Ông Lê Văn Phấn quê gốc ở tỉnh Long An lên Bình Dương lập nghiệp. Với số vốn dành dụm được gần 200 triệu đồng, ông mua được 4 ha đất ở xã Trừ Văn Thố (Bàu Bàng) để bắt đầu khởi nghiệp trên vùng đất mới. Từ diện tích ít ỏi ban đầu, giờ đây ông đã mở rộng mô hình canh tác lên trang trại với diện tích 62 ha trên 3 tỉnh. Ở tuổi 65, ông đã trở thành tỷ phú một vùng nhờ mô hình trồng quýt đường.
Ông Lê Văn Phấn bên trang trại trồng quýt của gia đình. Ảnh: Q.NHIÊN
Tìm cây thích hợp
Những năm đầu lên Bình Dương lập nghiệp, ông Phấn chia sẻ, mặc dù niềm đam mê lúc đó rất lớn nhưng ông vẫn chưa tìm được hướng đi thích hợp cho bản thân. Bằng chứng là trên 4 ha đất mua được, ông tiến hành trồng thử nghiệm cây nhãn và một số loại cây ăn trái khác. Vườn nhãn của ông sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng đạt khi thu hoạch nhưng giá cả lại trồi sụt bấp bênh nên ông không có ý định gắn bó với loại cây này.
Đến năm 2002, ông quyết định phá bỏ vườn cây nhãn, tiến hành trồng quýt đường. Sau hơn 3 năm, quýt đường cho thu hoạch. Do thực hiện đúng quy trình chăm sóc, quýt đường của gia đình ông phát triển tốt và cho năng suất cao. Ông Phấn nhận thấy, quýt đường là loại trái cây cho năng suất tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng nên thị trường tiêu thụ rộng, giá thành cao và ổn định.
Tuy nhiên, trồng các loại cây có múi rất khó, trong đó trồng cây quýt đường lại càng khó hơn và đòi hỏi người trồng phải nắm vững về kỹ thuật, phải có số vốn ban đầu lớn. Cây khó trồng, người ta trồng không được, mình trồng được mới hay. Chính vì lẽ đó, ông quyết định tìm tòi, gắn bó với cây quýt đường để tiếp tục khẳng định hướng đi của bản thân là đúng đắn.
Để cây quýt đường đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, lại tiết kiệm chi phí sản xuất ông đã tìm tòi, học hỏi được phương pháp cho cây ra hoa trái vụ và cách ủ phân vi sinh từ cá bón cho cây nhằm tăng cường chất dinh dưỡng. Để vườn quýt phát triển tốt, đạt năng suất cao như mong muốn, đòi hỏi người chăm sóc cần tỉ mỉ, áp dụng theo đúng quy trình tổng hợp từ khâu làm đất, chọn giống, ngừa bệnh. Việc làm đất tốt, chăm sóc kỹ sẽ kéo dài tuổi thọ cho cây trồng, người trồng quýt đường có thể thu trái hơn 10 năm.
Theo ông Phấn, để cây quýt phát triển tốt thì việc nắm bắt khoa học kỹ thuật rất quan trọng. Đối với ông, chỉ quan sát màu sắc lá cây quýt đường là biết được cây đang thiếu chất gì. Người trồng quýt phải thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của từng cây để bổ sung dinh dưỡng cho hợp lý. Khó khăn nhất trong việc chăm sóc quýt đường là cây thường bị bệnh vàng lá gân xanh mà chưa có thuốc đặc trị. Khi cây bị bệnh này chỉ còn cách chặt bỏ, khử trùng đất để tránh lây lan. Để khắc phục bệnh vàng lá gân xanh việc phòng bệnh là quan trọng nhất. Từ khâu chọn cây giống đến chăm sóc phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt, cây giống phải xanh tốt không bị bệnh, khi trồng phải tạo đất tơi xốp, bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
Quýt đường vươn xa
Quyết định gắn bó với cây quýt đường, nhưng khi cây phát triển tốt, đạt năng suất thì việc tiêu thụ lại gặp không ít khó khăn. Ban đầu, sản lượng quýt thu hoạch phải được tiến hành phân loại trái, rồi chỉ thương lái mua với số lượng nhỏ từ vài chục đến vài trăm ký nên rất mất nhiều thời gian. Nhiều lúc bán không hết, ông và còn trai còn phải chở đến chợ để bán lẻ hay bán cho thương lái tại chợ.
Nhưng đến năm 2006, khi đã dần khẳng định được thương hiệu, những cây quýt đường ông trồng luôn bảo đảm chất lượng tốt, trái đẹp, thơm, ngọt đậm đà, nên được nhiều người biết đến. Từ đó, thương lái từ khắp nơi tìm đến trang trại của ông để thu mua. Thị trường tiêu thụ không chỉ nhỏ lẻ ở Bình Dương, mà nông sản của ông đã theo những chiếc xe tải lên Tây nguyên, ra tận Hà Nội. Hàng năm, gia đình ông Phấn đưa ra thị trường từ 700 - 1.000 tấn quýt, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi về sự thành công của mình, ông Phấn nói: “Sau khi trồng thành công 4 ha quýt ở Trừ Văn Thố và mở rộng lên 18 ha, tôi tìm mua thêm 40 ha đất ở Bình Phước và Lộc Ninh để trồng quýt. Hiện tại, gia đình đang có khoảng 18 ha quýt cho thu hoạch”. Theo tính toán của ông Phấn, mỗi năm cây quýt cho thu hoạch 2 đợt trái, với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg. Sản lượng trái vào mùa thu hoạch đạt 9 tấn mỗi ngày. Như vậy, mỗi ha trồng quýt có thể mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Sau khi trừ mọi chi phí, thu lãi hơn 300 triệu đồng/ha. Nhờ đó, trang trại của ông giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động thường xuyên với mức lương từ 4,5 triệu đồng đến trên 6 triệu đồng/tháng, chưa tính số lao động thời vụ.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn nâng cao giá trị cây có múi, ông Phấn đã tập hợp người dân địa phương, liên kết với nhau để xây dựng câu lạc bộ các trang trại cây có múi huyện Bàu Bàng. Với hy vọng câu lạc bộ sẽ là nơi để các trang trại, nhà vườn, những người đam mê trồng cây có múi cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, từng bước xây dựng thương hiệu cây có múi trên địa bàn huyện.
QUỲNH NHIÊN