Lễ tôn vinh “Người trồng bưởi tiêu biểu” nằm trong chuỗi hoạt động Lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” lần thứ I năm 2017. Mục đích của lễ tôn vinh nhằm quảng bá nét văn hóa bình dị nhưng độc đáo, tính cần cù, sáng tạo của nông dân xứ bưởi trong kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi qua bao đời nay; góp phần đưa thương hiệu “Nhãn hiệu tập thể bưởi Bạch Đằng” ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng. Sẽ có 20 hộ dân trồng bưởi tiêu biểu được tôn vinh tại lễ hội lần này.
Quả ngọt từ Quyết định 45
Hiện nay, xã Bạch Đằng có trên 400 ha trồng bưởi đường lá cam, bưởi da xanh đặc sản. Chúng tôi đến vườn bưởi đường lá cam của ông Huỳnh Văn Ly, xã Bạch Đằng, một trong những nông dân được tuyên dương trong dịp này đúng lúc ông đang tập trung chăm sóc để có bưởi chất lượng tốt nhất cung ứng thị trường Tết Nguyên đán sắp tới và phục vụ cho du khách đến tham quan lễ hội. Khác với nhiều hộ trồng bưởi tại địa phương, nắm bắt nhu cầu thị trường, vườn bưởi được ông điều chỉnh cho trái 1 vụ duy nhất vào dịp tết. Ngay từ đầu tháng 6 âm lịch, gia đình ông đã tích cực chăm sóc, xử lý ra hoa để bưởi kịp phục vụ tết. Theo ông Ly, sau nhiều năm nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật, người trồng bưởi Bạch Đằng đã đạt kỹ thuật cho cây bưởi ra hoa và đạt độ chín trái bưởi vào đúng thời điểm tết như ý muốn nên giá trị kinh tế rất cao. Dịp tết năm ngoái, vườn bưởi của gia đình ông xuất ra thị trường hơn 6.000 trái, với giá bán bình quân 65.000 đồng/kg.
Những người nông dân xã Bạch Đằng háo hức bên vườn bưởi cho trái đúng mùa lễ hội và dịp tết cổ truyền
Chia tay ông Ly, chúng tôi tìm đến trang trại trồng bưởi của anh Nguyễn Minh Công, ở ấp Tân Long, xã Bạch Đằng. Anh Công là một trong những cá nhân được hỗ trợ 100% cây giống, 50% vật tư nông nghiệp và 5 triệu đồng/ha cho việc trồng vườn bưởi mới từ Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định hỗ trợ giữ và phát triển vùng cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016. Anh Công chia sẻ: “Là một người mới trồng bưởi từ năm 2010 đến nay, với diện tích 7.000m2 bưởi da xanh, tôi nhận thấy được giá trị kinh tế rất lớn mà loại cây này mang lại. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm và hỗ trợ từ địa phương thông qua việc giới thiệu tiếp cận các nguồn vốn, nguồn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, năm 2015 tôi đã đã đầu tư trồng mới 5.000m2 bưởi đường lá cam, với mong muốn phát triển hơn nữa thương hiệu bưởi đặc sản của địa phương”.
Ông Ngô Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bạch Ðằng, cho biết những năm qua, nhờ giá bưởi cao và ổn định nên thu nhập của người trồng bưởi trong xã ngày một khá lên; có nhiều hộ thu nhập 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Bên cạnh sự nỗ lực của các gia đình trồng bưởi, bưởi Bạch Đằng ngày càng có tiếng còn nhờ chính sách hỗ trợ, giữ gìn và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản của tỉnh.
Nâng cao chất lượng bưởi
Nhắc đến bưởi Bạch Đằng chúng ta không thể không nhắc đến các thành viên của tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng với 12 thành viên. Qua thời gian hoạt động, thu nhập của các thành viên trong tổ lên đến hàng trăm triệu đồng/ năm. Thương hiệu Bưởi Bạch Đằng đã chinh phục thị trường trong tỉnh, ngoài ra còn có mặt tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt, bưởi do tổ hợp tác làm ra được bán trực tiếp cho Siêu thị Co.opmart Bình Dương, đều đặn hàng tuần hơn 150kg bưởi được xuất vào siêu thị với giá 65.000 đồng/kg.
