Sau nhiều phen nếm mật nằm gai, ông Nguyễn Đức Luân (56 tuổi, Nghệ An) đã đầu tư thành công mô hình chuồng trại chăn nuôi tổng hợp, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Luân từng đặt cược sổ đỏ của căn nhà để đầu tư trang trại trong sự hoài nghi của mọi người. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Nằm tách biệt hẳn khu dân cư của khối Yên Duệ, xã Đông Vĩnh (thành phố Vinh), trang trại của gia đình ông Luân nức tiếng khắp vùng. Thế nhưng ít ai biết ông từng mất hàng chục năm bôn ba, quyết theo đuổi nghề nông mới gặt hái thành công.
Năm 1979, ông Luân tham gia quân ngũ tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau 2 năm xuất ngũ trở về quê hương rồi lập gia đình, khởi nghiệp bằng nghề làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Có lúc ông phải bôn ba sang Lào buôn khoai, sắn để kiếm thêm tiền trang trải cho gia đình. Vất vả nhưng kinh tế gia đình vẫn chẳng cải thiện được.
Đến năm 1998, nhà nước có chủ trương chuyển đổi diện tích cây lúa kém hiệu quả sang xây dựng khu trang trại chăn nuôi tập trung, ông mạnh dạn nhận hơn 3 ha vùng chua trũng để phát triển mô hình này. "Thời đó, tôi bắt tay vào làm trong sự hoài nghi, bàn tán của rất nhiều người”, ông Luân nhớ lại.
Do không có vốn liếng, vợ chồng ông làm liều cầm cố sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Vì trót cược “được ăn cả ngã về không” nên nhiều đêm vợ chồng ông không sao chợp mắt nổi. Vợ chồng ông khi đó tự động viên nhau cùng nỗ lực vượt qua giai đoạn khốn khó.
Xác định muốn làm giàu bằng chăn nuôi thì phải mạnh dạn đầu tư, ông Luân tập trung phát triển quy mô lớn dựa trên cách thức tổ chức sản xuất khép kín. Bên cạnh xây dựng hệ thống chuồng nuôi gà sinh sản rộng trên 1.000 m2, ông kết hợp đào ao nuôi cá, trồng thêm rau màu để phục vụ gia đình và cải thiện nguồn thu.
Thời gian đầu triển khai, địa hình trang trạng nằm trên vùng đất trũng, đường xá gập ghềnh khó đi nên việc chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn. Do thiếu kinh nghiệm đối phó dịch bệnh nên nhiều phen gia cầm chết như ngả rạ. Gặp khi mưa lũ nước dâng ngập trắng ao, nhiều tấn cá trôi sạch chỉ trong chớp mắt. "Tôi cùng gia đình quyết tâm khắc phục dần những thách thức này nên về sau, hoạt động của trang trại mới dần khởi sắc”, ông Luân tâm sự.
Hiện trang trại tổng hợp của gia đình ông Luân đã phát triển với 3 ha ao. Mỗi năm ông nuôi 2 lứa cá đủ các loại, xuất bán được khoảng 12 - 13 tấn với giá dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, lãi ròng trên 150 triệu đồng.
Nguồn thu từ đàn gà sinh sản trên 6.000 con, với việc tiêu thụ hơn 5.000 quả trứng/ngày (giá bán 1.700 - 1.800 đồng/quả) đã giúp vợ chồng ông thu về đều đều gần một triệu đồng/ngày. Trang trại của ông còn nuôi trên 3.000 con gà hậu bị để thay thế đàn gà bố mẹ. Theo tính toán, tổng thu nhập của trang trại này mỗi năm đạt 700 - 800 triệu đồng, trừ đi các khoản phát sinh, còn lãi trên 450 triệu đồng.
Nhờ mô hình kinh tế trang trại tập trung đi vào quỹ đạo ổn định, ông Luân có điều kiện nuôi 3 người con học hành đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang và giúp đỡ nhiều hộ xung quanh làm kinh tế. Lão nông từ tay trắng làm nên còn cho vay tiền với lãi suất thấp, hỗ trợ con giống để các hộ khó khăn có điều kiện sản xuất.
Theo Nông nghiệp Việt Nam