“Nhà tôi hồi đó rất nghèo. Vậy mà không hiểu sao 4 năm tôi học đại học, mẹ vẫn tiết kiệm được 20 triệu đồng. Mẹ cất giấu kỹ càng nói là cho tôi ra trường… chạy việc! Lương kế toán của tôi hồi đó 500.000 đồng/tháng. So tiền lương với tiền chạy việc, tôi thấy vô lý quá và xin mẹ tiền đó làm vốn, vác ba lô vào Nam” - anh bắt đầu câu chuyện của mình như thế…
Thành công, thất bại đều nếm trải
Anh là Lê Quang Hoàng, quê ở Thái Bình hiện là chủ nhà hàng Bạch Đằng (ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng, Tân Uyên) và chủ cơ sở cung cấp thức ăn cho các công ty, trường học bán trú. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Thảo, quê ở Quảng Trị. Chồng học kế toán, vợ học sư phạm và cùng vào Bình Dương lập nghiệp. Năm 2002, họ gặp nhau và quyết tâm làm giàu…
Nhà hàng Bạch Đằng - một trong những cơ ngơi của người lập nghiệp bằng tiền chạy việc
Anh Hoàng kể: “Những năm 1995, 1996 là giai đoạn cực kỳ khó khăn cho tôi trong việc quyết định đi làm ăn xa hay ở lại quê nhà. Xin việc ở quê khó vô cùng nhưng ba mẹ tôi nói… lo được với 20 triệu đồng dành dụm, chắt chiu. Ai cũng muốn sống gần gia đình, gắn bó với quê hương mình nhưng tôi thử đi hỏi việc vài nơi họ cho biết mức lương khoảng 500.000 đồng/ tháng nhưng phải… chạy! Nghĩa là, nếu nhận lương, không đụng vào một đồng nào, 40 tháng sau tôi mới có đủ số tiền mà mẹ dành dụm. Suy nghĩ mãi, tôi xin ba mẹ số tiền đó làm vốn và vào Nam”.
Anh xin vào làm cho một công ty tại TX.Thuận An, chấp nhận sống cuộc đời giản dị của một thanh niên lần đầu xa quê. Số tiền 20 triệu đồng hồi đó rất lớn và… sợ mất, sợ tiêu thâm hụt vốn lận lưng nên anh đi tìm mua đất. Anh tìm về ấp Bình Khánh, xã Khánh Bình, Tân Uyên mua đất và “đường hồi đó phải men theo lằn ranh của 2 bánh xe bò mà đi”. Một khoảng đồng trống mênh mông chưa có đường giao thông nhưng với “tầm nhìn” của anh Hoàng thì đây sẽ là một nơi có nhà máy, xí nghiệp, dân cư sẽ đông đúc trong nay mai. Anh mua một miếng đất ngang 8m, dài 80m với giá 80 triệu đồng. Ngoài số vốn đã có, anh phải vay mượn thêm 60 triệu đồng nữa. “Tiếp đó là những năm tháng cày trả nợ tiền đất. Tôi làm việc ở công ty, nhận làm thêm cho nhiều nơi nữa. Ai kêu việc gì cũng làm. Lần đầu có chút của cải, tôi hăng lắm, làm việc không biết mệt…”, anh Hoàng chia sẻ. Và, như anh dự đoán, Khánh Bình ngày một tấp nập người tứ xứ tìm về sinh sống. Miếng đất anh mua dùng để làm phòng trọ cho thuê. Tiền cho thuê nhà anh dùng đắp đổi những khoản vay trước đó.
Khi công việc ổn định, anh cưới vợ. Vợ anh đang đi dạy ở TP.HCM nghỉ dạy về phụ chồng. Anh cũng đưa ba mẹ ở quê vào để tiện bề báo đáp hiếu hạnh với bậc sinh thành. Không gì vui bằng cả nhà sum họp, quây quần bên nhau. Anh lại lao vào làm ăn với mong muốn đem lại cuộc sống hạnh phúc, êm đềm nhất cho người thân nhưng lại… đụng thất bại! Đó là thời điểm anh hùn hạp mở rộng công việc làm ăn với bạn bè và cung cấp thức ăn công nghiệp. Đầu tư nhiều nhưng tình hình kinh tế ngày một khó khăn. “Tiền trả cho nhân công cũng… toát mồ hôi khi đến ngày phát lương hàng tháng. Thế là tôi cắt lỗ, dừng lại ở mức “âm” gần một tỷ đồng chứ hơn nữa chắc đuối luôn, vợ con không có nhà ở”, anh Hoàng chia sẻ.
