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đổi mới cách làm để phù hợp với tình hình thực tiễn và góp phần bảo tồn, duy trì các nghề truyền thống. Ông Linh cho biết, để duy trì làng nghề, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thay đổi mẫu mã các sản phẩm và chú trọng đến thị trường nội địa, nhất là các sản phẩm quà tặng. Với việc công bố nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa qua đã kích thích lại các thị trường tiêu thụ sản phẩm này, nhất là thị trường nội địa. Bên cạnh đó, hiện có nhiều tour du lịch đưa khách đến tham quan cơ sở sản xuất sơn mài, gốm sứ… truyền thống trên địa bàn tỉnh nên các sản phẩm này đang được tiêu thụ tốt.

Đối với nghề chạm, trổ, chủ yếu các công đoạn phải làm bằng tay, tuy vậy hiện nay cách thức làm cũng có sự đổi mới để phù hợp với thực tiễn. Nghệ nhân chạm Lê Ái Huynh (khu phố 3, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một), cho biết hiện nay, hầu như các sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ làm theo hình thức công nghiệp. Do đó, để sống được với nghề này, thợ chạm cũng phải mạnh dạn đổi mới từ hình thức chạm đến sáng tạo các mẫu hoa văn… để tạo ra sự khác biệt với sản phẩm làm theo hướng công nghiệp. “Các sản phẩm điêu khắc gỗ truyền thống khi thể hiện cần có sự uyển chuyển nhằm toát lên được cái hồn của sản phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm công nghiệp thì có tính rập khuôn, do đó để giữ được khách hàng phải có cái chất riêng. Đây cũng là điều kiện để các nghệ nhân chạm trổ phát huy tay nghề của mình”, nghệ nhân Huynh nói.

Để giữ được thị trường, hiện nay làng nghề heo đất trên địa bàn tỉnh còn sản xuất thêm gà đất, thỏ đất… giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, nhất là các em nhỏ. Nhiều hộ còn chịu khó nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, sáng tạo ra nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điển hình như mẫu heo đất vàng có dát kim tuyến đang được ưa chuộng trên thị trường, mặc dù giá thành đắt hơn heo đất truyền thống.

KHÁNH ĐĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1142
Quay lên trên