Là một trong những người đi đầu trong việc trồng bưởi áp dụng theo mô hình VietGAP ở xã Bạch Đằng, anh Nguyễn Hữu Tâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng chia sẻ, nông dân trồng bưởi hiện nay ngoài sử dụng công cụ làm nông còn phải luôn mang theo bên mình cuốn sổ để ghi lại quy trình chăm sóc, bón phân… nhằm áp dụng đúng quy chuẩn bưởi VietGAP. Thời gian qua, Tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng thường xuyên tổ chức các buổi chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi, cách trồng và chăm sóc bưởi cho nông dân trong xã để góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng và tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho trái bưởi.
Những vườn bưởi ở Bạch Đằng được thị trường đánh giá cao nhờ chất lượng ổn định. Thời gian qua nhiều chủ vườn ở đây đã đăng ký vào tổ hợp tác bưởi Bạch Đằng và chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP. Có thể nói, việc ứng dụng quy trình chăm sóc cây bưởi theo tiêu chuẩn kết hợp với kỹ thuật mới đã đem lại năng suất cao, giúp tăng hiệu quả kinh tế; sản phẩm đưa ra thị trường an toàn cho người tiêu dùng. Bưởi Bạch Đằng được trồng và bảo quản sau thu hoạch bằng mô hình khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, thương hiệu Bưởi Bạch Đằng đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) và được Nhà nước bảo hộ độc quyền.
Theo bà Võ Thị Bảo Xuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, bưởi ở đây được chứng nhận thương hiệu tập thể là điều kiện thuận lợi để bưởi Bạch Đằng vươn ra thị trường vững chắc hơn. Bên cạnh đó, với sự chuẩn bị chu đáo cho lễ hội lần này, hy vòng rằng Lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng” năm 2017 thực sự là nơi tôn vinh giá trị của trái bưởi và các sản phẩm chất lượng từ bưởi, góp phần đưa thương hiệu “Nhãn hiệu tập thể bưởi Bạch Đằng” ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng, từ đó tạo động lực cho những người trồng bưởi của Cù lao Bạch Đằng phát triển vườn bưởi của gia đình ngày càng tốt hơn.
Món ngon từ bưởi
Những ngày này, các chị em trong Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bạch Đằng đang tất bật chuẩn bị nguyên liệu chế biến các món ăn đặc sản xứ cù lao được chế biến từ bưởi, gồm: chè bưởi, trà sữa bưởi, gỏi bưởi, chả giò bưởi… Với 5 loại bưởi đặc sản nổi tiếng của mảnh đất Cù lao Bạch Đằng là bưởi đường da láng, bưởi đường lá cam, bưởi ổi, bưởi thanh và bưởi da xanh. Mỗi loại lại thích hợp để chế biến một món ăn khác nhau.
Khách tham quan khi muốn thưởng thức các món ăn đặc sản tại đây, chỉ cần ghé đến quầy mua phiếu, rồi nhận món ăn. Hội phụ nữ xã mong muốn giới thiệu và quảng bá đặc sản quê hương. Tất cả các món ăn được trưng bày và bán tại khu ẩm thực của gian hàng xã Bạch Đằng, với giá 10.000 đồng/món.
Chị Nguyễn Thị Hồng Cẩm, thành viên trong tổ ẩm thực cho biết, để làm ra món chè bưởi Bạch Đằng ngon ngoài khâu lựa chọn cùi bưởi thì lúc sơ chế cùi bưởi cũng mang tính quyết định. Cùi bưởi cần gọt hết phần xanh bên ngoài và những phần gân, xơ bên trong chỉ lấy phần trắng, sau đó cắt ra thành các miếng nhỏ vừa ăn. Sau đó phải làm thêm nhiều công đoạn bóp phèn chua rồi ngâm qua nước lạnh để giữ được độ giòn dai… Nhiều quy trình phức tạp là thế, nhưng đa phần chị em tham gia khâu ẩm thực đều rất vui vẻ, nhiệt tình, mỗi người một tay để chuẩn bị tất cả mọi thứ một cách chu đáo nhất nhằm phục vụ du khách.
Bên cạnh việc thưởng thức các món ăn đặc sản, du khách sẽ có dịp đến thăm những vườn bưởi trĩu cành tại Cù lao Bạch Đằng, được thưởng thức những quả bưởi ngon ngọt hoặc có thể mua về làm quà cho gia đình và người thân.
Bài ảnh: QUỲNH NHIÊN