Sau gần 1 năm nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm, đến thời điểm này, việc thử nghiệm chất lượng thiết bị giám sát hành trình (GSHT, ảnh) đã được Bộ GTVT cơ bản hoàn tất. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt và quản lý, sử dụng thiết bị này như thế nào đang là một vấn đề được đặt ra.
Lợi ích...
Kết quả cuộc thử nghiệm lắp đặt thiết bị GSHT do Bộ GTVT, Bộ Công an và Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội vừa thực hiện trên xe khách chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn cho thấy, thiết bị này có thể kiểm soát được những vấn đề liên quan đến an toàn chạy xe, thông qua việc ghi và lưu trữ được những thông tin quan trọng như tốc độ chạy xe, hành trình chạy xe, thời gian lái xe theo quy định, số lần và thời điểm đóng hoặc mở cửa xe, số lần và thời gian dừng đỗ xe…
Như vậy, về phía doanh nghiệp (DN) sẽ dễ dàng quản lý hoạt động của phương tiện, giờ xuất bến, giờ đến bến, thời gian dừng xe, quãng đường đi, tọa độ của xe theo thời gian và có thể vẽ hành trình xe chạy nếu dữ liệu được truyền về máy tính… từ đó giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu suất khai thác, độ an toàn chạy xe. Về phía các lực lượng chức năng, thiết bị GSHT giúp cho việc kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm của lái xe một cách đơn giản, chuẩn xác hơn.
Do thiết bị có gắn kèm theo máy in, lực lượng chức năng dễ dàng có những thông tin quan trọng sẽ được hiển thị về hành vi vi phạm như thời điểm xe chạy quá tốc độ, thời gian lái xe quá quy định của từng người lái... Bộ Công an và các bộ ngành liên quan cũng sẽ nghiên cứu áp dụng cơ sở dữ liệu của thiết bị GSHT để xử phạt vi phạm giao thông, điều tra nguyên nhân gây tai nạn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, các thiết bị GSHT vừa được thử nghiệm đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu như đơn giản, dễ sử dụng, có tính bảo mật cao, lái xe không thể can thiệp, thay đổi số liệu… Với kết quả này, Bộ GTVT đang tiến hành soạn thảo Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng thiết bị GSHT chuẩn bị cho việc áp dụng đại trà, dự kiến thông tư này sẽ được ban hành vào tháng 8 tới đây.
Vẫn còn băn khoăn
Theo lộ trình của Bộ GTVT, trong tháng 8-2010, bộ sẽ yêu cầu những DN có xe vận tải khách chạy trên 500km, xe container báo cáo số lượng. Tiếp theo đó, Cục Đăng kiểm sẽ có thông báo cụ thể về việc lắp đặt thiết bị GSHT đến các DN. Bắt đầu 1-7-2011, các xe thuộc diện phải lắp hộp đen nhưng không thực hiện sẽ phải ngừng hoạt động. Các trạm đăng kiểm xe cơ giới sẽ không cấp tem kiểm định cho xe không có thiết bị.
– Theo lộ trình áp dụng Luật GTĐB mới, từ 1-7-2011, các xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container sẽ phải gắn thiết bị GSHT.
– Từ ngày 1-1-2012: Xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng buộc phải gắn thiết bị GSHT.
– Từ ngày 1-7-2012: Tất cả các loại xe kinh doanh vận tải hành khách phải lắp thiết bị GSHT.
Với lộ trình này, các DN có phương tiện thuộc diện lắp thiết bị GSHT từ 1-7-2011 chỉ còn khoảng 1 năm. Cho đến thời điểm này, ngoại trừ một số DN lớn đã tiên phong trong việc lắp đặt thiết bị GSHT để quản lý phương tiện như Mai Linh, Thuận Thảo, Phương Trang… hầu hết các DN vẫn đang ở tình trạng nghe ngóng, chờ đợi thông tin mới từ Bộ GTVT và các cơ quan chức năng.
Nếu như các DN lớn khác quan tâm và tự giác lắp đặt hộp đen để quản lý phương tiện tốt hơn thì các DN vừa và nhỏ lại chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Lý do mà các DN vẫn còn chần chừ là chưa hiểu được hết lợi ích của việc lắp đặt hộp đen, cộng với chi phí lắp đặt khá cao. Đại diện Doanh nghiệp Vận tải Phương Mai (Hà Nội) cho rằng, chi phí lắp đặt một chiếc hộp đen hiện là 400USD, ngoài ra, mỗi xe lắp đặt thiết bị này sẽ phải mất chi phí quản lý, thuê bao điện thoại khoảng 190.000 đồng/tháng, một khoản chi phí không phải nhỏ đối với DN.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo chất lượng ổn định, độ bền của hộp đen trong điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều của Việt Nam cũng là điều rất đáng lưu tâm. Anh Nguyễn Khang, Giám đốc điều hành DN Vận tải Tuyết Nhung (Hà Nội) lại băn khoăn về việc, cơ quan chức năng nào sẽ được lấy thông tin từ hộp đen và lấy ở mức độ nào, thời gian và chất lượng kiểm định thiết bị có làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN?
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các DN vận tải nói chung đã sẵn sàng cho việc lắp đặt thiết bị GSHT, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị này, tránh tình trạng DN đầu tư rồi lại phải thay đổi theo yêu cầu của cơ quan quản lý gây tốn kém.
Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn, giải quyết những băn khoăn hiện nay của DN đồng thời tránh cho các DN quá cập rập khi thực hiện chủ trương. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc chậm trễ lắp đặt thiết bị GSHT rất có thể dẫn đến tình trạng các DN vận tải đình trệ hoạt động, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân
Theo SGGP