Anh Hoàng “nghỉ giải lao” khi thấy mệt vì làm mọi việc trong nhà hàng như một nhân viên
Và làm lại…
Tiết kiệm, làm mọi việc đều có tính toán kỹ lưỡng và chịu khó là bí quyết của ông chủ trẻ mới ngoài 40 tuổi này. Anh Hoàng chỉ vào cây si cổ thụ trồng trong khuôn viên nhà hàng và nói đó là cây anh tự lùng sục ở các làng, xã để mua. Cây mọc hoang ở bờ ao, anh mua khoảng 5 - 6 triệu đồng đem về chăm sóc, tạo dáng. Giờ có người đến quán thích, trả vài chục triệu anh không bán. Sắp tới, anh sẽ trồng rau sạch tại đất ruộng gần quán mà anh đã mua lại. Rau đó cung cấp cho nhà bếp, vừa an toàn thực phẩm lại vừa rẻ…
Vẫn là làm suất ăn công nghiệp, nhà hàng, quán cà phê nhưng anh Hoàng cẩn thận hơn. Lần này anh làm một mình chứ không làm chung với ai nữa. Không chỉ đến chào hàng ở những công ty, anh còn tìm đến các trường bán trú. Anh giới thiệu về dịch vụ của mình và xin nhà trường cho mình nấu thử, cung cấp thử thức ăn cho học sinh bữa trưa, bữa xế có hợp khẩu vị và bảo đảm dinh dưỡng không mới ký hợp đồng lâu dài. Tận tụy, chịu khó vậy nên giờ đây, ngoài nhà hàng Bạch Đằng với hơn 10 nhân viên, ở cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp của anh còn có hàng chục nhân viên vừa đi chợ, nấu nướng, giao cơm cho một số công ty, trường học tại Thuận An, Tân Uyên.
Từng trải qua khó khăn, thất bại trong quá trình lập nghiệp nên anh Hoàng tỉ mẩn trong từng việc dù là nhỏ nhất. Ở nhà hàng, anh đầu tư cho những “món ruột” của mình như lẩu tôm, lẩu hải sản Bạch Đằng (“thương hiệu” riêng của quán), canh chua cá lăng, gà tiềm ớt hiểm… Thức ăn bảo đảm tươi sống và giá cả phải chăng là điều anh cố duy trì để giữ khách. Anh luôn dặn nhân viên “nghe ngóng” phản hồi của thực khách để thay đổi cách nấu nướng, phục vụ. Với những nơi nhận cung cấp suất ăn công nghiệp, anh cũng cẩn thận trong việc chọn nhà cung cấp thực phẩm, lưu ý nhân viên chế biến sạch sẽ và lưu mẫu thức ăn để kiểm tra khi cần thiết…
Riêng quán cà phê, nhà hàng Bạch Đằng anh đầu tư gần 3 tỷ đồng. Đầu tư vào nhà hàng này cũng là một “tầm nhìn” của ông chủ trẻ này. Khi biết có cây cầu bắc qua sông, anh đi dò hỏi mua đất. Khi đó còn cách trở đò giang nên đất còn rẻ. Anh mua… để đó và khi có đủ nguồn lực, khi cây cầu nối nhịp bờ vui cũng là khi anh bắt đầu trồng cây xanh, tạo khuôn viên đẹp để xây nhà hàng.
Giờ đây, chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua, anh thấy đời mình “bắt đầu đúng” từ khi quyết định cầm tiền chạy việc đi lập nghiệp. Anh cũng từng đem bài học này của bản thân để “dạy” cho những đứa em, cháu của mình phải tự lập, tự lực để kiếm một công việc đàng hoàng, sống lương thiện là được. Giờ đây, với anh là cuộc sống hạnh phúc cùng người thân, ngày ngày nhìn 2 đứa con lớn lên, ngoan ngoãn bên người vợ “cựu giáo viên” là anh vui rồi…
Q.NHƯ – H.THUẬN