Làng quê Việt trong tranh sơn mài Bình Dương

Thứ hai, ngày 29/03/2021

(BDO) Sự ngọt lành, giản dị của phong cảnh làng quê Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của các văn nghệ sĩ. Nét đẹp này càng độc đáo hơn khi được thể hiện trên các tác phẩm tranh sơn mài ở Bình Dương.


Tác phẩm “Thanh bình” của nghệ nhân Nguyễn Tấn Công đoạt giải A cuộc thi Giải thưởng văn học - nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI

Gợi nhớ miền ký ức đẹp

Có dịp tìm hiểu về đề tài tranh phong cảnh quê hương, chúng tôi càng ấn tượng với các tác phẩm tranh sơn mài của các nghệ nhân Bình Dương. Theo nghệ nhân Trần Lễ Trí, chủ cơ sở sơn mài Minh Nguyệt, hình ảnh làng quê Việt với những khung cảnh quen thuộc, bình dị đang là gu quà tặng của nhiều khách Tây, khách Việt kiều. Năm nay, các tranh sơn mài có hình ảnh con trâu như “Mục đồng thổi sáo”, “Ngư - tiều - canh - mục”… được nhiều khách tìm mua.

Cũng với đề tài này, nhiều nghệ nhân đã tạo ấn tượng mạnh với du khách qua nhiều sản phẩm sơn mài ứng dụng. Tại các cơ sở sơn mài Tư Bốn, Năm Tịnh, Minh Nguyệt… hình ảnh làng quê mộc mạc, gợi nhớ quê hương, như: Cảnh rước dâu, mái đình, chùa, cánh đồng phủ trắng cánh cò, hạc, hay những chú trâu, bò, gà, cá… được các nghệ nhân sáng tạo đa dạng với nhiều kích cỡ trên nhiều sản phẩm. Theo thạc sĩ, họa sĩ Thái Kim Điền, Chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc - Sơn mài Bình Dương, trước năm 1975, tranh sơn mài về làng quê Việt Nam có rất nhiều tác phẩm đẹp tinh xảo. Sau giải phóng, dù có nhiều cố gắng nhưng các họa sĩ, nghệ nhân vẫn chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc như trước. Tuy nhiên, dòng tranh sơn mài đã để lại rất nhiều ấn tượng với kỳ công thực hiện của người họa sĩ, những tác phẩm ấy càng trở nên tuyệt vời hơn với những phong cảnh thể hiện đồng quê Việt Nam: Lũy tre, bến nước, con đò đến cảnh sinh hoạt đời thường của những người nông dân…

Luôn chiếm ưu thế

Trong triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh Bình Dương năm 2016, chúng tôi có dịp thưởng thức nhiều tác phẩm sơn mài độc đáo của các nghệ nhân và ấn tượng nhất với tác phẩm “Di sản” của nghệ nhân Nguyễn Chí Chánh. Theo lời chia sẻ của nghệ nhân này, phải mất hơn 2 tháng miệt mài vẽ, sơn, mài… ông mới hoàn thành tác phẩm này. Trong tranh hiện lên những nông cụ, như: Chày, cối giã gạo, gùi, cung tên… của những con người cổ xưa đã khai phá, hình thành nên đất nước Việt Nam ta ngày nay. Với niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt với đề tài này, nhiều nghệ nhân sơn mài Bình Dương đã đoạt nhiều giải thưởng cao trên các sân chơi nghệ thuật cấp khu vực và quốc gia. Nhiều tranh để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách tại nhiều cuộc triển lãm như: “Sông quê”, “Bến đục” của Nguyễn Tấn Công, “Chuyện trò” với bao gửi gắm mang hơi thở của cuộc sống của Nguyễn Quang Sơn, “Sắm tuồng” qua đôi bàn tay khéo léo của họa sĩ trẻ Huỳnh Đức Hiếu…

Dù trải qua biết bao thăng trầm cùng các giai đoạn lịch sử của đất nước nhưng sơn mài Bình Dương vẫn luôn phát triển và tỏa sáng. Các tác phẩm tranh về làng quê Việt khơi gợi những ký ức đẹp đã ngày càng thôi thúc người sáng tác và người thưởng lãm có những động thái tích cực hơn gìn giữ nét đẹp bản sắc văn hóa cũng như con người Việt.

 THỤC VĂN