Lão nông tỷ phú

Cập nhật: 21-05-2013 | 00:00:00

Yêu nghề nông, gắn bó cả đời với nghề nông, say mê tìm tòi, học hỏi, ông Lê Văn Phấn, 62 tuổi, ngụ ấp 3, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát là người đã mang giống quýt đường về với địa phương và đang giàu nhanh nhờ cây quýt. Với diện tích 17 ha, bình quân mỗi năm ông Phấn thu về hàng trăm triệu đồng/ha. Do vậy, mọi người trong xã vẫn thường gọi ông Phấn bằng cái tên với sự trìu mến và đầy khâm phục: Lão nông tỷ phú. 

 Ông Lê Văn Phấn giới thiệu vườn quýt đường của gia đình

Năm 1977, khi mới 26 tuổi, ông Phấn đã biết tìm hướng đi cho đời mình bằng cách khai hoang đất trồng mía. Tiết kiệm, dành dụm mấy năm có chút vốn, năm 1988 ông thành lập cơ sở sản xuất mía đường. Chỉ 10 năm sau, ông Phấn đã trở thành tỷ phú và được mọi người ở quê nhà gọi là “tỷ phú Đồng Bưng”. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thương trường, ông Phấn nhận thấy ngành sản xuất mía đường ở Việt Nam đang ngày càng đi giật lùi nên quyết định đưa cả gia đình lên Bình Dương mua đất lập nghiệp.

Ban đầu, trên diện tích 4 ha đất mua được ông trồng cây nhãn, mặc dù sản lượng đạt cao nhưng do nhãn không có giá nên không hiệu quả. Năm 2002, ông quyết định phá một nửa diện tích trồng nhãn để trồng thử sầu riêng, cam sành và quýt và ông nhận thấy cây quýt đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Vậy là ông quyết định phá hết diện tích nhãn để trồng quýt. Ông Phấn cho biết: “Quyết định chọn cây quýt đường là cây trồng chủ lực nên tôi đã đi khắp nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng quýt. Trong quá trình chăm sóc cây quýt, tôi đã đúc kết được những kinh nghiệm cho riêng mình. Chất đất ở xã Trừ Văn Thố phù hợp với cây quýt nên sản lượng đạt rất cao, bình quân đạt 50 tấn/ha, nên đem lại hiệu quả cao”.

Cũng nhờ đúc kết được kinh nghiệm mà ông Phấn có thể làm cho quýt chua trở thành quýt ngọt, cho cây ra trái nghịch mùa. Trải lòng với chúng tôi, ông Phấn chia sẻ: “Khi mới trồng quýt do chưa có kinh nghiệm nên năng suất vườn quýt của gia đình tôi không cao; lúc quýt rộ thì mình có trái bán nhưng khi quýt hút hàng giá cao thì vườn nhà hết trái; mình trồng quýt đường nhưng sao không ngọt bằng quýt người ta bán ngoài chợ? Chính từ những trăn trở này mà tôi đã nghiên cứu và tìm ra cách điều chỉnh sao cho trái chua thành ngọt, ra trái nghịch mùa để đạt giá cao”. Chia sẻ với chúng tôi về sự thành công của mình, ông Phấn nói: “Sau khi trồng thành công 4 ha quýt ở Trừ Văn Thố, tôi tìm mua thêm 13 ha đất ở Bình Phước, trong đó có 5 ha cao su, nhưng tôi phá cao su để trồng quýt. Mùa quýt tết vừa rồi gia đình tôi thu hoạch khoảng 200 tấn quýt đường, giá bán bình quân là 30.000 đồng/kg, sau khi đã trừ hết chi phí còn thu về được mấy tỷ đồng”.

Nhận xét của Chủ tịch UBMTTQ xã Trừ Văn Thố về ông Phấn, tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa đầy đủ đức tính của lão nông tỷ phú này: “Ông Phấn là một nông dân hăng say với công việc nhà nông, dám nghĩ dám làm”. Trong cơ chế thị trường hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, vì vậy cần khuyến khích, tạo điều kiện và nhân rộng những mô hình làm hiệu quả như mô hình trồng quýt của gia đình ông Phấn. Có như vậy đời sống nông dân mới ngày càng đi lên, bộ mặt nông thôn mới ngày càng phát triển.

 

 PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=299
Quay lên trên