Lao động qua đào tạo nghề rộng đường “có đất dụng võ”

Cập nhật: 28-02-2023 | 09:14:46

Bước vào tháng 2-2023, số lao động được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng ít dần, chỉ ưu tiên việc làm cho những lao động có tay nghề, qua đào tạo nghề. Từ đó cho thấy, khi DN gặp khó trong sản xuất, kinh doanh như hiện nay, những lao động có tay nghề vẫn còn “đất dụng võ”.

 Thông qua tuyển dụng trực tiếp, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương đã tìm được việc làm cho hàng ngàn lao động

 Thu nhập ổn định

Sau dịch bệnh Covid-19, công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đang được khởi động lại, giúp người lao động (NLĐ) tìm được việc làm ổn định trong thời gian tới. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đầu năm 2023, một số DN trên toàn tỉnh vẫn còn khó khăn, bị đứt gãy đơn hàng, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ hoặc xuất khẩu được, dẫn đến tình trạng sản xuất cầm chừng, giữ chân NLĐ. Điển hình như một số DN đã thành lập nhiều năm tại Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 1, 2 cũng không ngoại lệ. Nhiều công ty vẫn duy trì sản xuất với những đơn hàng từ năm 2022 nên không có nhu cầu tuyển dụng việc làm. Một số công ty phải giảm giờ làm, chỉ tuyển dụng từ 2 - 3 lao động phổ thông và một vài vị trí văn phòng, kỹ thuật, như: Công ty TNHH Tiger Alwin, Công ty Cổ phần Lúa Vàng, Công ty TNHH Kery Integrated Logistics...

Bên cạnh đó, có một số DN đăng tuyển với số lượng từ 50 - 300 lao động phổ thông, như: Công ty TNHH Công nghiệp Bao bì Ngai Mee với số lượng 50 công nhân vận hành máy; Chi nhánh Công ty TNHH Ho Chang Vina 50 thợ may, 30 thợ phụ; Nhà máy Joon Saigon tuyển 300 thợ may... Nhưng đa số DN tuyển dụng đều yêu cầu công nhân có tay nghề, thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng trở lên, với đầy đủ các chế độ, quyền lợi theo quy định của Nhà nước và một số chế độ phúc lợi của công ty.

Đây cũng là thực trạng tuyển dụng tại nhiều nhà máy, KCN trên toàn tỉnh hiện nay như tại KCN VSIP 1, Đồng An, Sóng Thần 3, Đại Đăng... Các DN treo biển tuyển dụng lao động phổ thông, tuy nhiên yêu cầu đặt ra là phải có trình độ học vấn, có tay nghề, bảo đảm độ tuổi. Anh Nguyễn Hoàng Quân, công nhân Công ty APro (KCN Sóng Thần 3) chia sẻ: “Nếu đầu năm 2022, công ty tuyển dụng lao động số lượng lớn, chỉ cần đưa giấy chứng minh nhân dân là mời vào làm, sau đó hoàn thiện hồ sơ cũng được. Nhưng năm nay, công ty tuyển rất nhỏ giọt. Công nhân nhiều năm như chúng tôi cũng chỉ ưu tiên những người có tay nghề giỏi mới được tăng ca, còn lại làm giờ hành chính”.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, chia sẻ: “Những ngày đầu năm, số lượng lao động đến trung tâm tăng cao so với trước tết, đa số đang thất nghiệp và mong có việc làm ổn định. Do tình hình sản xuất của DN vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy NLĐ không có ý định nhảy việc như những năm trước đây. Nắm bắt được đặc điểm của thị trường lao động đang “thừa cung”, các DN chỉ ưu tiên tuyển lao động trẻ từ 18 - 35 tuổi. Đây là lực lượng trẻ, khỏe, năng động, nếu trên 35 tuổi phải có tay nghề. Cách tuyển dụng này đã tạo thế yếu cho lực lượng lao động trên 35 tuổi, cũng như gây khó khăn cho công tác giới thiệu việc làm tại trung tâm”.

Có cái nghề vẫn hơn

Trong bối cảnh thị trường lao động “thừa cung” như hiện nay mới thấy được giá trị của việc học nghề, cũng như chính sách đào tạo nghề trên toàn tỉnh trong thời gian qua. Anh Nguyễn Quang Vinh, ngụ khu phố 4, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ cách đây 3 năm, khi thấy sức học của đứa con trai lớn không tốt, anh cho con đi học trung cấp nghề. Lúc đó không ít người trong gia đình cho rằng học nghề thêm phí thời gian, bởi nhà máy tuyển việc đầy ra đó, thích thì vào làm, không biết thì DN đào tạo. Nhưng anh cho rằng việc học hành không bao giờ thừa, tùy vào năng lực, sở trường của con mà hướng cho con đi cho đúng. “Vậy đó, 2 năm trôi qua cái vèo. Cháu có bằng trung cấp điện, xin được việc làm ổn định với mức lương hiện nay đã hơn 10 triệu đồng/tháng. Nay nhắc lại, bên nội, ngoại đều cho rằng tôi chọn hướng đi đúng cho con. Tôi biết cũng còn rất nhiều người còn xem thường chuyện học nghề. Họ cần phải suy nghĩ lại, có cái nghề vẫn hơn”.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Hiện nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao gia tăng, đặc biệt là các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Bình Dương. Do đó, công tác đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN luôn được UBND tỉnh quan tâm. Bên cạnh nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo của các trường cao đẳng, trung cấp, các cơ sở đào tạo nghề, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh chú trọng. Sau thời gian dịch bệnh, đầu năm 2023, sở phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh chương trình này. Dự kiến trong năm 2023, các huyện, thị, thành phố sẽ đào tạo 2.361 lao động nông thôn”.

Cũng theo ông Tuyên, để giúp NLĐ tìm được việc làm trong thời gian này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường các hoạt động kế nối cung - cầu lao động thông qua nhiều hình thức, như: Tư vấn tuyển dụng, tìm việc qua website, qua Zalo, tổ chức sàn giao dịch trực tiếp và trực tuyến tại trung tâm.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có 108 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 7 trường cao đẳng, 1 phân viện cao đẳng đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 71 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp... Trung bình mỗi năm các cơ sở đào tạo hơn 35.000 học viên. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nghề nông thôn hàng năm ở các huyện, thị, thành phố đã đào tạo cho hơn 2.000 người có tay nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=410
Quay lên trên