Lễ hội Đền Hùng: Nhớ về cội nguồn dân tộc

Cập nhật: 22-04-2010 | 00:00:00

Theo tài liệu của Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao Vĩnh Phú trước đây cho biết ở Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ) có 627 làng thuộc 387 xã thờ các vua Hùng, vợ con và tướng lĩnh của các vua Hùng. Bộ Lễ thời Lê đã thống kê trong cuốn sách thờ bách thần có tới 1.026 đình đền ở 944 xã thờ Hùng Vương, nhân thần và các tướng lĩnh của vua Hùng gồm Hưng Hóa: 58, Kinh Bắc 112, Hải Dương 112, Thanh Hóa 26, Sơn Nam 231, Nghệ An 70. Năm 2005, Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã thống kê các tỉnh, thành trong cả nước có 1.417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam.

Điều này cũng cắt nghĩa lý do vì sao các triều đại phong kiến nối tiếp nhau tôn vinh khu di tích Đền Hùng, đưa nghi lễ Nhà nước vào các kỳ giỗ Tổ một cách trọng thể trang nghiêm thể hiện được tình cảm thành kính của con Lạc cháu Hồng với Tổ tiên. Khi đất nước ta giành được độc lập thế kỷ thứ X, vua Lê Đại Hành đã chính thức cho viết Thần tích vào nam Thiên Phúc nguyên niên (980), việc xây dựng kiến trúc và tổ chức lễ hội được duy trì hoàn thiện hơn. Đến thời Lý Trần Khu di tích được Đền Hùng đã là một khu di tích khá đẹp. Thời Lê sau khi giải phóng đất nước triều đình cử Lễ bộ Thượng thư lên thị sát việc xây dựng lại Đền Hùng bị quân Minh tàn phá, phong cho dân làng Cổ Tích là “Dân trưởng tạo lệ” cho miễn phu phen, tạp dịch, thuế má để trông nom Lăng miếu vua Hùng và cho viết lại Thần tích và năm Hồng Đức Nguyên niên (1470) sao lại vào năm Hoằng định Nguyên niên (1600) (Bản sao Thần tích này hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Hùng Vương trung Khu di tích lịch sử Đền Hùng). Triều Nguyễn cho trùng tu các đền trong khu di tích định ra chính lễ hội và hội thường: cứ 5 năm một lần chính hội do Thượng thư bộ lễ chủ tế, quan tuần phủ Phú Thọ làm bồi tế, hội thường quan tuần phủ Phú Thọ chủ trì và đồng chủ tế, tri huyện Lâm Thao, Phù Ninh làm bồi tế, quyết định chính thức lấy ngày 10-3 âm lịch là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (trước kia là ngày 12-3 âm lịch ngày giỗ Kinh Dương Vương).

Sau khi nước nhà vừa độc lập, Chính phủ lâm thời cử cụ Huỳnh Thúc Kháng lên dự Giỗ Tổ đầu tiên (Năm Bính Tuất 1946). Năm 1954 trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã về thăm Đền Hùng, tại đây Người nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong (Sư đoàn 308) với câu nói bất hủ “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã về thăm Đền Hùng. Khu di tích lịch sử văn hóa đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể để Đền Hùng xứng đáng với tầm vóc là một trong những khu di tích lịch sử quan trọng bậc nhất quốc gia. Mới đây ngày 10-12-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2069 về việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2010, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trong 10 ngày ở Phú Thọ theo nghi thức cấp Nhà nước.

Trong tâm khảm của người dân đất Việt, lễ hội Đền Hùng không chỉ là một lễ hội thông thường mà đây chính là ngày giỗ Tổ, hành hương về Đền Hùng là hành hương về cội nguồn dân tộc. Đền Hùng không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa mà chính là biểu tượng thiêng liêng cho thời lập nước mở nghiệp sơn hà của Tổ tiên.

TRẦN VĂN QUANG

(Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=506
Quay lên trên