Xã Phú An (Bến Cát) được biết đến với làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng có từ trăm năm nay. Bánh tráng Phú An từng được xuất khẩu sang châu Âu và có mặt tại Mỹ. Theo thời gian, trước xu thế hội nhập sâu rộng với các ngành nghề hiện đại khác, lực lượng lao động ở vùng nông thôn nói chung và các làng nghề truyền thống nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Làng nghề bánh tráng Phú An không tránh khỏi “cơn lốc” thách thức và nguy cơ đứng trước bờ vực mai một, khi từ 100 hộ làm nghề giờ chỉ còn 3 hộ.
Nhộn nhịp mùa tết một thời
Theo thời vụ cứ bước sang tháng 11 hàng năm, Phú An lại nhộn nhịp đắp thêm lò, làm thêm liếp, tráng bánh suốt ngày đêm để tăng sản lượng phục vụ nhu cầu thị trường dịp tết. Chị Võ Thị Hồng Nhân, ấp Bến Giảng, tiếc nuối: “Ngày xưa ở trong ấp nhà nào cũng có từ 4 - 7 lò để tráng bánh. Thời điểm giáp tết vào vụ, lượng đặt hàng nhiều nên các hộ trong ấp, bắt đầu nổi lửa từ lúc 12 giờ đêm tới chiều tối ngày hôm sau. Mỗi lần tráng hơn 2 thiên (2.000) bánh mới đủ lượng bánh giao cho khách hàng. Tuy vất vả, nhưng mọi người luôn vui vẻ sau những giờ dài tráng bánh và hồ hởi sau những mẻ bánh khô”.
Sản xuất bánh tráng bằng máy
Theo lời kể của các cụ “bám trụ” với nghề tráng bánh từ ban sơ: Ban đầu, tráng bánh được xem là nghề phụ trong lúc nông nhàn, nhưng khi hiệu quả kinh tế của bánh mang lại cao (thu nhập hàng ngày lãi từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày thời điểm năm 1988-2000), nhiều hộ dân đã coi đây là nghề chính. Cũng nhờ đó, đã giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng được nhà cửa… tạo đà vững chắc cho nghề bánh tráng Phú An. Thời gian cao điểm tại làng nghề Phú An phủ trắng một màu của bánh. Đi tới đâu cũng ngửi thấy mùi thơm của hương củ mì mới tỏa ra từ những lò tráng bánh trong làng.
Làng nghề hưng thịnh nhất vào thời kỳ 1998-2000. Hơn 100 hộ dân làm bánh thường ngày để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, điển hình là từ châu Âu và Mỹ với số lượng lớn. Điều làm bánh tráng Phú An “bay cao, bay xa” do người làm bánh có bí quyết gia truyền, cộng với cách kết hợp nguyên liệu từ bột mì pha trộn với nước dừa. Sự kết hợp đặc biệt của nguyên liệu, khéo léo của đôi tay người thợ đã tạo ra những chiếc bánh đều, ngon, làm mê hoặc khách hàng những thị trường khó tính.
Bà Hợi lưu luyến với đồ nghề làm bánh tráng
Vực dậy làng nghề truyền thống?
Trở lại Phú An vào dịp cuối năm, nhưng làng nghề xưa nay vắng bóng. Những chiếc liếp phơi bánh nay được xếp gọn và dường như đã mục từ lâu, lò bánh bụi dính dày đặc không còn “sức sống”. Khung cảnh đó làm cho người viết ngạc nhiên khi làng nghề có tiếng nay im hơi. Từ cả hàng trăm hộ tráng bánh nay chỉ còn le lói 1, 2 hộ. Tại nhà bà Lê Thị Hợi (84 tuổi, ở ấp Bến Giảng), một trong những hộ gia đình làm bánh lâu năm của Phú An, vẻn vẹn chỉ còn một lò tráng bánh cùng những tấm liếp bạc màu. Bà Hợi, bồi hồi: “Làng nghề bây giờ buồn lắm, mọi người đều bỏ nghề cả rồi! Giờ mấy đứa trẻ, đứa thì đi học, đứa làm công ty, công việc nhàn lương cao nên không thích úp mặt vào lò rồi phơi nắng ngoài trời để phơi bánh”.
