Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chứa đựng nhiều giá trị

Cập nhật: 25-08-2023 | 08:45:02

Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 150/ QĐ-BVHTTDL ngày 2-2-2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Dương đã được công nhận.

 Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An được tổ chức vào ngày 15 tháng 11 âm lịch hàng năm

 Lễ hội quy mô

Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là một trong những lễ cúng đình đầy đủ, quy mô nhất tỉnh Bình Duơng. Là một trong số ít các lễ hội cúng đình ở Bình Dương còn giữ được đầy đủ các giá trị truyền thống, đó là sự chỉn chu, bài bản trong quy trình thực hành, sự lan tỏa trong đời sống xã hội và các nghi thức được trao truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Theo thông lệ các kỳ đại lễ, chương trình hành lễ của đình trải qua 22 nghi thức cúng tế (chưa kể các hoạt động của đoàn hát bội, lân sư rồng, hẩu...). Các nghi thức này luôn được Ban Quý tế đình thực hiện đầy đủ, chỉn chu, theo đúng tính chất truyền thống, có nhiều nghi thức nay ít gặp trong lễ cúng đình như nghi thức chiêu vong, chuẩn tế hay cúng ngũ hành... Lễ hội đình Dĩ An thể hiện được tầm ảnh hưởng, quy mô khu vực với việc giao tế hơn 120 cơ sở tín ngưỡng, đình miếu; mỗi dịp lễ đãi hơn 1.200 bàn khách trong và ngoài tỉnh...

Ông Trịnh Văn Xuân, Trưởng ban Quản lý đình Dĩ An, cho biết Lễ hội Kỳ yên được tổ chức chính vào ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch hàng năm. Nhưng năm nào cũng vậy, trước lễ hội chính 3 đến 4 ngày, du khách khắp nơi tìm về cúng đình, tạo nên một không khí lễ hội hoành tráng. Mỗi ngày đình tổ chức hàng trăm bàn tiệc, nên bà con trong khu vực không cần đỏ lửa nấu nướng gì, cứ thoải mái đến đình tham gia tiệc tùng. Kinh phí tổ chức lên đến hàng tỷ đồng, tất cả từ nguồn xã hội hóa. Chỉ riêng tiền hát mỗi mùa lễ hội đã hơn 1 tỷ đồng. Từ lâu, Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An đã trở thành một lễ hội cổ truyền của người dân địa phương.

Giữ gìn văn hóa, truyền thống

Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An hàng năm là dịp trao truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương, đồng thời thường xuyên kết nạp những thành viên trẻ, nhiệt tình vào Ban Quý tế, giao công, chỉ việc; tạo điều kiện tìm hiểu, nắm bắt những công việc của đình. Ông Trịnh Văn Xuân cho biết: “Chỉ riêng công việc soạn thảo văn cúng Hán nôm, đều được các đội học trò lễ thực hiện chu đáo, có các thế hệ kế cận. Công tác tư liệu hóa được thực hiện bài bản với sự tham gia của cơ quan chức năng quản lý văn hóa và người dân thông qua việc lập hồ sơ khoa học, các công trình nghiên cứu, các phim tư liệu về lễ hội”.

Qua nhiều thế hệ, Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An đã trở thành tập quán tín ngưỡng, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương; đồng thời đình Dĩ An cũng là nơi để giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm giữa Ban Quý tế các đình trong và ngoài địa phương. Ban Quý tế đình thường xuyên hỗ trợ các đình khác trong tỉnh về lễ cúng, lễ xây chầu, các văn cúng, cách bày biện đồ cúng, lễ cúng.

 Theo ông Trịnh Văn Xuân, hàng năm đình Dĩ An diễn ra nhiều lễ cúng, trong dó Lễ hội Kỳ yên là nghi lễ quan trọng nhất. Đây là dịp để người dân địa phương bày tỏ lòng tri ân đối với các vị thần ban phước để cư dân được bình an và cũng là dịp để bà con gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước.

 PHƯƠNG LÊ - PHẠM ẨN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=613
Quay lên trên