Lập hàng chục công ty để “rút ruột” container

Cập nhật: 12-06-2024 | 08:53:29

Để thực hiện hành vi buôn lậu, Nguyễn Bảo Quân thành lập hàng loạt công ty và phân chia nhiệm vụ cho đồng phạm đứng tên, thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Khi cơ quan công an phát hiện sự việc, Quân bỏ trốn, các “mắt xích” còn lại trong “liên minh” buôn lậu phải hầu tòa…

Lập công ty để qua mặt cơ quan chức năng

Sau thời gian theo dõi, lúc 9 giờ ngày 15-1-2017, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương bắt quả tang tại doanh nghiệp tư nhân An Thái (phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An) có hành vi buôn lậu. Khám xét 4 kho hàng liên quan, cơ quan chức năng thu giữ lượng lớn hàng hóa không có thủ tục hợp pháp. Tiến hành kiểm tra container hàng liên quan đến Công ty An Thái tại cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), cơ quan chức năng tiếp tục thu giữ nhiều tang vật liên quan. Qua thống kê, tổng giá trị hàng hóa buôn lậu liên quan đến Nguyễn Bảo Quân và đồng bọn gần 28 tỷ đồng.


Các bị cáo trong đường dây buôn lậu do Nguyễn Bảo Quân cầm đầu lãnh án

Theo hồ sơ, vào ngày 28- 5-2010, Quân đăng ký thành lập và làm Giám đốc Công ty TNHH Tân Sơn Nhất, có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), ngành nghề kinh gồm: Dịch vụ, thiết bị điện tử, sửa chữa xe ô tô... Từ năm 2015 đến tháng 1-2017, Quân cùng thuộc cấp của mình tổ chức thực hiện các vụ buôn lậu dưới hình thức nhập hàng quá cảnh từ các nước và vùng lãnh thổ như Singapore, Đức, Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản… sang Campuchia, quá cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, khi hàng hóa về tới Việt Nam, Quân cùng đồng bọn thuê kho bãi, bốc vác, cắt seal hãng tàu, cắt cửa container đưa toàn bộ hàng xuống tập kết tại các kho chứa và đưa đi tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, sau đó đưa hàng hóa khác đã chuẩn bị sẵn lên container (chủ yếu là đồ nhựa) rồi đưa sang Campuchia theo lịch trình vận chuyển quá cảnh.

Trong thời gian từ tháng 6-2014 đến tháng 1-2017, Quân đã đăng ký thành lập thêm 13 công ty trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để mở tờ khai nhập hàng lậu với hình thức quá cảnh. Mỗi công ty Quân cho một người đứng tên giám đốc, hầu hết là nhân viên trong Công ty Tân Sơn Nhất.

Nhiệm vụ của các “mắt xích”

Trong quá trình hoạt động, Quân tạo nhiều nhóm “chat” trên phần mềm Viber, trong đó có nhóm “P. Kinh doanh TSN”, nhóm “Phong Thu Tuc LGVN”… để trao đổi với nhau.

Nhằm giữ bí mật cho việc làm ăn, Quân chỉ đạo người áp tải hàng hóa, người cảnh giới, sử dụng xe đầu kéo, tài xế riêng của Công ty Tân Sơn Nhất; chỉ thuê công ty vận tải chở hàng hóa từ cảng về đến khu vực cầu vượt Bình Phước (TP.Hồ Chí Minh) thì tháo container, sau đó sử dụng xe, tài xế Công ty Tân Sơn Nhất kéo về địa điểm lấy hàng. Quân chỉ đạo Nguyễn Quốc Hoàng thuê và quản lý 4 kho để tập kết, chứa hàng lậu, tân trang sửa chữa, đóng gói bán ra thị trường. Quân chỉ đạo Đoàn Phi Vũ thuê và quản lý 2 kho bãi, gồm 1 kho tại phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An) và 1 kho tại TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh).

Khi tuồn hàng ra thị trường, ngoài việc xuất bán không có hóa đơn chứng từ, Quân và đồng phạm còn thực hiện việc lập khống hợp đồng thu mua, hợp đồng ký gửi để phục vụ việc bán hàng trong trường hợp khách hàng yêu cầu hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào cho hàng hóa nhập lậu và hợp thức hóa thủ tục kế toán. Các đối tượng tham gia buôn lậu với Quân đều là nhân viên trong Công ty Tân Sơn Nhất được trả lương tháng theo nhu cầu công việc và việc thực hiện hành vi buôn lậu theo sự phân công của Quân.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án, hội đồng xét xử nhận định các bị cáo thực hiện hành vi một cách tích cực, nguy hiểm, xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế. Trong đó Nguyễn Bảo Quân (hiện đã bỏ trốn) đóng vai trò chính là người chủ mưu cầm đầu đường dây buôn lậu, các bị cáo còn lại trong vụ án đóng vai trò đồng phạm là người thực hành, giúp sức với tính chất mức độ khác nhau. Với tội danh “buôn lậu”, bị cáo Đoàn Phi Vũ bị tuyên phạt 16 năm tù; bị cáo Kim Thế Cường, Huỳnh Văn Vũ, Triệu Ngọc Hiền cùng lãnh án 13 năm tù; bị cáo Hứa Tân Phú và Nguyễn Huỳnh Tài cùng lãnh án 12 năm tù.

Khi tuồn hàng ra thị trường, ngoài việc xuất bán không có hóa đơn chứng từ, Quân và đồng phạm còn thực hiện việc lập khống hợp đồng thu mua, hợp đồng ký gửi để phục vụ việc bán hàng trong trường hợp khách hàng yêu cầu hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào cho hàng hóa nhập lậu và hợp thức hóa thủ tục kế toán.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=933
Quay lên trên