Một gia đình có truyền thống 3 đời theo nghề bánh như bà Hợi, giờ đây, cũng chỉ còn giữ lại được một lò hoạt động cầm chừng, phục vụ nhu cầu tại chỗ. Đi tiếp các hộ dân trong xã, cảnh tráng bánh dường như “xa lạ” với họ. Toàn xã hiện còn 3 hộ dân theo nghề. Một hiện thực cho thấy, làng nghề đang rơi vào tình trạng vắng bóng. Mặc dù UBND xã đã có nhiều chương trình hỗ trợ, nhưng sự “hụt hơi”, thiếu sự đồng thuận của người dân đã đẩy Phú An ngược trở về vạch xuất phát.
Theo ông Lê Văn Mỵ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, nguyên nhân khiến làng nghề rơi vào tình trạng mai một do làm bánh không mang lại hiệu quả kinh tế như trước; người kế cận không còn mặn mà theo nghề. Do đó, người dân nơi đây đã “quay lưng” với nghề truyền thống của mình, cho dù từng một thời đứng trên đỉnh vinh quang. “Khó khăn lớn nhất của làng nghề là người dân không còn mặn nồng trong việc sản xuất, do giá nguyên liệu cao, công việc làm bánh vất vả, thành phẩm lại bị thương lái ép giá, đầu ra bị thắt lại do thị trường châu Âu và Mỹ đóng cửa! Trong khi đó công việc tại các công ty, nhà máy nhàn, lương cao nên đa phần số lượng lao động làng nghề đều chuyển nghề”, ông Mỵ, nói.
Còn suy nghĩ từ phía người dân, chị Nguyễn Thị Út (ấp Bến Giảng), tâm sự: “Bánh tráng Phú An đang dần đánh mất thương hiệu, do nguyên liệu không còn đạt chất lượng như xưa. Củ mì cao sản làm bánh giòn dễ vỡ vụn, không còn mềm dẻo, thơm như trước. Bên cạnh đó, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi nắng ráo thì nổi lửa tráng bánh, phơi liếp, khi mưa thì nghỉ. Giá thành thì bị hạ thấp, giá nguyên liệu đầu vào cao, đầu ra bị bó hẹp, giờ chủ yếu tiêu thụ tại chỗ, nên việc bỏ nghề diễn ra cũng là điều tất yếu”.
Theo ông Lê Văn My, để giữ nghề, xã đang quy hoạch làng nghề truyền thống để thu hút lao động và tạo việc làm tại chỗ cho nông dân trong xã. Ngoài ra, xã còn đưa ra những chính sách cho vay vốn, khuyến khích người dân tham gia làm nghề truyền thống, kết hợp chăn nuôi, đẩy mạnh kinh tế trang trại, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho bà con…
Một lối đi mới cho làng nghề Phú An khi anh Nguyễn Thanh Răng ở ấp Bến Giảng đưa máy móc vào sản xuất bánh. Xưởng của anh bình quân mỗi ngày sản xuất được khoảng 500kg bột cho ra thành phẩm 250kg bánh các loại, giá bình quân là 26.000 đồng/kg, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương bình quân đạt 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm vào vụ thì sản lượng tăng lên 750kg bột để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở của anh Răng cũng gặp khó khăn khi nguyên liệu làm bánh giá cao, bánh lại bán chậm, chủ yếu thị trường trong nước. Tuy nhiên, một cơ sở không thể nào vực dậy một làng nghề truyền thống, “tiếp lửa” để làng nghề “bùng cháy” như xưa.
ĐỖ TUÂN