Lao động nữ: Thờ ơ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Cập nhật: 24-12-2014 | 08:17:21

Bình Dương ngày càng có nhiều lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), trong đó hơn 80% là lao động nữ. Hầu hết số lao động này đều nằm trong độ tuổi sinh đẻ. Thế nhưng do khó khăn... nên nhiều người ít quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản (SKSS).

 

Lao động nữ được khám sức khỏe để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời

“Mịt mờ” sức khỏe sinh sản

Việc chăm sóc SKSS cho lực lượng lao động trẻ, đặc biệt là nữ công nhân (CN) giúp phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, chính người lao động (NLĐ) lại đang thờ ơ với sức khỏe của bản thân mình, chưa thực sự mặn mà với công tác khám sức khỏe định kỳ. Nhiều lao động nữ cho rằng “sống chết có số”, có bệnh mới chữa nên việc đi khám định kỳ là hi hữu. Chị Hoàng Thị Hà, CN Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TX.Thuận An) nói: “Nếu mắc các bệnh ung thư thì có thể nguy hiểm, chứ các bệnh viêm nhiễm phụ khoa sẽ không ảnh hưởng. Do đó khi nào bị bệnh tôi mới đi khám, hoặc mua thuốc uống”.

Bên cạnh việc hiểu biết hạn chế, nhiều CN nữ còn mang tâm lý “ngại” động chạm đến vấn đề SKSS. Bạn Trần Thị Hà (19 tuổi, quê Nghệ An), sống tại khu trọ Việt - Sing (TX.Thuận An), cho biết trong công ty cũng như dãy trọ, nhiều lao động nữ như Hà rất ngại hỏi về chuyện giới tính, các bệnh phụ nữ. Hà bộc bạch: “Tôi thường bị đau bụng khi đến kỳ kinh, rồi có những khi tắc kinh nhưng chẳng biết hỏi ai. Đi khám thì cũng tốn kém mà không có thời gian nên cứ để kệ vậy. Nhiều lần, tôi cũng muốn hỏi các chị em đã có gia đình để họ tư vấn nhưng ngại”.

Do điều kiện sống, thời gian làm việc còn nhiều khó khăn, lao động nữ ít quan tâm đến chăm sóc SKSS cho bản thân. Thế nhưng hiện nay, tình trạng “sống thử”, nạo phá thai không an toàn, mắc các bệnh lây qua đường tình dục, lây nhiễm phụ khoa… đang ở mức báo động. Do chưa có kiến thức trong việc chăm sóc SKSS, nên nhiều lao động nữ nhận những hậu quả khôn lường khi nạo phá thai, sử dụng cách tránh thai không an toàn. Chị T.T.X, quê Sóc Trăng đang làm tại lò gạch phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên hối hận khi không quan tâm đến SKSS đã dẫn đến vô sinh. Hiện nay, chị ân hận vì có gia đình nhưng không thể sinh con.

Nâng cao nhận thức về SKSS cho lao động nữ

Trước sự “mịt mờ” về giới tính, thời gian qua, các đơn vị liên quan đã nỗ lực tuyên truyền bằng nhiều cách. Chị Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết rào cản lớn nhất khiến lao động nữ “lãng quên” việc chăm sóc SKSS cho bản thân là do kinh tế. Đa phần NLĐ là người ngoại tỉnh, thu nhập của họ chỉ từ đồng lương CN ít ỏi, nhưng mỗi tháng họ phải chi trả nhiều khoản như tiền thuê nhà trọ, tiền điện, nước, sinh hoạt… Chính vì thế, buộc họ phải cố gắng làm việc thật chăm chỉ, mỗi ngày NLĐ không chỉ làm việc 8 tiếng, có khi còn tăng ca thêm từ 2 - 3 tiếng nữa. Rõ ràng, với cường độ làm việc như vậy, NLĐ chỉ muốn nghỉ ngơi để lấy sức ngày mai đi làm tiếp.

Giải “bài toán” về việc chăm sóc SKSS cho lao động nữ, đa phần doanh nghiệp đều mua bảo hiểm y tế để họ được thăm, khám sức khỏe. Thế nhưng, nhiều CN vẫn chưa “mặn mà” đến việc đi khám vì sợ khám bảo hiểm sợ mất thời gian, khám lại qua loa, sơ sài, không có tư vấn một cách cụ thể, rõ ràng, còn khám dịch vụ bên ngoài thì lại tốn tiền mà không được thanh toán tiền lương. Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp đã mời bác sĩ đến trực tiếp để tư vấn và khám cho NLĐ. Một số doanh nghiệp tiêu biểu làm tốt công tác này như Công ty TNHH Chí Hùng, Công ty TNHH Yazaki EDS, Công ty TNHH Hoya Lend… Ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoya Lend, cho biết tại công ty, việc chăm sóc sức khỏe cho CN được giao cho công đoàn phụ trách. Để chị em CN hiểu rõ về SKSS, công đoàn mời bác sĩ đến trực tiếp doanh nghiệp để khám, vận động lao động nữ tham gia khám phụ khoa.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hội, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, giải thích đối với các bệnh lý về phụ khoa, không phải chỉ khi nào xuất hiện các triệu chứng thì mới gọi là mắc bệnh. Vì thế, nhiều chị em đã lầm tưởng về điều này, do đó có rất nhiều chị em mắc bệnh về phụ khoa như viêm nhiễm, u nang buồng trứng… Đây là những bệnh hết sức nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời thì nguy cơ dẫn đến vô sinh là rất cao.

Bác sĩ Hội nói thêm, đa phần lao động trên địa bàn tỉnh đều nằm trong độ tuổi sinh đẻ, nhiều bạn nữ sinh hoạt tình dục không lành mạnh, sống thử trước hôn nhân đã gây nên nhiều hệ lụy hết sức đáng tiếc. Do đó, công tác tư vấn, tuyên truyền là hết sức quan trọng và cần thiết nhằm trang bị cho đối tượng này những kiến thức cần thiết để họ tự biết cách bảo vệ mình.

TỐ TÂM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=736
Quay lên trên