Lập công ty, lừa đảo người lao động – Bài 2 

Cập nhật: 10-07-2015 | 08:32:15

Bài 2: Người tìm việc cần cảnh giác

Sau thời gian thâm nhập thực tế, P.V Báo Bình Dương đã ghi nhận ngoài những công ty có bến bãi làm ăn chân chính khi tuyển dụng, sử dụng lao động thì vẫn còn có nhiều đối tượng đã tự đặt tên công ty, in số điện thoại lên tờ rơi để người lao động “sập bẫy”. Mùa hè là bước vào mùa cao điểm lao động khi nhiều người từ các miền quê đi tìm công việc thời vụ, họ rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng này.

Sau khi biết mình bị lừa, để đòi lại tiền cọc, nhiều nạn nhân dọa sẽ báo công an xử lý; tuy nhiên có nạn nhân đã dùng vũ lực để đòi nợ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Đòi “tiền cọc” bằng vũ lực

Như chúng tôi đã phản ánh trong số báo trước, tình trạng nhiều đối tượng dán tờ rơi để tuyển dụng người lao động, nhưng thực ra là lừa đảo người lao động đang tìm việc. Nội dung mà hai bên thỏa thuận ban đầu hoàn toàn trái ngược so với thực tế đã khiến nhiều người bức xúc. Và để lấy lại được tiền, nhiều người đã dùng đến vũ lực.

Trong khi nhiều nạn nhân đã bỏ cuộc trong quá trình đòi lại “tiền cọc” bởi những lời lẽ hăm dọa của những đối tượng lừa đảo của nhiều “công ty ma” thì nạn nhân Huỳnh Thanh Hằng (28 tuổi, quê An Giang) lại chọn phương án dùng bạo lực để đòi tiền. Anh Hằng cho biết: “Từ nội dung trong tờ rơi của Công ty TNHH Đình Quyết dán trên trụ điện ở đường 22-12 (thuộc phường Thuận Giao, TX.Thuận An), tôi điện xin đi làm bốc xếp. Trong lúc khó khăn, để có 350.000 đồng ký hợp đồng với người của công ty này, tôi phải đem điện thoại đi cầm cố. Tuy nhiên, khi tiếp nhận công việc, chúng tôi phát hiện mình đã bị lừa nên gọi điện thoại cho người ký hợp đồng thì nhận được câu trả lời là sẽ không trả lại tiền, họ còn dăm dọa đánh tôi. Trong tình thế này, tôi không còn cách nào khác hơn là phải dùng bạo lực để “nói chuyện” đối với những người lừa đảo này”.

P.V đang trao đổi với anh Huỳnh Thanh Hằng (bìa trái),
người may mắn lấy lại được 350.000 đồng tiền cọc. Ảnh: T.QUANG

Theo lời kể của anh Hằng, để “nhử” được đối lượng, anh đã dùng số điện thoại khác gọi vào số của công ty này để xin việc bốc xếp. Đúng hẹn, 14 giờ ngày 10-5, tại KP.4, phường An Phú, TX.Thuận An, Hằng đã gặp được thanh niên tên Lực (người của Công ty Đình Quyết đã đứng ra ký hợp đồng với anh Hằng trước đó - P.V). Tại đây, nhóm bạn của Hằng đã khống chế được tên Lực và cho đối tượng này “no đòn” để lấy lại tiền.

Sau thời gian “ngậm bồ hòn làm ngọt”, một ngày cuối tháng 5, nhiều nạn nhân của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ giao nhận xếp dỡ vận tải Đại Dương (gọi tắt là Công ty Đại Dương) đã kéo đến “văn phòng đại diện” của công ty này tọa lạc tại KP.Thống Nhất 1, phường Dĩ An, TX.Dĩ An để đòi “tiền cọc”. Nhiều người đã may mắn lấy lại được 350.000 đồng tiền cọc trước đó. Trao đổi với P.V, một người may mắn lấy lại được tiền đặt cọc cho biết: “Đây là những đối tượng lừa đảo người lao động phổ thông. Trong khi chúng tôi nói ngon ngọt thì bọn chúng lộ rõ bộ mặt du côn, thực hiện hành vi lừa gạt chúng tôi. Vì thế, chúng tôi phải dùng bạo lực để nói chuyện. Điều chúng tôi mong muốn là ngành chức năng cần mạnh tay trừng trị thích đáng theo đúng pháp luật đối với những đối tượng này để không còn nhiều người khác tiếp tục bị chúng lừa gạt”.

