Dọn dẹp bùn, rác khu vực chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn.
Chiều 21-7, tại TP Lạng Sơn, ít ai có thể nhận ra vừa mới hôm qua, nhiều nơi còn ngập chìm trong nước lũ, nay đã sạch sẽ, tinh tươm. Đây là công sức của gần 5.300 người tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả bão số 2.
Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang cho biết: Trong hai ngày 19 và 20-7, gió lớn và mưa to, nhiều nơi từ 200 đến hơn 500mm, khiến mực nước sông Kỳ Cùng dâng cao làm gần 6.000 nhà ngập sâu trong nước (khoảng 200 nhà hư hỏng nặng và hư hỏng hoàn toàn), hơn 2.000 ha lúa bị ngập và cuốn trôi; quốc lộ 1B, 4A, 4B, 279 và một số tỉnh lộ bị chia cắt do ngập úng và sạt lở với khối lượng khoảng 32.500 m 3 đất đá; hơn 1.200 quầy hàng của chợ Đông Kinh và chợ Giếng Vuông - TP Lạng Sơn phải ngừng hoạt động và di dời hàng hóa... Thiệt hại nhất là tại các huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định và TP Lạng Sơn.
Thống kê ban đầu, đã có bốn người chết, thiệt hại vật chất ước hàng chục tỷ đồng.
Ngày 21-7, UBND tỉnh ra Thông báo 711 gửi các ban, ngành, địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Vi Văn Thành xuống "rốn lũ" là huyện Tràng Định chỉ đạo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố báo cáo đề xuất UBND tỉnh phương án khắc phục hậu quả, hỗ trợ nhân dân vốn, giống, vật tư để sớm ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lý Vinh Quang cho biết, đến chiều 21-7, các lực lượng chức năng đã di dời an toàn 5.100 hộ dân ra khỏi vùng bị ngập úng, sạt lở, nguy hiểm; huy động 5.300 người ứng cứu, hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 2. TP Lạng Sơn cơ bản khôi phục khoảng 30 trạm biến áp trở lại hoạt động bình thường, trừ một số địa bàn vẫn bị lũ cô lập, đồng thời khôi phục lại việc cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn trọng điểm.
Ban Chỉ đạo PCLB và TKCN tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ công tác dự báo diễn biến thời tiết, mưa lũ; tăng cường các biện pháp ứng phó, trước hết tập trung hỗ trợ sửa chữa nhà, khắc phục đường giao thông hư hỏng, sửa chữa các công trình thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, tổ chức tiêu độc khử trùng, phòng, chữa bệnh cho người, gia súc, gia cầm và khôi phục sản xuất ở những vùng trọng điểm bị ngập lụt. UBND tỉnh đã hỗ trợ gia đình các nạn nhân có người chết ba triệu đồng/người.
Về lâu dài, tỉnh Lạng Sơn cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án xây dựng hồ chứa nước Bản Lải huyện Đình Lập để góp phần cắt lũ hạ lưu sông Kỳ Cùng, tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn nên vẫn chưa triển khai được. Lạng Sơn mong muốn các cấp, ngành nhanh chóng xét duyệt cấp vốn triển khai dự án, nhằm giảm hậu quả thiệt hại từ lũ lụt hằng năm.
Theo Nhân Dân