Tối qua (23-4, tức mùng 10-3 âm lịch), tại trường THPT chuyên Hùng Vương, UBND tỉnh tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Lễ Giỗ Quốc Tổ năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước chào mừng các ngày lễ lớn như đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước... vì thế, lễ hội là dịp để giáo dục trong mọi tầng lớp nhân dân nói chung, học sinh - sinh viên nói riêng truyền thống uống nước nhớ nguồn, niềm tự hào dân tộc và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lãnh đạo tỉnh châm đuốc, dâng hương tưởng niệm nhớ đến các vua HùngLễ trang nghiêm
Sân trường THPT chuyên Hùng Vương chiều mùng 10-3 bỗng như hóa phép trở thành Đền Hùng, với cổng đền và tường rào bao bọc trông thật uy nghi. Bước vào cổng “đền” là những hàng cờ xí đủ màu và các câu thơ như để khơi gợi công lao 4.000 năm dựng nước của các vua Hùng như “Xưa các vua Hùng đã có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”... Theo chương trình, đến 19 giờ buổi lễ mới bắt đầu, nhưng mọi người đã tập trung về đây đông đủ để cùng sống lại một thời của ông cha xưa.
Đúng 19 giờ, trước khi nghi thức lễ giỗ tổ bắt đầu, trên 50 học sinh đã rước đuốc từ Bảo tàng tỉnh đến sân lễ trong tiếng trống vang lên hào hùng. Ngọn đuốc thiêng đã được thắp lên như thể hiện sự tiếp bước của thế hệ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng, gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc. Đại diện lãnh đạo tỉnh, ông Vũ Minh Sang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã châm đuốc để mọi người bày tỏ sự tri ân và thành kính đối với các bậc tiền nhân.
Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hiệp phát biểu: Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng sinh động của giá trị văn hóa, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm thiêng liêng sâu đậm trong dân tộc ta, đồng thời thể hiện trách nhiệm của toàn dân đối với tổ tiên đã có công dựng nước và giữ nước từ thời vua Hùng Vương. Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc và chúng ta phải làm gì để đem lại sự phồn vinh cho đất nước, cho sự trường tồn của dân tộc.
Trước bàn thờ Quốc Tổ, trước anh linh của tổ tiên, chúng ta nguyện cùng nhau ra sức thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, trong lao động sản xuất, thực hiện thành công công cuộc xây dựng công nghiệp hóa và hiện đại hóa tỉnh nhà.
Học sinh cùng tham gia gói bánh chưng,bánh tét và cắm hoa để dâng lên bàn thờ tổ . Ảnh: A.SÁNGBất kỳ ai là công dân của nước Việt đều không thể quên 2 câu thơ: “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân, học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương đã kính dâng lên các vua Hùng những chiếc bánh chưng do chính tay các em gói và những lẵng hoa tươi thắm do các em trang trí. Sau đó, thầy Trương Công Chánh, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hùng Vương lên làm lễ tế văn, nêu lên công đức của người mở nước và nhắc nhở con cháu không quên về nguồn cội. Tiếp theo các vị chủ lễ ban lễ văn, ban lễ võ và các học trò lễ lên dâng hương, cảm tạ đất trời, tổ tiên. Điều này như nhắc nhở với thế hệ hôm nay, rằng các vua Hùng xưa đều luyện võ để giữ nước, chống lại các thế lực thù địch, phong ba bão táp...
Phần đặc sắc nhất của lễ Giỗ Tổ là chương trình sân khấu hóa “Nguồn cội rồng tiên”. Qua các tiết mục như: Một mẹ trăm con, Nam quốc sơn hà, Mẹ Âu Cơ, Tháng 3 đi hội đền Hùng... do đoàn ca múa nhạc dân tộc và học sinh trường THPT chuyên Hùng vương biểu diễn. có thể thấy rằng, các tiết mục không chỉ được dàn dựng công phu mà có ý nghĩa giáo dục mọi người về cội nguồn, về sự chiến đấu, hy sinh của ông cha để giữ gìn bờ cõi và tiếp nối truyền thống yêu nước thế hệ hôm nay.
Hội ý nghĩa
Nếu như phần lễ được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm, thể hiện lòng thành kính biết ơn đối với các vua Hùng đã có công dựng nước, thì phần hội cũng được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra trong suốt ngày mùng 10-3. Ngoài 24 lớp đại diện cho học sinh trường chuyên còn có sự tham gia của cựu học sinh và một trường đại học, cao đẳng lân cận. Ý nghĩa hơn hết là hội thi nấu bánh chưng, bánh tét trong học sinh. Hoạt động này đã góp phần lưu giữ được văn hóa ẩm thực truyền thống do ông cha để lại, mà khó có dân tộc nào gìn giữ được như dân tộc Việt Nam. Cựu học sinh Nguyễn Ngọc Duyên cho biết: “Dù đã ra trường nhưng cứ đến ngày Giỗ Tổ em và một số bạn lại trở về lại trường xưa để thăm thầy cô và cùng tham gia các hoạt động lễ hội Giỗ Tổ. Năm nay em còn mời một số bạn bè ở trường Đại học Hoa Sen cùng về tham dự lễ hội”.
Hội thi cắm hoa cũng đã thu hút học sinh nhiều lớp tham gia. Mỗi lẵng hoa là một tác phẩm nghệ thuật với các chủ đề như: Trái tim Việt, Tinh thần Việt, Hương sắc Việt, Tiếp bước... được các em chăm chút tỉ mẩn để dâng lên bàn thờ tổ.
Song song đó, các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, cưỡi ngựa bắt bóng, vây lưới bắt cá, nhảy dây tiếp sức, nấu cơm hành quân cũng đã diễn ra trong ngày hội Giỗ Tổ năm nay. Em Huỳnh Xuân Mẫn, học sinh lớp 10 chuyên toán chia sẻ: “Em tự hào khi được học ngôi trường mang tên các vua Hùng và đây cũng là lần đầu tiên em tham dự lễ Giỗ Tổ. Mấy hôm nay em và các bạn nôn nao lắm, cứ mong mau đến ngày này để được gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian và sống lại với thời các vua Hùng đã khai nước, lập cõi và chống giặc ngoại xâm”.
Lễ hội Giỗ Tổ hàng năm không thể thiếu phần cắm trại. 28 lều trại đã được dựng lên ngay tại sân trường. Mỗi lều mang màu sắc khác nhau nhưng đều mang nét đặc trưng của làng quê Việt Nam.
Là ngôi trường mang tên vua Hùng nên hàng năm trường THPT chuyên Hùng Vương vinh dự được chọn tổ chức lễ Giỗ Quốc Tổ. Thầy Trần Văn Hai, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hùng Vương cho biết: Gần một tháng nay, học sinh của trường đã tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ, chương trình sân khấu hóa cùng với đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh. Trường cũng đã tu sửa cơ sở vật chất, chuẩn bị cho lễ hội diễn ra được tôn nghiêm và ý nghĩa. Các hoạt động của lễ hội xem như là một hoạt động giáo dục trong học sinh về niềm tự hào dân tộc, từ đó các em ra sức học tập để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
A.SÁNG