Khác với việc đòi tiền cọc bằng vũ lực như vừa đề cập trên, anh Trịnh Văn Trịnh (30 tuổi, quê Bạc Liêu) dùng “chiêu hù” đối với người của Công ty Đình Quyết. Anh Trịnh cho biết: “Để có 350.000 đồng ký hợp đồng với người của Công ty Đình Quyết, tôi phải đem chiếc nhẫn cưới đi cầm cố. Sau khi phát hiện mình bị lừa ngay tại kho hàng ở phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, tôi đã nhiều lần gọi điện vào số của Công ty Đình Quyết chất vấn, họ cho rằng tôi là người không đáp ứng được công việc nên không trả lại tiền. Sau đó, tôi tiếp tục liên lạc và nói: Nếu không hoàn trả lại tiền thì tôi sẽ báo công an xử lý. Vì sợ công an vào cuộc nên họ đã trả tiền lại cho tôi”.

Một hợp đồng khoán việc được làm sơ sài và sai luật như thế này
đã khiến nhiều người “sập bẫy”. Ảnh: T.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trước sự việc Công ty Đại Dương lừa đảo mình và nhiều đồng hương Thanh Hóa, anh Trần Ngọc Anh đã làm đơn phản ánh sự việc đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Dương. Nhận được đơn, lãnh đạo sở này đã chỉ đạo cho Phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An xác minh thông tin để làm rõ vụ việc. Ngày 28-5, Phòng LĐ- TB&XH TX.Dĩ An đã phối hợp với Công an phường Dĩ An tiến hành kiểm tra “văn phòng” của Công ty Đại Dương tại KP.Thống Nhất 1, phường Dĩ An. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tổ công tác không tìm ra được văn phòng của công ty này theo địa chỉ trên hợp đồng mà anh Trần Ngọc Anh đang giữ. Ông Đặng Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX.Dĩ An, cho biết: “Tuy không xác định được địa điểm làm việc của công ty này nhưng chúng tôi đã xác minh thông tin về Công ty Đại Dương trước đây có trụ sở đặt tại quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Vì thế, đơn vị rất khó khăn trong việc xử lý đối với công ty này”.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về hành vi lừa đảo người lao động của những người tự xưng là nhân viên của Công ty Đại Dương, một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, nhiều nạn nhân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã gửi đơn phản ánh sự việc đến đơn vị này. Sau đó, Phòng LĐ- TB&XH quận Thủ Đức đã phối hợp với các ngành liên quan lập biên bản xử lý công ty này. “Bị động, nhóm người trong Công ty Đại Dương đã nhiều lần thay đổi vị trí làm việc trên địa bàn quận rồi đem con dấu sang địa bàn phường Dĩ An, TX.Dĩ An để tiếp tục lừa đảo người lao động. Hiện Phòng LĐ-TB&XH quận Thủ Đức cũng đã làm công văn đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.Hồ Chí Minh rút giấy phép hoạt động đối với công ty này”, một cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận Thủ Đức cho biết.

Người lao động cần cảnh giác

Với hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó” của một số người tuyển dụng rồi bỏ rơi người lao động đã xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, cụ thể như nội dung trong những tờ rơi của một số công ty có nêu rõ công việc bốc xếp hàng hóa là bánh, kẹo, sữa… nặng từ 17 đến 25 sẽ được hưởng lương 350.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, khi làm văn bản hợp đồng, những người này lại không hề nêu cụ thể công việc hoặc làm việc ở đâu. Đáng nói là văn bản hợp đồng lao động không đúng theo pháp luật quy định. Cụ thể, như: Địa chỉ của công ty không được đề cập, trong văn bản có con dấu của công ty nhưng lại không có chữ ký của giám đốc công ty. Vì thế, khi phát hiện mình bị lừa, nhiều nạn nhân đã “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì cho rằng không đủ chứng cứ pháp lý để khởi kiện công ty. Nạn nhân mà các đối tượng này nhắm đến là những thanh niên đang cần việc làm thời vụ.

Ông Trịnh Văn Ngọc Huy, cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh, cho biết: “Do nắm bắt được nhu cầu lao động của những người chưa có việc làm khi mới đến Bình Dương, hiện trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số người lợi dụng sự ít hiểu biết của người lao động để soạn thảo hợp đồng không đúng theo quy định của pháp luật để lừa đảo. Trước sự việc này, sở đã chỉ đạo cho các Phòng LĐ-TB&XH trực thuộc phải kết hợp với những đơn vị liên quan để rà soát lại các địa điểm, đơn vị tuyển dụng lao động. Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, sẽ không xảy ra những trường hợp người lao động phổ thông bị các đối tượng xấu lừa gạt, bội ước hợp đồng”.

 

THANH QUANG  

Chia sẻ bài viết
Tin là công an sẽ túm nó thôi.
Minh Minh (Cách đây 9 năm)
Báo Bình Dương lúc này có rất nhiều điểm giống tời tuổi trẻ và có chuyện đọc báo giúp bạn nữa. Thích quá trời luôn, mở điện thoại lên mạng là khỏi phải đọc.
Hà Thị Bảo Bình (Cách đây 9 năm)
Hôm nay tụi tuyển dụng hoạt động lại rồi đó. Hiện nay chúng tập trung ở phường Đông Hòa đó.
Trương Ly Na (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2101
Quay lên trên