Lão võ sư trọn đời vì võ học cổ truyền

Cập nhật: 01-12-2020 | 08:06:51

 Muốn gặp lão võ sư Nguyễn Minh Trí, Chưởng môn phái Thiếu lâm Long Phi để đàm đạo chuyện võ học, sáng thứ 2 và thứ 5 hàng tuần ghé quán nước nhỏ bên lề đường Đoàn Thị Liên ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một ắt sẽ gặp. Còn muốn tận mắt xem ông truyền dạy võ học cho các thế hệ võ sinh thì vào chiều tối thứ 2, thứ 6 ra sân Trung tâm Văn hóa tỉnh trên đường 30-4. Năm nay đã gần “thất thập cổ lai hy”, nhưng nghe ông nói chuyện võ học rồi xem ông múa võ, chúng tôi mới cảm nhận hết tình yêu và sự đam mê võ học vẫn không ngừng tuôn chảy trong con người ông...

 Đại võ sư Nguyễn Minh Trí vẫn tích cực truyền dạy võ học cho các thế hệ học trò

 Tầm sư học võ

Nhắc đến các môn phái võ cổ truyền ở Việt Nam, môn phái Thiếu lâm Long Phi ở Bình Dương hiện do võ sư Nguyễn Minh Trí làm chưởng môn (đời thứ 2) khá nổi tiếng. Võ sư Nguyễn Minh Trí là người nắm giữ bài quyền “Roi Tấn Nhất” có nguồn gốc từ dòng võ Tân Khánh - Bà Trà và đã được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam chọn để biên soạn là 1 trong 18 bài võ quy định trong sách “Võ cổ truyền Việt Nam”.

Bài quyền “Roi Tấn Nhất” có nguồn gốc từ dòng võ Tân Khánh - Bà Trà, bao gồm 12 câu thiệu, 53 động tác. Võ Tân Khánh - Bà Trà là một trong những di sản văn hóa phi vật thể hình thành từ rất sớm trên địa bàn tỉnh, đã và đang được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm bảo tồn, phát triển.

Để trở thành người nắm giữ bài quyền “Roi Tấn Nhất” này, đại võ sư nói rằng đó là cả một hành trình miệt mài theo đuổi võ học của ông. Quê ngoại của ông ở phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên - vùng quê một thời nổi tiếng với món võ “đả hổ” Tân Khánh - Bà Trà. Từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Minh Trí đã được ông ngoại của mình dẫn dắt đến với võ thuật. Ngày ngày về thăm ông ngoại, thấy ngoại thường hay múa võ rèn luyện sức khỏe, cậu cũng tập tành múa theo.

Thấy cháu mình có năng khiếu và nhiều lần xin theo học, ông ngoại đã đồng ý dạy cho cháu những thế võ đầu tiên trong đời, đó là những thế võ Tân Khánh - Bà Trà. Từ cái gốc ban đầu ấy, sau này võ sư Nguyễn Minh Trí đã nghiên cứu, hệ thống lại thành bài quyền “Roi Tấn Nhất” và được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chọn là 1 trong 18 bài võ quy định, in trong sách “Võ cổ truyền Việt Nam”. Ông được xem là người nắm giữ bài quyền “Roi Tấn Nhất” thuộc dòng võ Tân Khánh - Bà Trà trên đất Bình Dương.

Phát triển võ học

Năm 1967, ông chuyển về TP.Hồ Chí Minh sinh sống. Với niềm đam mê học võ luôn chảy bỏng, mỗi khi có dịp ngang qua võ đường nào ông cũng nán lại gần xem. Như cái duyên đưa đẩy, một lần đi ngang qua chợ Tân Bình, ông thấy có một võ đường hoạt động ở đó. Sau nhiều lần nấn ná xem các môn sinh võ đường này miệt mài luyện tập, thấy các thế võ, quyền pháp của môn phái này cũng có những nét tương đồng như dòng võ mà ông từng được ngoại truyền dạy trước đây nên vào xin theo học. Từ đó, ông trở thành đệ tử của môn phái Thiếu lâm Long Phi. Đây cũng là nơi ông từng bước trưởng thành trên con đường võ học. Sau một thời gian luyện tập, ông trở thành huấn luyện viên truyền dạy cho bao thế hệ học trò và bây giờ là chưởng môn đời thứ 2 của môn phái.

“VÕ NHẠC LÀ SỰ KẾT HỢP ĐẶC SẮC. NHẠC TÔN VÕ LÊN MỘT TẦM CAO MỚI VÀ THƯỜNG GẮN VỚI NHỮNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ DÂN TỘC NÊN ÂM HƯỞNG HÙNG HỒN VÀ MANG LẠI CHO NGƯỜI XEM CẢM GIÁC RẤT PHẤN CHẤN. ĐÂY CŨNG CHÍNH LÀ NÉT ĐẶC SẮC RIÊNG MÀ MÔN PHÁI THIẾU LÂM LONG PHI ĐÃ PHÁT TRIỂN TRONG NHIỀU NĂM QUA”,

(Võ sư Nguyễn Minh Trí)

Điềm đạm, ít nói, nhưng khi nhắc đến võ học 2 mắt ông sáng hẳn lên. Ông cho biết, sau gần 10 năm rời quê tầm sư học võ, ông lại quay về quê hương Bình Dương để truyền bá võ học Thiếu lâm Long Phi cho mọi người. Năm 1991, khi chưởng môn đầu tiên Nguyễn Văn Thinh qua đời, là đệ tử chân truyền của môn phái, võ sư Nguyễn Minh Trí được tín nhiệm là người thay thế thầy mình gánh vác trách nhiệm của môn phái. Ông trở thành chưởng môn đời thứ 2 của môn phái Thiếu lâm Long Phi khi mới 40 tuổi.

Từ đây, võ sư Nguyễn Minh Trí đã có cơ duyên phát triển môn phái trở thành một trong những môn phái võ cổ truyền nổi tiếng trong làng võ cả nước. Không chỉ ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, ông còn đưa môn phái Thiếu lâm Long Phi phát triển mạnh ở tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Quảng Trị và cả ở nước ngoài.

Tại Bình Dương, Câu lạc bộ (CLB) võ thuật Thiếu lâm Long Phi là một trong những CLB võ thuật cổ truyền được thành lập đầu tiên (vào năm 1996) của Nhà Văn hóa Sông Bé (nay là Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh). Môn sinh của môn phái cũng ngày càng phát triển và tăng lên rất nhiều so với con số chỉ hơn 100 người ban đầu. Trong quá trình hoạt động, CLB đã nhiều lần đi biểu diễn, thi đấu trong các kỳ Festival, hội thi liên quan đến võ thuật. Những tiết mục xuất sắc của Thiếu lâm Long Phi luôn được đánh giá cao, chọn làm tiết mục công diễn tại các hội thi, hội diễn.

Thăng hoa võ nhạc

Để được đánh giá cao và mọi người đón nhận, trong các tiết mục biểu diễn của môn phái Thiếu lâm Long Phi trên sâu khấu luôn có sự kết hợp với âm nhạc. Trên nền các bài nhạc, như: Bạch Đằng giang, Nòi giống tiên rồng, Vươn vai Phù Đổng, Hòn vọng phu... võ sư Nguyễn Minh Trí đã dày công nghiên cứu để kết hợp giữa võ với nhạc tạo thành những bài võ nhạc đặc sắc. Với sự kết hợp các bài quyền trên nền nhạc mang âm hưởng dân tộc, ca ngợi lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, dưới sự hướng dẫn của võ sư Trí, các tiết mục võ nhạc đã được các võ sinh Thiếu lâm Long Phi biến hóa uyển chuyển, kết hợp, hòa quyện giữa võ thuật và nghệ thuật.

Các thế võ được thăng hoa trên nền nhạc và truyền thêm cảm hứng cho người biểu diễn cũng như người xem. Mỗi tiết mục lên sâu khấu biểu diễn dù chỉ có mấy phút, nhưng phải mất công nghiên cứu, dàn dựng đến mấy tháng trời. Sau khi chọn được bài nhạc phù hợp, phải biên tập, dàn dựng, rồi huy động lực lượng diễn thử xem có phù hợp hay chưa. Nếu vẫn chưa được thì tiếp tục nghiên cứu đến khi nào giữa võ và nhạc thật sự hòa quyện vào nhau thì mới đưa vào biểu diễn.

Trong thời gian qua, môn phái Thiếu lâm Long Phi đã tham dự nhiều giải đấu trong nước, khu vực cũng như quốc tế và mang về nhiều huy chương các loại, góp phần tích cực vào những thành tích về võ cổ truyền của tỉnh nhà. Đặc biệt, trong nhiều lần tham gia Liên hoan Quốc tế võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Bình Định, môn phái Thiếu lâm Long Phi ở Bình Dương đều có tiết mục xuất sắc được chọn công diễn bế mạc. Năm 2016, trong khuôn khổ giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 1 (tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.Hồ Chí Minh), tiết mục võ nhạc sân khấu hóa “Nòi giống tiên Rồng” của môn phái Thiếu lâm Long Phi Bình Dương cũng vinh dự được chọn diễn khai mạc và được đánh giá rất cao. Từ nhiều năm qua, phần tế võ - một nghi lễ chính trong lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại trường chuyên Hùng Vương đều do môn phái Thiếu lâm Long Phi thực hiện. Các tiết mục võ nhạc mang âm hưởng sử ca hết sức hào hùng, góp phần mang lại không khí lễ giỗ tổ hết sức thiêng liêng và ý nghĩa.

Với những đóng góp trong việc truyền dạy, phát triển võ học, năm 2019, võ sư Nguyễn Minh Trí được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phong tặng danh hiệu “Đại võ sư quốc gia” vì đã có thành tích cống hiến đặc biệt vào việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam. Năm nay, đại võ sư đã xấp xỉ 70 tuổi, nhưng trông vẫn rất cường tráng, khỏe khoắn và đặc biệt ông vẫn tích cực truyền dạy võ học cổ truyền cho những môn sinh muốn rèn sức khỏe, phát triển võ học trên đất Bình Dương. Mới đây, võ sư Nguyễn Minh Trí là một trong 3 cá nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh đã được hội đồng cấp tỉnh họp xem xét và thống nhất đề nghị hội động cấp bộ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ III năm 2021.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2135
Quay lên trên